|
Tình trạng mất tiền do thẻ ATM bị làm giả ngày càng diễn ra phức tạp - Ảnh minh họa: Một thế giới. |
Nhiều vụ mất tiền do chủ thẻ bị đánh cắp thông tin thẻ, sau đó kẻ gian làm thẻ giả để rút tiền.
Khách hàng liên tục mất tiền trong thẻ ATM
Ngày 31.5, một khách hàng tại quận 7, TP.HCM có tài khoản thẻ ATM tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, vào ngày 28.5, tài khoản của khách hàng này bỗng nhiên phát sinh tới 36 giao dịch trong một đêm, với tổng số tiền bị rút là 72 triệu đồng. Đáng chú ý, trong thời gian này khách hàng đang đi công tác tại Mỹ và không hề thực hiện các giao dịch nói trên.
Sau đó, khách hàng này đã thông báo với tổng đài của ngân hàng và khóa thẻ để xác minh sự việc. Theo thông tin ban đầu, thẻ của khách hàng này đã bị sao chép thông tin để làm giả và rút trộm tiền. Hiện tại, Vietcombank đã tạm thời hoàn trả số tiền bị rút trộm của khách hàng và đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ sự việc.
Trước đó, ngày 13.5, ông Nguyễn Thành Nam ở TP.HCM cũng phát hiện mất hơn 30 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng Vietcombank. Số tiền bị thất thoát được dùng để thanh toán mua vé máy bay từ website của hãng Air Aisa tại các nước Đông Nam Á.
Tương tự, ngày 24.4, một khách hàng của Sacombank ở Hà Nội nhận được tin nhắn báo giao dịch rút tiền thành công từ tài khoản. Tuy nhiên, sáng hôm sau khách hàng này mới xem điện thoại và phát hiện bị mất 94 triệu đồng. Đáng lưu ý, mặc dù khách hàng đang ở Hà Nội nhưng toàn bộ giao dịch lại diễn ra ở TP.HCM. Sacombank sau đó đã hoàn trả số tiền và thông báo tài khoản khách hàng này đã bị đánh cắp thông tin.
Được biết, thủ đoạn mà bọn tội phạm sử dụng rất giống nhau; đó là chọn thời điểm gần 0 giờ đêm để có thể rút tối đa số tiền cho phép của hai ngày. Chưa kể, thời điểm này thường chủ thẻ cũng đang ngủ, không xem tin nhắn báo thay đổi số dư nên không thể phát hiện ngay khi mới bị mất tiền từ giao dịch đầu tiên. Vì vậy, dù có đăng ký dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn, thế nhưng nhiều khách hàng đến sáng hôm sau mới phát hiện.
Tội phạm ngày càng tinh vi
Theo Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), hiện nay, có nhiều thủ đoạn đánh cắp thông tin của khách hàng rồi làm thẻ giả để rút tiền. Cụ thể, kẻ gian dùng bảng nhựa chứa thiết bị lấy cắp thông tin thẻ (thiết bị skimming) gắn phía ngoài khe quẹt thẻ. Khi người dùng đưa thẻ vào khe cắm, thẻ sẽ đi qua thiết bị skimming trước rồi mới vào bên trong nên tội phạm sẽ lấy toàn bộ thông tin lưu trữ trên dải băng từ.
Kẻ gian lắp đặt camera nhỏ, thường ngụy trang trong một thanh nhựa hoặc bảng quảng cáo ốp ngay phía trên bàn phím của máy ATM để ghi lại toàn bộ hoạt động nhập mã PIN của khách hàng khi rút tiền. Sau đó, họ làm giả thẻ thông qua phần mềm chuyên dụng và thiết bị đọc, in dữ liệu thẻ từ, rồi rút tiền tại các máy ATM hoặc câu kết với các tội phạm khác thực hiện giao dịch...
Đơn vị này cho rằng đánh cắp thông tin thẻ, làm thẻ giả rút tiền là một trong những thủ đoạn lấy cắp tiền đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Hầu hết những trường hợp bị đánh cắp thông tin thẻ ATM trong nước đều là những thẻ được làm bằng công nghệ băng từ (thẻ từ).
Trước tình trạng nhiều khách hàng liên tục bị mất tiền qua máy ATM, nhiều ngân hàng thương mại khuyến cáo khách hàng cần tuyệt đối bảo mật thông tin cá nhân, luôn giữ thẻ trong tầm mắt khi thanh toán hàng hóa, dịch vụ hoặc thanh toán trực tuyến qua mạng…
Đơn cử, ngày 15/6, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã phát đi thông cáo lưu ý các khách hàng cần bảo mật thông tin liên quan đến giao dịch ngân hàng, thông tin thẻ để tránh các trường hợp khách hàng bị lừa đảo dẫn tới mất tiền trong tài khoản.
Theo ngân hàng này, để tránh những trường hợp tương tự, khách hàng cần bảo mật các thông tin liên quan đến giao dịch ngân hàng, các thông tin thẻ và trong mọi trường hợp không cung cấp các thông tin này qua các trao đổi, giao tiếp trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, khách hàng nên đăng ký dịch vụ SMS để biết ngay tình trạng biến động số dư tài khoản ngân hàng và tài khoản thẻ.
Trong khi đó, theo một số chuyên gia an ninh mạng, để tránh trường hợp đáng tiếc nêu trên, người dùng cần chú ý không đăng nhập đường link lạ, cài đặt các chương trình chống vi rút trên máy tính, thay đổi mật khẩu định kỳ và tuyệt đối không cung cấp thông tin thẻ cho người khác, kể cả người thân quen.
Siết chặt việc rút tiền từ 23 giờ đến 1 giờ sáng
Trước diễn biến ngày càng phức tạp về tội phạm thẻ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 21/6 đã có văn bản yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.Hà Nội, TP.HCM và các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn ATM.
Theo đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có trang bị ATM khẩn trương rà soát việc cài đặt phần mềm, lắp đặt thiết bị chống sao chép, trộm cắp thông tin thẻ đối với toàn bộ hệ thống ATM của mình. Khi phát hiện các thiết bị lạ dùng để lắp cắp thông tin khách hàng được gắn vào máy ATM, cần giữ nguyên hiện trạng và báo cáo ngay cho lãnh đạo đơn vị cũng như cơ quan công an để phối hợp xử lý.
Đặc biệt, NHNN yêu cầu phải giám sát chặt chẽ các giao dịch diễn ra trong khoảng thời gian từ 23 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau do các đối tượng phạm tội tận dụng hạn mức rút tiền 2 ngày để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng và ngân hàng.
Các ngân hàng thương mại cũng cần có biện pháp hướng dẫn khách hàng cách nhận biết các thiết bị sao chép, trộm cắp thông tin thẻ được gắn vào ATM và cách thức ứng xử khi phát hiện các trường hợp này.
Đồng thời, NHNN cũng yêu cầu Napas tăng cường phối hợp với các ngân hàng thành viên theo dõi, phát hiện kịp thời xử lý các giao dịch bất thường (đặc biệt là các giao dịch thực hiện vào thời điểm giao giữa 2 ngày từ 23 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau, đảm bảo quyền lợi của khách hàng cũng như các ngân hàng thành viên và nghiên cứu biện pháp phòng, chống thủ đoạn gian lận của tội phạm thẻ.
Theo Phan Diệu/Một thế giới