Người thành công luôn cân bằng được giữa bi quan và lạc quan
Bill Gates là một ví dụ điển hình về hiệu quả của kỹ năng tiềm ẩn này. Kể từ ngày thành lập Microsoft, ông luôn nhất quyết phải tích đủ tiền mặt trong ngân hàng để duy trì công ty tồn tại trong 12 tháng liên tục dù không có doanh thu.
Năm 1995, khi được hỏi tại sao lại giữ nhiều tiền mặt như vậy, Bill Gates chia sẻ: “Trong công nghệ, mọi thứ thay đổi nhanh chóng đến mức hoạt động kinh doanh trong năm tiếp theo không được đảm bảo, kể cả đó là Microsoft”.
Năm 2007, Bill Gates tiếp tục bày tỏ quan điểm: “Tôi luôn lo lắng vì những người làm thuê cho tôi đều lớn tuổi hơn tôi và đã có con cái. Tôi luôn nghĩ tới trường hợp nếu họ không được trả lương thì sẽ ra sao, và liệu tôi có thể trả được lương cho họ hay không”.
Tỷ phú Bill Gates, người sáng lập Breakthrough Energy và đồng Chủ tịch Quỹ Bill & Melinda Gates.
Điều mà chúng ta nhận ra ở đây chính là: Ở bên trong con người của Bill Gates, sự lạc quan và tự tin luôn xen lẫn sự bi quan nặng nề. Điều mà tỷ phú Bill Gates dạy cho chúng ta là bạn chỉ có thể lạc quan về lâu dài nếu đủ bi quan để có thể sống sót trong ngắn hạn.
Là một người đã đạt tới thành công tột đỉnh, tỷ phú Bill Gates là một tấm gương điển hình về việc luôn giữ mình ở trạng thái cân bằng hoàn hảo giữa hai thái cực bi quan và lạc quan.
Lạc quan và bi quan rất khó tách bạch rõ ràng
Bi quan là điều cần thiết cho sự sống còn, giúp chúng ta chủ động chuẩn bị cho những rủi ro trước khi chúng ập đến. Tuy nhiên, sự lạc quan cũng cần thiết không kém. Niềm tin rằng mọi thứ có thể và sẽ tốt hơn, ngay cả khi không có sẵn bằng chứng rõ ràng, là một trong những phần thiết yếu nhất của mọi thứ, từ việc duy trì một mối quan hệ lành mạnh đến quá trình đầu tư lâu dài.
Lạc quan và bi quan dường như là những thái cực trái ngược nhau, vì vậy mọi người thường thích tách bạch chúng ra và so sánh với nhau.
Tuy nhiên, Morgan Housel lại cho rằng, việc biết cách cân bằng cả hai yếu tố này luôn luôn là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của cuộc sống, là điều quan trọng nhất đã tạo nên thành công của một tỷ phú như Bill Gates.
Tại sao nên cố gắng trở thành một “người lạc quan có lý trí”
Một điều quan trọng cần thừa nhận là sự lạc quan và bi quan luôn tồn tại trong chúng ta ở mức độ nhất định trong bất kỳ thời điểm nào. Một mặt, bạn luôn có những suy nghĩ lạc quan thuần túy. Điều đó khiến bạn thấy mọi thứ sẽ luôn tuyệt vời và coi mọi điều tiêu cực là một khuyết điểm về tính cách. Nó bắt nguồn từ cái tôi, khi bạn quá tự tin vào bản thân, thậm chí đến mức không thể hiểu được những rủi ro có thể xảy ra.
Mặt khác, bạn cũng sẽ luôn có sẵn những thái độ bi quan thuần túy, coi mọi thứ đều sẽ luôn khủng khiếp và không tin vào những điều tích cực. Điều này cũng bắt nguồn từ yếu tố chủ quan, khi bạn thiếu tự tin vào bản thân đến mức không thể hiểu được điều gì sẽ tốt đẹp hơn.
Việc cân bằng được hai thái cực này sẽ hình thành một kỹ năng vô cùng quan trọng để dẫn đến sự thành công, đó là sự lạc quan một cách có lý trí. Khi đó, dù có thể thừa nhận rằng lịch sử có thể là một chuỗi liên tục các vấn đề, thất vọng và thất bại, nhưng bạn vẫn lạc quan vì biết rằng thất bại không ngăn cản sự tiến bộ và thành công. Trong bối cảnh đó, bạn thường sẽ có thể nhìn xa, trông rộng hơn những người khác.
Vì vậy, trong bất kỳ lĩnh vực nào - từ tài chính, sự nghiệp đến các mối quan hệ - khả năng vượt qua các vấn đề ngắn hạn sẽ giúp bạn có thể kiên trì đủ lâu và tận hưởng sự thành công. Để làm được điều đó, hãy tiết kiệm như một người bi quan và đầu tư như một người lạc quan, cũng như hãy lên kế hoạch như một người bi quan và mơ ước như một người lạc quan.
Thoạt nhìn những điều đó có thể mâu thuẫn và không thể cùng tồn tại. Tuy nhiên, sẽ là phiến diện nếu bạn cố gắng định hình bản thân chỉ đơn giản là người lạc quan hoặc bi quan. Vì vậy, hãy chấp nhận là một người lạc quan một cách lý trí, với đủ cả sắc thái bi quan và lạc quan cùng tồn tại. Đó là điều bạn sẽ thấy ở hầu hết những người đạt được thành công lâu dài.
Theo Hạ Thảo/Vietnamnet