Làng nghề hương thẻ hối hả vào vụ Tết
Những ngày này, làng nghề làm hương thẻ Tây Lân, ở xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đang hối hả vào vụ Tết. Nhu cầu hương trầm và hương thẻ trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao, nhiều gia đình phải thuê thêm công nhân công, "chạy" hết công suất để đáp ứng các đơn hàng.
Làng nghề hương thẻ Tây Lân ở xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An hối hả vào vụ Tết. Thực hiện: Thắng Tình
Trời nắng, những bãi đất trống, hai bên đường ở làng Tây Lân được phơi đầy hương với đủ sắc màu, mỗi con đường dẫn vào làng đều thoang thoảng mùi thơm của hương.
Không giống như hương trầm chỉ tập trung làm vào vụ Tết, còn nghề làm hương thẻ thì việc đều quanh năm. Vụ Tết, các cơ sở phải thuê thêm nhiều công nhân làm việc cả ngày, đêm để kịp các đơn hàng cho khách.
Chị Nguyễn Thị Lý, chủ một cơ sở sản xuất hương ở làng nghề Tây Lân chia sẻ, những ngày này, công nhân ở đây được trả công theo sản phẩm. Mỗi ngày ở cơ sở phải thuê thêm 30 công nhân để sản xuất.
Các hộ dân ở làng nghề hương thẻ Tây Lân sử dụng nguyên liệu là các loại thảo mộc như rễ hương, hoa hồi, quế chi… Ưu điểm của loại hương này không gây độc hại với sức khỏe người sử dụng, cũng như người trực tiếp sản xuất.
Mỗi ngày, cơ sở làm hương của chị Lý sản xuất gần 15.000 thẻ hương. Thị trường chủ yếu bán đi trong tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Tĩnh.
Hiện 100% hộ sản xuất hương ở làng nghề Tây Lân đã đầu tư mua sắm máy móc và trang thiết bị như máy trộn nguyên liệu, máy bắn que. Máy móc trang thiết bị hiện đại nên sản phẩm làm ra vừa đẹp, vừa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Tuy nhiên, nghề làm hương trầm, hương thẻ cũng phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Chỉ những ngày nắng mới có thể phơi hương cho khô. Chỉ còn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nên người dân ở làng nghề Tây Lân mong ngày nào cũng nắng để sản xuất đáp ứng đủ các đơn hàng đã nhận.
Hương thẻ Tây Lân xuất ngoại
Hương thẻ ở Tây Lân không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất bán một số lượng lớn ở Lào, Campuchia. Khác với hương ở thị trường trong nước, hương bán sang nước ngoài có giá rẻ hơn. Bởi thế chất lượng mùi hương cũng khác hơn.
Trung bình mỗi ngày, cơ sở của ông Lê Văn Việt xuất sang Lào 10.000 thẻ hương. Thường những dịp lễ, tết ở Lào, nhu cầu dùng hương thẻ tăng cao. Để cung ứng đủ hàng cho thị trường ở Lào lẫn trong nước dịp Tết Nguyên đán, ông Việt phải thuê 20 nhân công làm việc liên tục.
Ông Nguyễn Duy Châu - Chủ tịch UBND xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cho biết, nghề làm hương nơi đây đã có từ lâu, được công nhận danh hiệu làng nghề hơn 10 năm trước. Thương hiệu hương thẻ của các cơ sở ở làng Tây Lân cũng đã được khẳng định trên thị trường, được khách hàng ưa chuộng. Mỗi cơ sở làm hương đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục người dân địa phương, mang về nguồn thu lớn.
Theo Thắng Tình/Dân Việt