Hạt dẻ Trung Quốc gắn mác Việt Nam
Thời tiết chuyển sang se lạnh cũng là lúc hạt dẻ rang được bày bán nhiều tại các tuyến đường Hà Nội. Không những vậy, các trang mạng xã hội cũng rao bán rất nhiều loại hạt dẻ như hạt dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng), hạt dẻ Sa Pa (Lào Cai), đặc biệt năm nay cũng nhiều người rao bán bánh hạt dẻ Sa Pa.
Hạt dẻ sống trung bình có giá khoảng từ 50.000 - 100.000 đồng/kg. Hạt dẻ chín thường có giá cao gấp đôi. Rất nhiều nơi quảng cáo đây là hạt dẻ rừng, thơm ngon, bổ dưỡng. Ở Việt Nam có trồng được hạt dẻ không, số lượng có đủ cung cấp cho thị trường?
|
Ảnh minh họa. |
ThS Nguyễn Mạnh Khải, khoa Công nghệ sau thu hoạch, Học viện Nông nghiệp cho biết, ở các tỉnh miền núi phía Bắc có phân bố cây hạt dẻ nhưng không nhiều, tập trung nhiều nhất ở Trùng Khánh (Cao Bằng) với thương hiệu hạt dẻ nổi tiếng. Tuy vậy trên thị trường, hạt dẻ được bày bán rất nhiều.
Số hạt dẻ này chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Hạt dẻ có rất nhiều loại, hạt to, hạt nhỏ, chất lượng của từng loại cũng khác nhau. Hạt dẻ còn tươi thì về cơ bản là rất ngon. Hạt dẻ chỉ xuống cấp khi để quá lâu dẫn đến thối, hỏng. Tâm lý người dùng hiện nay không thích hàng Trung Quốc nên thương lái thường quảng cáo là hạt dẻ của Việt Nam cho dễ bán.
“Hạt dẻ rừng Sa Pa có hạt rất nhỏ, ăn bùi, thơm. Còn hạt dẻ Trung Quốc rất to, tròn, mỏng vỏ, bóng bẩy và vỏ không có lông tơ. Khi luộc chín, không có mùi thơm như hạt dẻ Sa Pa. Điều đáng nói nhất là hạt dẻ Trung Quốc được rao bán quanh năm trong khi hạt dẻ Việt Nam chỉ có vào đúng mùa.
Cây hạt dẻ không cho quả quanh năm, nên việc bán hạt dẻ quanh năm, bắt buộc phải có chất bảo quản. Đây là nguy cơ đối với người tiêu dùng”, ThS Nguyễn Mạnh Khải cho biết.
ThS Nguyễn Mạnh Khải cho biết, hạt dẻ ở Trùng Khánh thường chỉ xuất hiện vào mùa thu, cụ thể là khoảng tháng 8 và tháng 9 âm lịch hàng năm (tháng 10, 11 dương lịch).
Vào thời điểm này hạt dẻ xù lông và bắt đầu rụng xuống, lúc này người dân sẽ lập tức đem về và chế biến ngay bởi khi hạt dẻ đã chín mà để lâu thì sẽ bị thâm và có mùi rất khó ngửi. Loại hạt dẻ này khi đem luộc hay hấp sẽ ngửi thấy có một mùi hương thơm tự nhiên tỏa ra vô cùng cuốn hút.
Hạt dẻ không để được lâu
Điểm đặc biệt của hạt dẻ là không bảo quản được lâu, kể cả trong điều kiện bảo quản lạnh thì tối đa cũng chỉ được 1 tháng. Lý do là hạt dẻ có thành phần dinh dưỡng cao, khi hái xuống phải được bảo quản ngay, nếu không sẽ thối hỏng rất nhanh.
Loại hạt dẻ được bán quanh năm trên thị trường là hạt dẻ nhập từ Trung Quốc. Để bảo quản được hạt dẻ lâu như vậy thì người dùng nên đặt câu hỏi về hóa chất bảo quản là chất gì, có độc hại cho người sử dụng hay không?
“Chắc chắn hạt dẻ của Việt Nam chỉ đáp ứng được dưới 1/5 nhu cầu tiêu thụ trong nước, và có giá thành cao hơn hẳn hạt dẻ nhập từ Trung Quốc. Người mua cần biết điều này để có những lựa chọn đúng đắn khi mua hạt dẻ. Để mua được đúng hạt dẻ trong nước thì tốt nhất là chỉ ăn hạt dẻ vào đúng mùa”, ThS Nguyễn Mạnh Khải cho biết.
Theo ThS Nguyễn Mạnh Khải, đa phần người tiêu dùng không phân biệt được hạt dẻ trong nước và hạt dẻ nhập khẩu, khi mua cũng chỉ thấy ngon thì mua. Trong khi thương lái buôn bán chọn nguồn hàng có giá rẻ bán để kiếm lời, việc kiểm soát chất lượng hạt dẻ trôi nổi trên thị trường cũng khó khăn.
Để bảo quản hạt dẻ, bắt buộc phải sử dụng hóa chất, nhưng cho đến nay, chưa ai có câu trả lời chính xác đó là hóa chất gì. Các cơ quan chức năng cũng không thể kiểm soát hết số hạt dẻ nhập khẩu, nên bản thân người tiêu dùng phải có kiến thức để tự bảo vệ sức khỏe của mình.
“Khi mua hạt dẻ, nếu thấy những hạt thối, hỏng, mốc… thì phải vứt bỏ, không nên tiếc của cố ăn sẽ gây bệnh. Việc mua hạt dẻ đúng nguồn gốc hiện nay không khó, hạt dẻ Việt Nam thường có giá thành cao hơn, có khi cao gấp đôi hạt dẻ nhập khẩu, người dùng nên chú ý điều này để có lựa chọn đúng”, ThS Nguyễn Mạnh Khải cho biết.
Phân biệt không khó
Đối với hạt dẻ Trung Quốc, nhìn kĩ thì thấy hạt dẻ to, tròn, mỏng vỏ, bóng bẩy và rốn không có lông tơ. Khi luộc chín, không có mùi thơm. Điều dễ nhận biết nhất là hạt dẻ trôi nổi bán quanh năm và không lo bị hỏng dù có để tới cả tuần. Hạt dẻ Trùng Khánh: Vỏ cứng, dày và có nhiều lông tơ.
Nếu đem luộc, hấp hoặc mang vào lò nướng chín, sẽ thấy có hương thơm tự nhiên, ngọt bùi tự nhiên. Chỉ cần ngậm một lúc, tự nó mềm ra như bột bánh khảo. Hạt dẻ Trùng Khánh chỉ xuất hiện vào cuối thu, đến cuối thu đầu đông là hạt dẻ xù lông rụng rốn. Loại hạt này hái về phải chế biến ngay, để lâu hạt dẻ bị thâm thối rồi bốc mùi rất khó chịu do hạt có lượng đạm cao.
Hạt dẻ Trùng Khánh có màu nâu sẫm, ngoài vỏ có một lớp lông màu nhạt, khứa hạt ra có màu vàng, khi ăn có vị thơm, bùi và ngọt. Còn hạt dẻ Trung Quốc thì to hơn, vỏ màu nâu đen, ruột trắng và hương vị cũng nhạt hơn.
Điều đáng nói, nếu hạt dẻ Trùng Khánh bán tại vườn đã lên tới 100.000 - 200.000 đồng/kg, thì hạt dẻ Trung Quốc rẻ hơn rất nhiều. Sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Trùng Khánh là hạt dẻ (Castanea), được trồng từ giống dẻ Trùng Khánh, tên địa phương thường gọi là Mác Lịch, là giống địa phương, được chọn lọc tự nhiên.
ThS Nguyễn Mạnh Khải cho biết, loại hạt dẻ bán quanh năm ở các khu du lịch như Tam Đảo, Sa Pa hay thậm chí ở Hà Nội, khả năng lớn là loại hạt dẻ Trung Quốc, đa phần được nhập khẩu mà không rõ nguồn gốc.
Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi ăn, tốt nhất là chỉ ăn một vài hạt để thưởng thức, không nên ăn quá nhiều, tránh nguy cơ độc hại từ hóa chất bảo quản không kiểm soát.
“Hiện nay chưa có nghiên cứu nào để xác định loại hạt dẻ trôi nổi được ngâm tẩm hóa chất gì, nên rất khó để khẳng định. Người tiêu dùng nên tự bảo vệ sức khỏe của mình”.
ThS Nguyễn Mạnh Khải
Theo Nhật Phong/Giaoducthoidai.vn