Chí "siêu" cây cảnh và các giao dịch hàng chục tỷ đồng
Đến thôn Cơ Giáo hỏi thăm nhà vườn của "Chí siêu cây" ai cũng biết, bởi nhiều năm nay ông Nguyễn Văn Chí nổi danh với các giao dịch mua bán gây "chấn động" giới sinh vật cảnh Việt Nam. Đơn cử như đầu năm 2020, anh Nguyễn Văn Chí cũng bỏ ra 16 tỷ đồng để mua cây sanh cổ có tên “Tiên lão giáng trần” của một đại gia cây cảnh ở Thường Tín; tháng 10/2020, ông Chí lại đổ tiền gần chục tỷ mua siêu phẩm sanh cổ “Thụ lâm bồng thạch” ở Sơn Tây...
Chia sẻ với chúng tôi, ông Chí cho biết, mấy vụ mua bán siêu cây trước đây còn nhỏ, cách đây mấy ngày ông còn có giao dịch một siêu phẩm khác trị giá vài chục tỷ đồng.
"Đến nay nhà vườn của tôi đang có hàng nghìn cây, trong đó toàn các siêu phẩm cây cảnh có giá trị cao. Chúng tôi không chỉ duy trì, phát triển mà còn "sống khỏe" với nghề", ông Chí khoe.
Để đạt được kết quả như ngày hôm nay, "Chí siêu cây" cũng phải trải qua nhiều gian nan và thử thách xen lẫn thất bại. Ông Chí kể: Năm 1998, sau khi rời quân ngũ về quê, trải qua nhiều nghề kiếm sống nhưng không thành công, ông đã quyết định chọn nghề buôn bán cây cảnh.
Ông Nguyễn Văn Chí, thôn Cơ Giáo, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, TP Hà Nội bên tác phẩm cây cảnh mang tên: "Tiên lão giáng trần" trị giá 16 tỷ đồng mà ông mua được từ một đại gia cây ở Thường Tín năm 2020. Ảh: HĐ
Mới đầu vào nghề không có vốn, tôi phải đi vay mượn khắp nơi, nhưng cũng khó vì thời đó khó khăn, ăn bữa nay lo bữa mai nên khi mọi người biết ý định làm cây của mình xa lạ quá ai cũng lắc đầu. Có người còn chê cười bảo đầu mình đầu óc có vấn đề: Lo cho người chưa nổi còn định làm cây.
Không vay được tiền, khi đó ông Chí quyết định bán xe cũ của gia đình được khoảng gần 10 triệu đồng và đầu tư hết vào mua 4 cây cảnh và các phôi cây giống. "Ngày đó mua cây về tôi còn phải giấu đi, tối đến mới dám chăm sóc, cắt tỉa vì sợ điều tiếng cho gia đình", ông Chí nhớ lại.
Sau khoảng 1 năm chăm sóc và chia sẻ thông tin với một số người làm cây cảnh ở trong và ngoài vùng, cây của ông được nhiều thợ cây biết và hỏi mua với giá hàng chục triệu đồng. Sau khi bán cây có tiền lãi nhiều, ông tiếp tục bỏ hết vốn vào mua cây. Nhờ bán hàng có duyên và tay nghề khéo léo, ông Chí đã xây dựng được thương hiệu cây cảnh cho riêng mình.
"Để có "trái ngọt" như ngày hôm nay, tôi cũng đã phải trả "học phí" cho nghề rất nhiều. Có nhiều lần mua cây trị giá hàng trăm triệu đồng đưa về hăm sóc nhưng chỉ cắt sai thế đành bán rẻ hoặc bỏ đi", ông Chí nói và cho biết, đến nay ông đang sở hữu vườn cây cảnh rộng hàng nghìn m2 với cả nghìn loại cây cảnh từ Sanh, đa, lộc, tùng... trong đó có nhiều loại cây trị giá lên đến hàng tỷ đồng đến cả chục tỷ đồng.
Kết hợp trồng cây cảnh với phát triển du lịch sinh thái
Sau nhiều năm thăng trầm với nghề đến giờ ông Nguyễn Văn Long ở thôn Cơ Giáo vẫn sở hữu vườn cây cảnh với hàng trăm loại cây các loại. Ông Long cho biết, khoảng 2008 đến 2010 là thời điểm cực thịnh của người làm cây cảnh. Khi đó, ở hai thôn Cơ Giáo và Xâm Xuyên, nhà nhà, người người đều tham gia kinh doanh cây cảnh. Hoạt động sản xuất, bán buôn cây cảnh rầm rộ quanh năm, có nhiều hộ dân công giáo phất lên xây được nhà to, biệt thự, mua sắm ô tô tiền tỷ từ cây cảnh.
Tuy nhiên, khi bước sang giai đoạn từ 2011 đến nay thị trường cây cảnh trầm lắng hơn nhưng ở thôn Cơ Giáo vẫn còn nhiều nhà vườn "sống khỏe" với nghề cho thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng.
Theo ông Long, để làm ra một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, nghệ nhân thường kết hợp cây với các nguyên liệu khác, như tạo dáng trong chậu đất, thả vào nước, hay hòa quyện giữa cây và đá. Trước khi bắt tay thực hiện một tác phẩm, người nghệ nhân phải phác thảo trên giấy, sau đó mới bắt tay vào các khâu như chăm bón, cắt tỉa, uốn cây.
Để có được một cây tạo dáng hoàn chỉnh phải mất vài năm chăm sóc, cắt tỉa, có cây mất cả chục năm. Mỗi tác phẩm đều được nghệ nhân đặt tên, như "Phụ tử nghinh phong", "tọa sơn quan hữu thủy", "vũ giáng kỳ sơn"…, mỗi cây mỗi vẻ, nhưng đều mang đậm dấu ấn thời gian, công sức cũng như triết lý sống, tâm tư, tình cảm mà người nghệ nhân muốn gửi gắm trên từng nhánh cây, tán lá...
"Nghề cây cảnh yêu cầu người chơi ngoài niềm đam mê, phải cẩn thẩn, tỉ mỉ, kiên trì, nghề ngày không dành cho những người sốt ruột, nóng vội. Đặc biệt nghệ nhân phải yêu thiên nhiên, yêu cây như yêu con, tỉ mỉ chăm sóc từng li từng tí mới làm ra được nhiều tác phẩm cây nghệ thuật độc đáo và mới lạ",ông Long chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Văn Ngần - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết, trước đây ở Cơ Giáo chỉ có một vài người làm cây cảnh nhưng về sau người dân đã thành lập Hội làm vườn thôn Cơ Giáo với hàng chục thành viên.
"Các thành viên trong hội làm vườn ở đây đều rất đoàn kết và cùng nhau học tập, chia sẻ kinh nghiệm, vốn, kỹ thuật làm cây nghệ thuật và tiêu thụ sản phẩm rất thuận lợi. Hiện giờ một số thành viên làm cây cảnh trong hội đã thành danh nổi tiếng khắp cả nước", ông Ngần nói.
Ông Ngần cho biết thêm, phát huy hiệu quả thế mạnh của vùng ven đô, xã Hồng Vân đã chuyển hướng từ làm nông nghiệp thuần túy, sang đẩy mạnh phát triển nghề cây cảnh nghệ thuật gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm.
Tháng 11/2018, Hồng Vân được thành phố Hà Nội công nhận điểm du lịch Làng nghề sinh thái ở xã Hồng Vân, góp phần tạo động lực để Hồng Vân tự tin tiếp tục đầu tư tập trung bài bản cho phát triển du lịch bền vững xây dựng vùng quê nông thôn mới đáng sống hơn.
"Hồng Vân xác định mục tiêu phấn đấu trở thành xã “Du lịch - Sinh thái - Làng nghề”. Trên cơ sở gìn giữ 2 làng nghề sinh vật cảnh đang có (Xâm Xuyên và Cơ Giáo), xã định hướng người dân xây dựng nhà vườn đa dạng các loại cây. Nếu như trước đây chỉ trồng cây cảnh bạc tỷ thì nay các hộ chuyển sang làm thêm các cây cảnh đơn giản, dân dã để các khách có thu nhập thấp vẫn có thể mua, chơi được cây.
Bên cạnh đó, các nhà vườn vừa sáng tạo ra các dịch vụ trải nghiệm sinh thái như cắt tỉa, chăm sóc cây cảnh, trồng cây nông nghiệp kèm theo các dịch vụ ăn uống để đáp ứng hết các nhu cầu của khách du lịch tăng thêm nguồn thu của người dân", ông Ngần khẳng định.
Theo Hải Đăng/Dân Việt