Trưa ngày cuối tháng 6, giữa cái nắng như đổ lửa, Dương Hữu Nghị (33 tuổi, ngụ huyện Thoại Sơn, An Giang) vẫn tất bật chăm sóc vườn lựu Peru. Khác với người dân ở An Giang vốn coi cây lúa là nguồn thu nhập chính, thì với anh Nghị thu nhập chính là từ hơn 1.400 gốc lựu.
Chỉ tay về vườn lựu Peru, Nghị kể, anh tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế. Giống nhiều thanh niên khác, Nghị cũng “dấn thân” vào con đường khởi nghiệp, song do chưa có kinh nghiệm nên chàng trai này thất bại.
Năm 2019, Nghị tình cờ biết đến mô hình trồng lựu Peru. Anh bỏ nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu về giống cây trồng này. Đây là loại cây trồng mới ở Việt Nam, chưa có nhiều mô hình chuyên canh phát triển với diện tích lớn, đa phần chỉ trồng làm cây kiểng, phong thủy.
Vườn lựu Peru của anh Nghị ở An Giang
Anh Nghị bên vườn lựu Peru của mình
Nhận thấy đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối mới mình, Nghị quyết định đặt mua 1.000 cây lựu giống, với giá 120.000 đồng/cây, đem về trồng trên đất lúa, đầy phù sa. Anh kể, lúc đó suy nghĩ rất đơn giản “liều nhiều ăn nhiều”. “Tôi nhờ bạn bè mua giúp cây giống ở Peru. Sau 6 tháng trồng thì cây ra hoa, được 1 năm thì có cho trái”, anh Nghị nói. 1.000 cây lựu giống Peru phát triển rất tốt, chỉ hao hụt 3-4 cây.
Thấy giống lựu Peru quá tiềm năng, anh Nghị quyết định mở rộng diện tích, đến nay đã có 1.400 cây.
Anh Nghị tiết lộ, lựu Peru rất thích hợp trồng nơi khô ráo, thời tiết nóng. Vì vậy, khi cắm giống cây này trên đất lúa, anh lên liếp rất cao để cây không bị ngập úng. Khoảng cách từ mặt nước đến mặt liếp khoảng 60-70cm, mỗi cây cách nhau 3m.
Đặc biệt, anh trồng lựu đỏ Peru theo hướng hữu cơ để tạo ra nông sản sạch cung ứng cho thị trường. “Tôi sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học để cải tạo đất, tăng chất dinh dưỡng cho cây phát triển tốt nhất”, anh cho hay.
Theo anh Nghị, khi lựu ra trái rất dễ mắc bệnh thán thư và thối tim, không xử lý kịp thời trái dễ rụng, hao hụt cao. Lựu Peru của anh Nghị trồng cho trái to, trọng lượng từ 500 -800 gram/trái.
Lựu Peru khi chín có màu đỏ như son, hạt đỏ thẫm, mọng nước, ăn rất ngọt và thơm dai. Do số lượng cây còn ít nên anh Nghị chưa bán trái thương phẩm, chủ yếu chiết nhánh bán cây giống.
Với 1.400 gốc lựu, mỗi năm anh cung cấp khoảng 40.000 cây giống, giá từ 80.000-120.000 đồng/cây, trừ hết chi phí anh thu về khoảng 1 tỷ đồng.
Lựu Peru khi chín có màu đỏ như son
Mỗi trái nặng từ 500-800gram.
Nhờ vườn lựu Peru anh Nghị có thu nhập cả tỷ đồng/năm