Trao đổi với phóng viên Tri thức và Cuộc sống, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần liên kết lại để tạo ra những đơn vị đủ lớn, có tiềm năng, năng lực trình độ để trở thành đối tác của doanh nghiệp nước ngoài, ví dụ doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào công nghệ chip ở Việt Nam.
|
Chuyên gia kinh tế kỳ vọng làn sóng đặt hàng tăng trở lại, nhiều doanh nghiệp sẽ “hồi sinh” và phát triển.
|
Nguyên nhân gần 54.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2024, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường gấp đôi thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nguyên nhân là gì, thưa ông?
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2024 mà Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, về tình hình đăng ký doanh nghiệp, trong tháng đầu năm, cả nước có 13,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, cả nước có gần 13,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, gấp 2,2 lần so với tháng 12/2023, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2023; nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 1/2024 lên hơn 27,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, cũng trong tháng 1/2024, 43,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước; 7.798 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 14%; 2.165 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,2%. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 53,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo tôi, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lớn hơn số tham gia thị trường là tín hiệu đáng lo ngại. Chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ vấn đề này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao.
Thứ nhất, suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng nền kinh tế, cũng như hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, dẫn đến tổng cầu trong nước giảm.
Thứ hai, sức mua của người dân đối với một số mặt hàng có phần hạn chế nhưng quan trọng nhất là có sự thay đổi về cách thức mua. Bây giờ, nhiều người tiêu dùng mua hàng qua mạng, đặt hàng, nhờ shipper gửi đến tận nhà. Trong khi đó, số doanh nghiệp phải đóng cửa chưa thích nghi được tình hình mới. Chúng ta cần giúp đỡ, hướng dẫn doanh nghiệp gặp khó khăn để họ sớm quay trở lại kinh doanh thời gian sắp tới.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp rút lui tăng mạnh có tính mùa vụ. Một số doanh nghiệp nhỏ rút lui khỏi thị trường để thành lập doanh nghiệp mới, chuyển đổi sang ngành nghề khác cho phù hợp tính mùa vụ.
|
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
|
Các doanh nghiệp Việt Nam phải liên kết lại tạo ra những doanh nghiệp đủ lớn, có tiềm năng, năng lực, trình độ để trở thành đối tác của doanh nghiệp nước ngoài.
TS Lê Đăng Doanh
Kỳ vọng doanh nghiệp “hồi sinh”
Dự kiến hết quý 1/2024, làn sóng đặt hàng, xuất khẩu tăng trưởng trở lại sẽ giúp hàng chục nghìn doanh nghiệp có đơn đặt hàng, quay lại chuỗi sản xuất phục vụ xuất khẩu, chuyên gia nhận định thế nào?
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1/2024 tăng lên là tín hiệu rất mừng. Tuy vậy, doanh nghiệp mới thành lập cần một đến ba năm để làm quen, có được thị phần trên thị trường và khách hàng, đối tác tin cậy, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu. Tôi mong rằng, Nhà nước có chính sách tích hợp giúp đỡ doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua giai đoạn đầu, thâm nhập thị trường.
Gần 14 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, dù giảm hơn so với cùng kỳ năm 2023, nhưng gấp 2,2 lần so với tháng 12/2023, cho thấy tín hiệu tốt. Nếu trong quý 1/2024 có làn sóng đặt hàng, xuất khẩu tăng trưởng trở lại, có thể hàng chục ngàn doanh nghiệp đang tạm dừng hoạt động sẽ quay lại chuỗi sản xuất, phục vụ xuất khẩu.
Để nắm bắt cơ hội thị trường, đón cơ hội làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng đến khi nhiều nước đầu tư tại Việt Nam, gia tăng đáng kể đơn hàng cho doanh nghiệp Việt, các doanh nghiệp cần làm gì?
Các doanh nghiệp Việt Nam phải liên kết lại tạo ra đơn vị đủ lớn, có tiềm năng, năng lực, trình độ để trở thành đối tác của doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp phải liên kết lại mới đủ “cân nặng” tham gia vào lớp “nặng cân”, nếu “nhẹ cân” khó có thể vào đấu trường quốc tế.
Thị trường Trung Quốc, Mỹ… được mở rộng, giúp doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi trong xuất khẩu hàng hóa, phát triển doanh số, gia tăng uy tín, phát triển bền vững. Chúng ta cần lưu khai thác hiệu quả những thị trường này thế nào, thưa ông?
Năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam cũng đặt nhiều hy vọng vào thị trường Trung Quốc, Mỹ. Việc thúc đẩy hợp tác với Mỹ thời gian qua đã giúp cánh cửa vào thị trường này mở rộng hơn. Bên cạnh đó, với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu Việt Nam đã tăng tốc. Cánh cửa thị trường mở rộng cần có chính sách, biện pháp triển khai hiệu quả.
Đối với thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực tham gia chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối cơ quan liên quan, tạo uy tín và gây dựng niềm tin với khách hàng; vận dụng kinh tế số, kết nối trực tiếp với doanh nghiệp đối tác qua chuỗi giá trị, nâng cao độ tin cậy, hợp tác có hiệu quả.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng phải khắc phục để tận dụng được lợi thế xuất khẩu hàng hóa. Mỹ đã ban hành nhiều chính sách bảo hộ thương mại để bảo vệ các lợi ích của doanh nghiệp trong nước, khi các sản phẩm từ Việt Nam chiếm thị phần, cạnh tranh mạnh với doanh nghiệp của họ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt cũng cần lưu ý rào cản phi thuế có thể làm hạn chế việc tiếp cận thị trường và tăng chi phí. Mỹ cũng gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam (truy xuất nguồn gốc bông của hàng dệt may, truy xét tôm có được trợ cấp…). Ngoài ra, doanh nghiệp Việt đang phải cạnh tranh với nhiều đối tác khác từ Nam Mỹ, châu Á, châu Phi…
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi trên.
>>> Mời độc giả xem thêm video Ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ về vai trò của báo chí với doanh nghiệp
Hải Ninh thực hiện