Mặc dù có nguồn gốc, xuất xứ từ châu Mỹ, tuy nhiên ngay từ khi du nhập vào Việt Nam, gà Tây đã nhận được nhiều sự ưa chuộng của người chăn nuôi bởi mang đến năng suất cao. Nói thì tưởng chừng đơn giản và có thể ai cũng làm được nhưng kỹ thuật nuôi gà Tây cũng có rất nhiều vấn đề cần quan tâm đòi hỏi người nuôi phải nắm bắt rõ các bước cực kỳ cơ bản.
Thực tế hiện nay, kỹ thuật nuôi gà Tây ở nhiều địa phương được chăn thả với rất nhiều mô hình khác nhau như theo trang trại lớn, thả vườn hoặc nuôi tự do. Trong số này, thả vườn với quy mô nhỏ được bà con áp dụng nhiều hơn cả bởi vốn bỏ ra không cao, nhanh thu hồi sau một thời gian ngắn.
|
Kỹ thuật nuôi gà Tây hiện thu hút được nhiều gia đình lựa chọn. Ảnh minh họa |
Giống và sinh sản
Gà Tây có màu lông bông xám đen hoặc xám trắng, một số ít có màu lông trắng, gà trống có lông màu sặc sỡ, mào và tích tròn dài lòng thòng. Gà trưởng thành từ 28-30 tuần tuổi có thể đạt 5-6 kg/con trống và 3-4 kg/con mái và bắt đầu đẻ trứng. Một điều khá thuận lợi cho người nuôi đó là gà Tây tự ấp, mỗi lứa đẻ 10-12 quả, trọng lượng trứng 60-65 g/quả, thời gian ấp nở 28-30 ngày, tỷ lệ ấp nở 65-70%, tỷ lệ nuôi sống 60-65%, sản lượng trứng 70-80 quả/mái/năm…
Kỹ thuật phòng bệnh cho gà Tây
Cũng giống như gà ta, gà Tây cũng ưa nơi khô giáo, cao và thoáng nên nếu làm chuồng cho chúng hãy chọn nơi đất không bị ngập úng, ít ao hồ. Đặc biệt, nếu nhà bạn có không gian rộng lớn thì hãy chọn nơi thoáng mát, có bãi cỏ rộng để gà Tây chạy nhẩy nhặt nhạnh thức ăn. Bởi nếu có bãi cỏ chính là môi trường lý tưởng cho các loại côn trùng như như giun, gián, dế... sinh sống. Các loài côn trùng này lại chính là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời để gà Tây thưởng thức.
Cần đảm bảo điều kiện tự nhiên về nhiệt độ, ánh sáng thích hợp cho gà. Gà Tây thường hay dị ứng với thời tiết mưa, sấm chớp, độ ẩm thấp hay tiếng động lạ...Vì vậy cần nắm bắt từng đặc tính của gà Tây để có phương pháp, kỹ thuật chăm sóc tốt nhất.
|
Kỹ thuật nuôi gà Tây để có hiệu quả kinh tế cao cũng không phải đơn giản. Ảnh minh họa |
Dinh dưỡng
Thức ăn thích hợp nhất cho gà Tây đó là thức ăn công nghiệp và thức ăn tự nhiên. Cũng có thể sử dụng cả 2 loại trên nhưng nên chia theo thành nhiều bữa giúp gà có điều kiện phát triển tốt nhất trong từng thời kỳ khác nhau.
Để đảm bảo gà luôn khỏe mạnh thì thức ăn của gà Tây luôn sạch sẽ, không ôi, thiu hay ẩm mốc. Giúp gà có sức đề kháng tốt thì cũng nên thường xuyên bổ sung men ủ vi sinh.
Còn nước uống cũng khá quan trọng, phải dùng nước sạch, thay mỗi ngày. Khi thả gà ra ngoài vườn, gà cũng có thể tự kiếm tìm thức ăn nên bà con cần kiểm tra gà sau mỗi ngày để cân nhắc việc bổ sung thức ăn phù hợp.
Phòng bệnh
Để đảm bảo sức khỏe cho gà Tây, bà con cần tiến hành tiêm vaccin định kỳ cho gà. Ngoài ra, do vaccin khó có thể mang đến hiệu quả bảo vệ tuyệt đối nên bà con cần chú ý thêm đến các giải pháp phòng bệnh khác như ăn sạch, uống sạch, ở sạch bằng cách thường xuyên vệ sinh chuồng trại bằng cách sát trùng.
Gà Tây nuôi chừng 6 tháng, nặng khoảng 6 - 7 kg nếu bán sẽ có giá 150.000 đồng/kg. Vậy mỗi con bán ra giúp người nuôi có thể kiếm tiền triệu. Chưa tính nếu nuôi gà giống thì lợi nhuận còn cao hơn, mỗi năm cũng giúp bà con kiếm vài trăm triệu, không những thoát nghèo mà còn mang lại kinh tế ổn định, thậm chí làm giàu cho gia đình.
Theo An Dương/VietQ