Đó là những kinh nghiệm mà lão nông Bùi Văn Thao, tổ 23, phường Trung Sơn, TP.Tam Điệp (Ninh Bình) tích lũy được sau 20 chăn nuôi gà và hơn 40 năm gắn bó với nghề nuôi ong.
Hầu như lúc nào gia trại của ông Thao cũng duy trì khoảng 130 đàn ong, 800 con gà đẻ và khoảng 40-50 con lợn, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Theo ông Thao, cùng là mật nhãn nhưng chất lượng khác nhau tùy vào thời điểm lấy mật. Ông thổ lộ: “Nuôi nhiều, tôi phải di chuyển đàn ong rong ruổi khắp nơi để tìm mật, không mấy khi được ở nhà. 2 tháng vừa rồi tôi đi Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang lấy mật nhãn, mật vải, sau đó lại tiếp tục xuống Kim Sơn vào mùa mật vẹt”.
|
Ông Bùi Văn Thao chăm sóc đàn gà Ai Cập. ảnh: H.P |
Nuôi gần 130 đàn ong nhưng ông Thao biết tính từng đàn một, đàn nào hiền, đàn nào dữ; nắm vững kỹ thuật tách đàn, gây tạo ong chúa, khai thác sữa ong chúa và phấn hoa, đặc biệt là xử lý kịp thời hiện tượng bệnh thối ấu trùng ở loài ong nội. Thông thường mỗi năm ngoài thu từ 1,5-2 tấn mật, ông Thao còn gây thêm được khoảng 200 cầu ong, tương đương 40-50 đàn để bán với giá từ 700.000 -800.000 đồng/đàn.
Không chỉ thành công trong nuôi ong, nuôi gà cũng là một trong những sở trường của ông Thao. Hiện nay đàn gà của gia đình ông có 800 con, đều là giống gà Ai Cập.
Được biết, nuôi gà nhiều năm nhưng chưa khi nào đàn gà của ông bị dịch bệnh nghiêm trọng, gây thất thu, thua lỗ. Ông Thao đã bảo vệ, chăm sóc đàn gà rất khỏe mạnh, hiệu quả nhờ khả năng đặc biệt “ngửi” mùi phân bắt bệnh cho gà. Ông bảo: Gà chủ yếu mắc các bệnh: Cầu trùng, tụ huyết trùng, bạch lỵ... “Với những bệnh này, khi dọn dẹp chuồng trại, tôi sẽ ngửi thấy mùi tanh nồng, khăm khắm và có cảm giác chua của phân. Cộng với việc xác định phân gà màu gì, có bị loãng, bị nhớt hay không là tôi có thể đoán chính xác con gà nào bị bệnh để kịp thời chữa trị…” - ông Thao bật mí.
Theo Hà Phương/Dân Việt