Làng hoa đào nổi tiếng Hải Phòng sau bão có còn đào bán Tết?

Google News

Do ảnh hưởng bảo số 3, làng hoa đào nổi tiếng bậc nhất Hải Phòng có số cây đào được cứu sống chỉ còn khoảng 1/3 diện tích. Nhà còn, nhà mất, thiệt hại đang tính đến hàng trăm tỷ đồng trong dân.

Người trồng đào mất tết vì bão
Làng trồng hoa Đặng Cương, cứ độ qua mồng 10 tháng chạp là cây đào đã được đánh lên đường vận chuyển đi các ngả. Năm nay, cả vùng vẫn nằm im thưa thớt, không khí nhộn nhịp chỉ còn là dĩ vãng xa xôi.
Dẫn PV đi thăm vườn đào vừa được gia đình tái đầu tư trồng lại, anh Nguyễn Văn Sơn (Nhà vườn Xuân Sơn) khu Đồng Quang, Hòa Nhất ngậm ngùi cho biết, chưa năm nào gia đình anh lại thiệt hại như năm nay. Cơn bão số 3 (Yagi) đã "xóa sổ" cả vườn đào của gia đình nhà anh với tổng số 1500 gốc đào đã được gia đình trồng từ 3 năm trở lên.
Lang hoa dao noi tieng Hai Phong sau bao co con dao ban Tet?
 Vườn đào của gia đình anh Nguyễn Văn Sơn (Nhà vườn Xuân Sơn) khu Đồng Quang, Hòa Nhất, làng Đặng Cương vừa được trồng lại hoàn toàn. Ảnh: Thu Thủy-Trần Phượng.
Vườn đào của gia đình anh Nguyễn Văn Sơn (Nhà vườn Xuân Sơn) khu Đồng Quang, Hòa Nhất, làng Đặng Cương vừa được trồng lại hoàn toàn. Ảnh: Thu Thủy-Trần Phượng.
Sau trận bão, cả cánh đồng nơi có gia đình anh Sơn trồng đào đã bị ngập nước do triều cường và mưa lớn. Nước ngoài mương cao hơn trong ruộng, không có lối nào thoát đi. Vườn đào cứ ngập sâu trong biển nước, mưa lớn kéo dài cả tuần càng làm cho cây đào ngập sâu hơn.
Vài ngày trôi qua, rễ đào thối đen, lá úa rụng, gia đình anh Sơn và các hộ trồng đào ở đây đã chịu mất trắng, ước thiệt hại cũng phải hàng tỉ đồng.
Với gia đình anh Sơn, nghề trồng đào đang là nghề chính. Cây hoa đào đã gắn bó với gia đình anh trên 20 năm, giờ bỏ cuộc cũng không đành. Anh Sơn lại một lần nữa quyết tâm đi vay mượn tiền nong của họ hàng để mua gốc, mắt ghép mới về trồng lại từ đầu.
Để đầu tư trồng lại, anh Sơn phải bỏ ra một số tiền khá lớn. Mỗi gốc đào mới được anh mua về trồng đã có giá từ 900 nghìn đến 1 triệu đồng, chưa kể mắt ghép và tiền thuê nhân công chăm sóc.
"Điều tôi băn khoăn nhất vẫn là số tiền tái đầu tư trồng lại đào hiện nay đến bao giờ gia đình mới trả được hết. Nhưng nếu không cố gắng thì làng hoa Đặng Cương sẽ mai một dần, bởi không phải ai cũng có tiền để làm lại" – anh Sơn phân trần.
Lang hoa dao noi tieng Hai Phong sau bao co con dao ban Tet?-Hinh-2
Gốc cây đào "khủng" được ông Đào Viết Dân, khu đồng Dân Hạnh, làng hoa Đặng Cương, lặn lội đến vùng giáp biên giới mua về trồng, chờ vụ tết năm sau. Ảnh: Thu Thủy-Trần Phượng. 
Cơn bão đi qua, người dân nơi đây vẫn thấy ám ảnh về sự tàn khốc của nó, bà Đỗ Thị Lâng, TDP Hòa Nhất, phường An Hải, quận An Dương (TP Hải Phòng) xác định, 200 gốc đào đá của gia đình bà cũng đã gần như "xóa sổ", những cây còn lại cũng quặt quẹo. Gia đình bà đã mất rất nhiều công sức, tiền của thuê máy bơm về cứu đào nhưng vẫn không cứu được. Gia đình bà chẳng còn tiền để tái sản xuất.
"Tới đây nếu không vay mượn được hay nhà nước không hỗ trợ người dân thì gia đình tôi cũng phải buộc thu hẹp diện tích lại hoặc bỏ không trồng đào nữa" – bà Lâng nói.
Số phận cây đào sống sót đang nằm ở đâu?
Theo các hộ dân trồng đào, phần lớn các diện tích đào bị chết chỉ một phần do bão, phần lớn là do bị ngập úng nhiều ngày trong nước. Những gia đình trồng đào trên vùng đất cao hơn không bị ảnh hưởng do mưa và triều cường thì cây đào đến giai đoạn này vẫn khá đẹp, đạt chất lượng cả về nụ và độ dày của nụ trên các cành.
PV Dân Việt gặp gỡ với gia đình anh Nguyễn Trọng Cường, tổ dân phố Dân Hạnh, Phường An Hải (thuộc xã Đặng Cương cũ) - là một trong những gia đình may mắn nhất tại làng trồng hoa. Cả vườn 300 gốc đào cổ thụ của gia đình anh Cường đến thời điểm này vẫn còn khá đẹp.
Anh Cường cho biết, sở dĩ gia đình có được may mắn trên cũng là vì những gốc đào của gia đình anh được trồng tại vị trí cao nhất của làng. Cánh đồng này nằm trên vùng đất cao lại không gần sông việc thoát nước thuận lợi hơn. Thời điểm bão đi qua, một số cây cũng bị gãy cành, tuy nhiên phần lớn không bị lụt, không ảnh hưởng nhiều do bão.
Cũng theo anh Cường, khu nhà anh và các hộ dân trồng đào ở cánh đồng này chính là nơi có địa thế đẹp nhất của làng hoa Đặng Cương.
Anh Cường cho rằng, đào của gia đình anh năm nay ra nụ khá vừa vặn, dự kiến những cây đào to trong vườn nhà anh đến ngày 15 tháng chạp, nụ sẽ chớm nở, hoa có thể chơi đến ngoài mồng 10 -15 tháng giêng.
Lang hoa dao noi tieng Hai Phong sau bao co con dao ban Tet?-Hinh-3
Chị Hoàng Thị Thúy ( vợ anh Cường) đang đôn đảo gốc cây đào, chờ ngày khách đến dinh về. Ảnh: Thu Thủy-Trần Phượng. 
"Mỗi vụ thu hoạch hết đào, gia đình tôi lại mua đất màu từ nơi khác về đổ vào, địa thế vùng trồng khá cao nên cũng hiếm khi bị úng lụt.
Năm nay, do có bão một số cây đào của gia đình cũng có bị đổ, gẫy, tuy nhiên vẫn có khả năng khắc phục. Số đào còn lại trong vườn vẫn đạt chất lượng.
Những cây đào to trong vườn nhà anh Cường khách hàng đã đến đặt từ tháng 11, số còn lại chỉ còn những cây vừa, nhỏ để người dân mua chơi tết "- anh Cường cho biết thêm.
Trao đổi cùng phóng viên, ông Nguyễn Văn Bến – Chủ tịch UBND phường An Hải, quận An Dương, TP. Hải Phòng cho biết, phường An Hải vừa được thành lập từ 2 xã Đặng Cương và xã Quốc Tuấn. Đến thời điểm hiện nay, phường có tổng số 120ha diện tích trồng đào.
Theo sơ bộ, dịp tết năm nay, Đặng Cương thiệt hại đến 70% diện tích trồng đào, tập trung chủ yếu trên các cánh đồng thấp, gần sông, gần mương như khu Đồng Quang, Đồng Hiếu, Bàn Tai, Trí Yếu, Tự Lập…Riêng khu vực ở Quốc Tuấn thì mất trắng 100%, không thể cứu vãn.
"Thời gian tới, UBND phường sẽ vận động nông dân tái đầu tư trên những phần ruộng đào đã bị vứt bỏ do bão hỏng, khôi phục dần theo khả năng của các gia đình. Đề xuất các nguồn vay ưu đãi để giúp nông dân được tiếp cận, có tiền mua gốc về tái đầu tư"- ông Bến nói.
Thu Thủy - Trần Phượng/Dân Việt