|
Hình minh họa. |
Hiện nay, hầu hết các cụm rạp chiếu phim đều có những dãy ghế dành riêng cho tình nhân. Tại Galaxy Cinema, “ghế tình nhân” có tên gọi là “Ghế đôi ngọt ngào”, còn ở rạp Lotte có tên gọi “Ghế đôi lãng mạn”. Mức giá phụ thu dành cho “ghế tình nhân” tại các rạp dao động ở mức 10-30% so với ghế thông thường. Các loại ghế này thường được đặt ở dãy cuối rạp, không có tay ngăn ở giữa, loại ghế ngồi thoải mái hơn, cũng như tăng độ riêng tư hơn cho các cặp tình nhân.
Tất nhiên, các “ghế tình nhân” này cũng đã góp phần gây ra một số hệ lụy từ sự “riêng tư” quá mức của khán giả xem phim. Trước vụ việc xảy ra tại CGV, tại rạp Lotte hồi đầu năm nay cũng xảy ra vụ việc một cặp đôi đi xem phim, ngồi ở ghế tình nhân và xung quanh trống nên đã phát sinh hành vi “quá giới hạn”, hình ảnh này được khán giả ở dãy ghế trên chụp lại và tung lên mạng.
Cạnh đó, những chuyện như hôn hít, những hành vi quá đà tại rạp, đặc biệt tại các ghế đôi diễn ra là không ít. Một nhân viên cụm rạp CGV chia sẻ, việc đi nhắc các cặp đôi giữ thái độ nghiêm túc, văn minh khi xem phim cũng thường xuyên diễn ra.
Trong tất cả các cụm rạp, CGV có lẽ là cụm rạp có nhiều cải tiến, sáng tạo về mặt hình thức để đáp ứng nhu cầu khán giả nhất. Khác với các rạp khác, ghế tình nhân “sweetbox” của CGV có chất lượng tốt hơn, rộng rãi, kín đáo với vách ngăn cao hơn hẳn để các cặp đôi có độ riêng tư cao. Chính vì thế, sự việc quan hệ tình dục ngay trên chiếc ghế này trong rạp chỉ được phát hiện bởi camera quay lại.
CGV còn có một số rạp dành cho tình nhân khá “nhạy cảm” khác như rạp ghế nằm, rạp giường nằm. Tại các rạp đặc biệt này, cặp đôi vào xem có thể vừa nằm vừa xem phim cạnh nhau, có cả gối đầu, gối ôm và cả chăn để đắp. Mặc dù chưa có thông tin nào phát tán cho thấy có phát sinh những việc “nhạy cảm” trong các cụm rạp này, nhưng thực tế, nhiều câu hỏi được đặt ra là liệu các rạp có quản lý hay có phương án để hạn chế các hành vi thiếu thuần phong mỹ tục của khách?
Ở các TP lớn hiện nay, ngoài các cụm rạp nổi tiếng nói trên, còn nhiều loại hình rạp chiếu phim tư nhân tự phát như quán café chiếu phim, rạp phim mini, rất nhiều trong số đó là dành cho tình nhân đến xem. Có những phòng chiếu phim trong quán café nhỏ, không gian rất tối, ghế đôi được sắp đặt kín đáo. Hoặc nhiều phòng chiếu phim chỉ dành cho hai người vào xem, không có nhân viên quản lý.
Vậy ai sẽ đảm bảo kiểm soát rằng không xảy ra những hành vi không đúng đắn, hoặc giả, nhiều phòng chiếu phim thực chất là “nhà nghỉ trá hình” theo kiểu mới cho các cặp tình nhân?.
Theo Trân Trân/Báo Pháp luật