|
Đầu tư công và bất động sản là hai điểm nghẽn lớn mà các bộ, ngành, địa phương đang tìm cách tháo gỡ. Ảnh minh họa: Nhân Tâm |
Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra là 6,2% tại Nghị quyết số 01/2023 của Chính phủ. Đây cũng là mức tăng trưởng GDP thấp thứ hai trong giai đoạn 2011-2023, sau mức tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 – khi nền kinh tế thực hiện phong tỏa để chống Covid-19.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 theo Nghị quyết của Quốc hội, tốc độ tăng trưởng trong nửa cuối năm nay phải đạt từ 8-8,9%. Đây là một mục tiêu khó khi nền kinh tế tồn tại nhiều điểm nghẽn, khó có thể tháo gỡ trong thời gian ngắn.
Lạm phát và tăng trưởng kinh tế
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xu hướng tăng giá diễn ra tập trung vào các tháng Tết. Từ tháng 3, 4, 5-2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm, trước khi tăng nhẹ trở lại vào tháng 6-2023.
Kết quả này, theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính thuộc Học viện Tài chính, xuất phát từ 3 yếu tố.
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp với tất cả cấu thành của tổng cầu đều tăng trưởng chậm như đầu tư, tiêu dùng, hoặc sụt giảm như xuất khẩu.
Thứ hai, tăng trưởng cung tiền cũng thấp. Cụ thể, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 2,53% giai đoạn từ cuối năm 2022 tới 20-6-2023, theo NHNN. Mức tăng này thấp hơn cả thời kỳ xảy ra dịch Covid-19.
“Nguyên nhân chính khiến cung tiền tăng chậm, một mặt là do tổng cầu yếu khiến nhu cầu tín dụng thấp, mặt khác là do các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay khi lo ngại nợ xấu gia tăng”, ông Độ nói và cho biết những yếu tố này khiến số nhân tiền tệ, tốc độ quay vòng tiền tệ suy giảm mạnh.
Thứ ba, lãi suất thực ở mức quá cao. Cụ thể, lãi suất cho vay bình quân đến giữa tháng 6-2023 là 8,9%, theo công bố của NHNN. Với lạm phát so với cùng kỳ hiện nay đang ở mức 2%, mức lãi suất cho vay thực là 6,9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, cũng như mức lãi suất thực trung bình của giai đoạn 2013-2021 là 5,9% và 4,6%.
“Đây là mức lãi suất cản trở phục hồi kinh tế và tăng trưởng, đồng thời làm tăng nợ xấu”, ông Độ đánh giá.
Lạm phát tăng thấp do tổng cầu yếu, cung tiền tăng trưởng chậm, lãi suất thực cao, tỷ giá và giá dầu khó tăng mạnh giúp các cơ quan quản lý, điều hành có thêm dư địa kiểm soát lạm phát cả năm. Nhưng điều này cũng thể hiện một phần thực trạng khó khăn của nền kinh tế với tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,72%, thấp hơn rất nhiều so với kịch bản đề ra là 6,2%.
TS Nguyễn Ngọc Tuyến, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính, cho biết cầu tiêu dùng giảm tập trung chủ yếu ở các sản phẩm chế biến, chế tạo – một động lực tăng trưởng quan trọng với nền kinh tế. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính chung 6 tháng đầu năm 2023 giảm 2,2% so với cùng giai đoạn năm 2022, tỷ lệ tồn kho toàn ngành bình quân 6 tháng đầu năm 2023 là 83,1%, trong khi cùng giai đoạn năm 2022 chỉ là 78%.
Nguyên nhân chính là dịch Covid-19, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc, xung đột Nga – Ukraine làm kinh tế thế giới chao đảo. Điều này khiến hoạt động đầu tư, thương mại và tiêu dùng giảm sút, qua đó tác động mạnh tới kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở rất lớn, tăng trưởng phụ thuộc rất nhiều vào bên ngoài.
“Nhiều doanh nghiệp Việt Nam những tháng đầu năm nay đã phải cắt giảm sản xuất do không có đơn hàng mới hoặc thu hẹp quy mô của đơn hàng đã ký kết. Thu nhập của các công ty và người lao động giảm, chi tiêu thắt chặt là yếu tố kiềm chế tăng giá”, ông Tuyến phân tích.
Ngoài ra, giá xăng dầu trên thị trường quốc tế không biến động lớn, xuất phát từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và nguồn cung tương đối ổn định, cũng tác động tới giá xăng dầu và kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, chính sách điều hành một số giá sản phẩm, đặc biệt là giá xăng dầu và điện còn bất cập đã ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, biến động của giá cả và các hoạt động xã hội.
“Có những khoảng thời gian khá dài, thị trường cả nước thiếu xăng dầu trầm trọng và tác động lớn tới các hoạt động sản xuất và đời sống xã hội. Hoặc trong thời gian gần đây, nắng nóng bất thường cộng với công tác quản lý, điều phối điện chưa tốt cũng ảnh hưởng tiêu cực với nền kinh tế”, ông Tuyến nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tuyến, công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh tế ở doanh nghiệp lớn còn nhiều bất cập, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… đã tác động tới dòng tiền, tăng trưởng kinh tế và thị trường giá cả.
Những thách thức nửa cuối năm 2023
Bối cảnh kinh tế khó khăn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng cho nửa sau năm 2023.
Với kịch bản 1, tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%, trong đó tăng trưởng quý 3 và 4 lần lượt đạt 6,8% và 9%, cao hơn 0,3% và 1,9% so với kịch bản tại Nghị quyết số 01.
Với kịch bản 2, tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%, trong đó tăng trưởng quý 3 và 4 lần lượt đạt 7,4% và 10,3%, cao hơn 0,9% và 3,2% so với kịch bản tại Nghị quyết số 01.
Như vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 theo Nghị quyết của Quốc hội, tốc độ tăng trưởng trong nửa cuối năm nay phải đạt 8-8,9%. Đây là một mục tiêu khó trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế tồn tại nhiều rủi ro, theo các chuyên gia.
TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, cho biết 5 rủi ro chính từ bên ngoài vẫn hiện hữu với kinh tế Việt Nam, gồm: rủi ro địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn còn phức tạp, khó lường; rủi ro tài khóa (nợ công, nợ tư, thâm hụt ngân sách) còn cao; giá cả, lạm phát dù giảm nhưng còn ở mức cao; sự đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sỹ làm tăng rủi ro thị trường tài chính toàn cầu; kinh tế Trung Quốc dù phục hồi song chưa bền vững, chưa tạo được sự lan tỏa tới kinh tế thế giới; thiên tai, lũ lụt, khí hậu cực đoan ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng phục hồi kinh tế.
“Những rủi ro, thách thức này tiếp tục tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính – tiền tệ của Việt Nam”, ông Lực đánh giá.
Cũng theo chuyên gia này, tổng cầu, với các động lực tăng trưởng như xuất khẩu và đầu tư, đều suy giảm là yếu tố đáng quan ngại với nền kinh tế và doanh nghiệp.
Với yếu tố xuất khẩu, ông Lực cho biết kim ngạch xuất khẩu đạt 164,45 tỉ đô la Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2023, giảm 12,1% so với cùng giai đoạn năm trước với giá trị xuất khẩu suy giảm ở hầu hết các mặt hàng chủ lực gồm điện thoại các loại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; hàng dệt, may; giày dép.
Nguyên nhân chính là cầu thế giới giảm mạnh do lạm phát và lãi suất duy trì ở mức cao, một số quốc gia xuất hiện tình trạng suy thoái kỹ thuật, nhất là tại các quốc gia vốn là thị trường – đối tác chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Hàn Quốc và EU. Giá các mặt hàng xuất – nhập khẩu cũng giảm với chỉ số giá xuất khẩu trong 6 tháng của năm 2023 giảm 0,52% so với cùng giai đoạn năm 2022, chỉ số giá nhập khẩu giảm 3,85%.
Ngoài ra, chi phí logistics còn cao, tiến trình xanh hóa một số lĩnh vực còn chậm, khiến một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh hơn các quốc gia khác.
Với yếu tố đầu tư, ông Lực đánh giá việc thu hút vốn FDI là kém khả quan với tổng vốn đăng ký lũy kế vào Việt Nam ước đạt 13,43 tỉ đô la tính tới 20-6-2023, giảm 4,3% so với cùng kỳ giai đoạn năm trước, và thấp hơn mức giảm 7,3%, 17,9% của 5 tháng và 4 tháng đầu năm 2023.
Nguyên nhân chủ yếu gồm: kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại khiến luồng vốn đầu tư toàn cầu suy giảm; số lượng các dự án có quy mô lớn, từ 50 triệu đô la trở lên, đăng ký giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước; tâm lý chờ đợi để đánh giá những thay đổi chính sách mới của một số nhà đầu tư như Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng từ năm 2024, thuế carbon dự kiến áp dụng tại Châu Âu vào tháng 10-2023.
Với những thách thức hiện hữu, ông Lực cho rằng mức tăng trưởng GDP cả năm khoảng 5-5,5% cũng là thách thức với Việt Nam trong bối cảnh kinh tế giới còn nhiều rủi ro, nội tại nền kinh tế còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng, quyết tâm của người dân và doanh nghiệp.
Tháo gỡ khó khăn ngắn hạn
Để nền kinh tế vượt qua khó khăn trước mắt, TS Cấn Văn Lực cho rằng cần thúc đẩy tổng cầu của nền kinh tế qua việc đẩy mạnh triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội 2022-2023. Theo đó, cần tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao như dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án, giải phóng mặt bằng; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục về đầu tư công; kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai dự án đầu tư công.
“Nếu giải ngân được 95% tổng số vốn 713.000 tỉ đồng như chỉ đạo của Thủ tướng, đầu tư Nhà nước có thể tăng 30%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,2% và đóng góp 2 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP năm 2023”, ông Lực dự báo.
Bên cạnh đầu tư công, chuyên gia này cho rằng cần kích cầu tiêu dùng nội địa, vì tiêu dùng tăng trưởng 1% sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2%, nếu loại trừ yếu tố giá. Ngoài ra, cần quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và TPHCM.
Với doanh nghiệp trong nước, PGS. TS Phan Thế Công, Trưởng khoa Kinh tế thuộc Đại học Thương mại, cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Thực tế, những rào cản trong môi trường kinh doanh không chỉ gây khó cho doanh nghiệp mà đang gây khó cho cả cơ quan quản lý, các cấp thực thi ở địa phương thời gian qua. Thông tin từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết có 38 địa phương, 12 bộ, ngành đã gửi phản hồi tới Bộ KHĐT về những khó khăn của môi trường kinh doanh tính tới cuối tháng 5-2023.
Kết quả rà soát sơ bộ của CIEM cũng cho thấy số lượng ngành nghề cụ thể có quy định về điều kiện kinh doanh tại pháp luật chuyên ngành lớn hơn nhiều con số 227 ngành nghề theo danh mục của Luật Đầu tư 2020. Thậm chí, một số ngành nghề chưa có cơ sở thuyết phục về sự cần thiết phải quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc không có trong danh mục nhưng vẫn ban hành điều kiện kinh doanh.
Một số bất cập nổi cộm về môi trường kinh doanh được CIEM chỉ ra, gồm quy định về phòng cháy chữa cháy, giấy phép môi trường, quy định về chứng chỉ năng lực xây dựng và kinh doanh vận tải; thuế.
Để giải quyết, các chuyên gia cho rằng tăng cường phân cấp, đi đôi với kiểm tra, giám sát trách nhiệm người đứng đầu và khắc phục tình trạng ngại sai, sợ trách nhiệm, giải quyết công vụ chậm của nhiều công chức.
Ông Phan Thế Công kiến nghị sớm hoàn thiện các quy định pháp luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ chặt chẽ và an toàn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Còn ông Cấn Văn Lực cho rằng cần rà soát, cập nhật và điều chỉnh cơ chế, chính sách thu hút FDI theo hướng tập trung vào cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư – kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là các vấn đề về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định kinh doanh của nhà đầu tư.
Ngoài ra, quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong nước, gồm các vấn đề pháp lý và tiếp cận thị trường như đất đai, điện năng, phòng cháy chữa cháy, đăng kiểm, khả năng tiếp cận và năng lực hấp thụ vốn, nguồn nhân lực.
Bên cạnh những giải pháp trên, việc bình ổn và thực hiện các biện pháp lành mạnh hóa các thị trường gồm chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, xăng dầu, tăng thanh khoản ngân hàng cũng góp phần củng cố niềm tin nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân nửa cuối năm 2023, theo các chuyên gia.
Theo Vân Phong/Kinh tế Sài Gòn