Quy trình sản xuất nước uống siêu bẩn
Mới đây, cục ATVSTP tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với một số cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra 1 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai thuộc huyện Châu Đức. Qua quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện loại nước mà người dân vẫn uống hàng ngày được sản xuất trong điều kiện không sạch sẽ. Khu vực để sản xuất nước bẩn thỉu, nền nhà đầy rác, khu chiết rót được lắp đặt vô cùng tạm bợ, không đảm bảo nguyên tắc mà chi cục ATTP đã đề ra trước đó.
|
Ảnh minh họa. |
Những vỏ bình nước đều vừa cũ vừa bẩn, vứt đầy trên sàn nhà. Khâu sục bình được tiến hành ngay ở sàn nhà với rác thải tràn lan. Nắp chai và vòi nước không được bảo quản trong khu vực sạch sẽ.
Được biết, đây không phải lần đầu cơ sở này bị đình chỉ sản xuất. Trước đó, năm 2016 cơ sở này cũng bị đình chỉ vì sản xuất nước không đảm bảo vệ sinh. Mặc dù đã cam kết nhưng chẳng được bao lâu, chủ cơ sở lại chứng nào tật đấy.
Cũng vào năm 2016, người dân kinh hoàng khi chứng kiến cận cảnh quy trình sản xuất nước uống đóng bình ở Thanh Trì. Theo đó, nước để làm nước uống đóng bình lại có nguồn gốc là nước giếng khoan từ nghĩa địa. Ngay sau đó, cơ quan chức năng cũng vào cuộc kiểm tra và đình chỉ một loạt cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình.
Làm sao để phân biệt nước đóng chai sạch?
Theo một số chuyên gia, để phân biệt được đâu là nước đóng chai sạch, mọi người cần để ý những điều sau:
- Dựa vào nhãn mác:
Thông thường, nếu là nước từ các hãng nổi tiếng như Lavie, Aqua… thường không có chất dính ở nhãn mác. Để gắn nhãn mác lên chai, bình nhựa, người ta sử dụng công nghệ dán bằng nhiệt nên rất dễ bóc. Ngược lại, những kẻ rắp tâm làm giả thì thường dùng keo dán nên rất chắc chắn, khó bóc. Nếu bóc ra, người tiêu dùng có thể nhìn thấy chất dính bằng mắt thường.
Không chỉ vậy, vì là cơ sở sản xuất nước uống lớn nên phải làm nhãn hiệu đúng theo quy định của pháp luật. Bởi vậy, nếu là chai nước sạch, do nơi sản xuất chất lượng sản xuất thì phải ghi đầy đủ tên nguồn, khu vực nguồn nước khoáng… Nếu thấy thông tin trên sản phẩm nhập nhèm, không đầy đủ nguồn gốc xuất xứ thì người tiêu dùng nên cẩn thận.
- Dựa vào mùi vị
Nếu là nước khoáng thật sự thường có vị hơi nhạt. Đó là do những chất trong nước đa phần đều đã mất hết vì phải trải qua quy trình nghiêm ngặt và chỉ để lại khoáng chất như: Canxi, Magie, Kali…
Trong khi đó, nước giả thì thường có vị hơi ngọt hoặc có vị tanh nồng của tự nhiên vì chất sắt trong đó chưa được xử lý. Đó là loại nước máy vẫn được dùng trong cuộc sống hàng ngày, người ta lấy rồi cho vào bình, thế là thành nước uống đóng bình.
- Dựa vào tên
Ngày nay, thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi. Thế nhưng, nếu là nước của cơ sở sản xuất thật thì sẽ có kiểu dáng chữ đến độ đậm của mực in vừa phải. Thế nên, nếu bạn quan sát kĩ, trên những bình/ chai nước giả thường kém sắc nét hơn, hoặc chữ bị phai màu không rõ ràng, vỏ cũng mỏng hơn.
- Nhìn nắp chai
Nếu là hàng của các hãng lớn, không bao giờ có chuyện nắp của những bình nước có cặn hay bụi bẩn. Bởi, khi đóng nắp, người ta không dùng tay mà dùng máy. Ngoài ra, vì uy tín của hãng lớn, chúng được vệ sinh rất kĩ trước khi đóng. Thế nhưng, ở cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không an toàn thì toàn bộ quy trình sẽ dùng tay nên đôi khi sẽ xuất hiện cặn bẩn ở nắp chai, nhìn rất ghê.
- Dựa vào giá cả
Nếu là nước sạch, người ta phải có cả quy trình sản xuất kĩ càng. Vì vậy, giá cả không thể nào rẻ bèo như mấy bình nước được dùng tay, đóng nước máy rồi. Vì thế, người tiêu dùng khi mua nước cũng cần cẩn thận, để tâm tới chất lượng chứ đừng chỉ quan tâm mỗi giá cả.
Theo Kim Liên/khỏe & Đẹp