Chị Nguyễn Thị Xuân ở Nguyễn Xiển (Hoàng Mai, Hà Nội) kể, gia đình chị mới chuyển về căn hộ chung cư rộng 100 mét vuông gồm 3 phòng ngủ vào hè năm ngoái. Lúc đó, chị thuê thợ về lắp đặt 2 điều hòa ở 2 phòng ngủ, còn 1 phòng nữa thì lắp sẵn đường ống chờ để lúc cần sử dụng thì mua điều hòa về lắp, đỡ phải đục trần nhiều lần. Bởi, đường ống điều hòa nhà chị đi ngầm trên trần thạch cao nên khi lắp đặt, bắt buộc phải đục trần ra mới đưa được đường ống vào bên trong.
Mới đây, gia đình chị đón mẹ dưới quê lên ở cùng nên chị đến một cửa hàng điện máy lớn trên đường Giải Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội) hỏi mua một chiếc điều hòa 9.000 BTU với giá 6,9 triệu đồng, đồng thời thuê thợ điều hòa của cửa hàng tới lắp đặt cho phòng còn lại.
Ngày hôm sau, cửa hàng này có cho đội thợ đến lắp đặt. Lúc lắp đặt điều hòa xong, chị Xuân cứ nghĩ chắc chỉ hết vài trăm ngàn đồng. Thế nhưng sau một hồi tính toán, thợ điều hòa nói chi phí hết gần 1,6 triệu đồng. Trong đó, tiền hút bụi trong ống đồng hết 500.000 đồng, ống đồng 390.000 đồng, hút chân không gas hết 100.000 đồng, đây điện 10 mét hết 180.000 đồng, giá đỡ cục nóng 80.000 đồng, tiền ốc vít, băng cuống hết 100.000 đồng, bảo ôn cách nhiệt hết 60.000 đồng, chi phí nối ống đồng 150.000 đồng.
|
Khi lắp điều hòa, khách hàng nên yêu cầu thợ lắp đặt báo giá trước để tránh tình trạng bị chặt chém (ảnh minh họa) |
“Tôi có thắc mắc thì người thợ của cửa hàng này nói đó là giá chung của cửa hàng quy định, họ chỉ làm và thu tiền theo đúng luật. Do đó, tôi đành rút ví trả đủ tiền”, chị nói.
Khi thợ về, chị tính toán, năm ngoái nhà mình lắp 2 điều hòa (không tính tiền ống chờ ở phòng còn lại) thì mỗi cái điều hòa tiền công còn chưa đến 1,5 triệu, đó là tính cả tiền ống đồng, tiền dây điện, ống thoát nước, giá cục nóng,... Năm nay cũng lắp điều hòa 9000 BTU như cũ, đường ống đồng, dây điện, ống đã lắp từ năm ngoái, chỉ phải mua thêm 1 mét để nối vào vì đường ống cũ bị ngắn và một giá đỡ cục nóng nữa. Ấy thế mà tiền chi phí lắp đặt vẫn không hề giảm.
“Đoạn dây nối thêm chỉ dài 1 mét mà thợ tính tới 3 mét, dây điện cũng hết thêm khoảng hơn 1 mét nữa mà thợ tính 10 mét,... Chưa kể, đường ống đầu nhà tôi lắp trước đó đã được lấy nilon bịt kín 2 đầu vậy mà thợ vẫn tính hết 500.000 đồng tiền công thổi bụi. Thế chẳng phải kê khống để vặt tiền khách sao”, chị thắc mắc.
Chị Xuân cho hay, ngay tối hôm đó, chị gọi đến 2 cửa hàng điều hòa để hỏi về giá tiền công lắp đặt các loại. Cả hai đều báo tiền giá đỡ cục nóng loại điều hòa 9.000 BTU là 80.000 đồng, tiền công lắp đặt 250.000 đồng, tiền chi phí cho 1 mét dây dẫn ( gồm: ống đồng, dây điện, ống nước thải,... ) hết 200.000 đồng. Nhẩm tính, chi phí lắp đặt chiếc điều hòa này chỉ hết 530.000 đồng, nghĩa là chị bị thợ điều hòa “chặt chém” thêm gần 1 triệu đồng.
Hôm sau, chị gọi điện đến phía cửa hàng phản ánh lại sự việc, cửa hàng nói thợ lắp đặt sẽ đem trả lại tiền, nhưng chỉ trả có 300.000 đồng, số tiền 1,2 triệu còn lại là tiền chi phí lắp đặt.
“Tiền vài trăm ngàn không đáng là bao, nhưng kiểu buôn gian bán lận, chặt chém vô tội vạ như thế này thì không thể chấp nhận được”, chị chia sẻ.
Trao đổi với PV.VietNamNet, anh Vũ Văn Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) - một thợ điều hòa có 20 năm kinh nghiệp trong nghề - thừa nhận, chuyện thợ điều hòa chặt chém khách hàng vào mùa hè không phải là chuyện hiếm.
Để không mắc bẫy của họ, khi gọi thợ tư vấn cần phải hỏi báo giá trước tất cả các loại vật tư và công lắp đặt. Hoặc, có thể tham khảo giá lắp đặt khá chi tiết tại một số hệ thống điện máy lớn trên các trang web của họ. Khi thợ lắp đặt cũng cần theo dõi việc sử dụng đường ống đồng, dây điện các loại xem hết cụ thể bao nhiêu mét dây. Bởi, chỉ cần kê khống vài mét là khách hàng sẽ mất tiền triệu.
Theo Châu Giang/Vietnamnet