Người tiêu dùng bị lừa tiền, mua phải hàng rởm trên mạng
Vài năm trở lại đây, hình thức thương mại điện tử đã phát triển nhanh chóng và thu hút được sự quan tâm của một bộ phận lớn người tiêu dùng.
Bên cạnh sự tiện lợi, nhanh chóng cùng nhiều dịch vụ thanh toán ưu đãi, các dịch vụ mua bán hàng hóa thông qua mạng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với người tiêu dùng đặc biệt là vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng.
Để thu lời một cách trái phép, nhiều chủ kinh doanh thương mại điện tử đã tạo ra hàng loạt các chiêu trò lừa đảo người tiêu dùng khiến nhiều khách hàng “dở mếu, dở cười”.
Nhiều sản phẩm thật khi được đưa đến tay người dùng khác xa với sản phẩm rao bán trên mạng về chất lượng, mẫu mã thậm chí đến cả hình dạng.
Có tình trạng này là do có không ít những cửa hàng lấy cắp ảnh từ các trang web nước ngoài hoặc ảnh thật của các shop khác để đưa ra chào hàng. Sau đó, họ đem bán cho khách hàng loại 2, loại 3, hoặc hàng gia công nhái theo hoàn toàn không giống với những hình ảnh mà người tiêu dùng đã được xem.
Người tiêu dùng thường bị lừa đảo khi mua các sản phẩm “hàng xách tay” như hàng hiệu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, điện thoại di động… Người mua thấy các sản phẩm được “cam kết” về chất lượng, giá lại chỉ bằng 2/3, thậm chí là một nửa so với nơi khác nên quyết định mua rất nhanh. Đến khi nhận hàng mới phát hiện ra thì đã quá muộn và không biết kêu ai. Hoặc nếu có phản hồi nhà cung cấp thì đợi được giải quyết cũng mất khá nhiều thời gian.
|
Việc mua hàng qua mạng đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về hàng nhái, hàng kém chất lượng. |
Không những thế, nhiều người bán hàng online còn có những chiêu lấy tiền của khách hàng vô cùng tinh vi và một trong số đố là người bán yêu cầu người mua chuyển tiền trước rồi mới chuyển hàng sau. Để lấy được tiền của khách hàng, những người bán này thường giảm giá sản phẩm ở mức rất sốc, rồi giục người mua chuyển khoản trước để giữ hàng, nếu không sẽ không mua được giá đó.
Lúc này, do người mua thấy sản phẩm của mình sắp được giao, giá lại rẻ sợ chậm chễ sẽ mất hàng nên người mua đành vội vàng chuyển tiền và rồi không nhận được hàng từ chủ kinh doanh.
Nhiều vụ khiếu nại gây chấn động
Theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết, trong thời gian qua, đơn vị này đã nhận được nhiều trường hợp người tiêu dùng gửi đơn khiếu nại các doanh nghiệp, trong đó có Lazada.vn, công ty Cát Hưng Thịnh, VPBank.
Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho biết thêm trong 4 tháng đầu năm 2017, tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng tại Cục Quản lý cạnh tranh đã ghi nhận 1.895 cuộc gọi đến, trong đó các tổng đài viên của Cục đã tiếp nhận và trả lời 1032 cuộc gọi, chiếm 54,46%.
Trong số 1032 cuộc gọi nêu trên, có 270 cuộc gọi liên quan đến yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Trong 4 tháng đầu năm 2017, tháng 2 và tháng 4 có số lượng các yêu cầu tư vấn, phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng nhiều nhất. Đây là thời điểm gần Tết nguyên đán và kỳ nghỉ lễ 30/4 – 01/5, nhu cầu mua sắm tăng cao trên cả nước, vì vậy, rất nhiều vi phạm về tiêu dùng đã xảy ra.
Ngành hàng được yêu cầu tư vấn giải quyết khiếu nại và được phản ánh tới Cục nhiều nhất là hàng hóa tiêu dùng thường ngày (52 trường hợp, chiếm khoảng 19%).
Sau đó là nhóm đồ điện tử gia dụng (43 trường hợp, chiếm 15,8%) và nhóm điện thoại, viễn thông (38 trường hợp, chiếm 14%) . Tương tự như năm 2015 và 2016, 3 nhóm ngành hàng này thường xuyên nằm trong nhóm bị khiếu nại, phản ánh nhiều nhất.
Nếu phân loại theo nhóm hành, trong số 270 vụ việc phản ánh tới Cục, có 33% trường hợp phản ánh về số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng, chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Hành vi tiếp theo được yêu cầu tư vấn là bảo hành với tỉ lệ 20%, cung cấp thông tin với tỉ lệ 18%. Các trường hợp còn lại khiếu nại, phản ánh về giao kết hợp đồng (8%), và các hành vi khác (21%).
Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho biết, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là 2 thành phố có nhiều phản ánh, khiếu nại nhất về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng (tương ứng 70 và 75 vụ việc).
Các tỉnh có số lượng phản ánh nhiều sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là Đồng Nai và Nghệ An. 40% khiếu nại còn lại nằm rải rác tại các tỉnh, thành phố khác nhưng số lượng tại từng địa phương là rất nhỏ.
|
Lazada là một trong những đơn vị bị người tiêu dùng khiếu nại vì bán hàng không đúng với quảng cáo. |
Ngoài các khiếu nại nêu trên, người tiêu dùng còn gặp hiện tượng nhận được các cuộc gọi điện thoại thông báo trúng thưởng, trúng phiếu mua hàng với giá trị cao.
Kèm theo đó, người tiêu dùng được yêu cầu nộp một khoản tiền nhỏ để có thể nhận thưởng hoặc nhận phiếu mua hàng. Nhiều người tiêu dùng đã nộp khoản tiền nhưng thực tế khi nhận được quà thưởng thì là sản phẩm có giá trị nhỏ hơn so với khoản tiền đã nộp. Khi liên hệ lại số điện thoại đã gọi thì vụ việc không được tiếp nhận để giải quyết hoặc thậm chí không liên hệ được.
Đối với những cuộc gọi điện thoại với nội dung như trên, Cục quản lý cạnh tranh cảnh báo người tiêu dùng cần kiểm tra thông tin cẩn thận, tránh rơi vào việc bị lừa đảo.
Theo Bảo Bình/VietQ