Chỉ trong thời gian rất ngắn, dòng vốn ngoại bất ngờ nổi sóng và đổ xô kỷ lục đã lập cách đây gần 10 năm. Nhưng đó mới chỉ là bề nổi của một cơn sóng ngầm được đánh giá là rất lớn. Giới đầu tư ngoại đang im hơi lặng tiếng để gom cổ phiếu Việt.
Kỷ lục 10 năm
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), tổng giá trị mua ròng của các nhà đầu tư ngoại trên 2 sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX) và Hà Nội (HNX) trong 6 tháng đầu năm lên tới 9,2 ngàn tỷ đồng.
Hết phiên giao dịch 10/7, con số này đã là khoảng 10 ngàn tỷ, sắp chạm mốc 500 triệu USD. Số vốn mua ròng trong nửa đầu năm của khối ngoại tăng vọt so với các năm trước đó và phá kỷ lục gần 8 ngàn tỷ đồng ghi nhận trong 7 tháng đầu năm 2008.
Tính tới thời điểm này, giá trị mua ròng của khối ngoại đã áp đảo tất cả các năm, trừ năm 2010 (hơn 16 ngàn tỷ đồng) và trái ngược với tình trạng bán ròng gần 8 ngàn tỷ đồng (trên sàn HSX) của khối nhà đầu nước ngoài.
|
Chứng khoán tăng mạnh trong thời gian gần đây. |
Xu thế mua ròng diễn ra trong bối cảnh giá đa số cổ phiếu Việt Nam đã tăng mạnh và cao hơn nhiều so với trước đó. Khối ngoại mua mạnh các cổ phiếu lớn trên sàn, nhất là các mã cổ phiếu vốn hóa lớn lên sàn cuối 2016 và đầu 2017.
Không chỉ các tổ chức, các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài cũng đang đổ dồn vào Việt Nam. Số lượng nhà đầu tư ngoại được cấp mã số giao dịch tăng vọt lên mức kỷ lục trong 6 tháng đầu năm. Riêng trong quý II, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cấp hơn 700 mã, trong đó có 590 cá nhân và 115 tổ chức. Tính đến nay, đã có gần 21,5 ngàn mã được cấp, trong đó có gần 3,4 ngàn mã tổ chức.
Khối ngoại cũng đang mua ròng chứng chỉ quỹ ETF như một tín hiệu cho thấy niềm tin vào thị trường của khối này đang khá cao. Tuy nhiên, tất cả những con số này có lẽ chưa nói lên được con sóng ngầm vốn ngoại đang vào Việt Nam.
Nguồn tin từ một số công ty chứng khoán (CTCK) cho thấy giám đốc quản lý các quỹ và danh mục đầu tư ngoại (fund manager và portfolio manager - FM và PM) đang rất bận với công việc đi săn hàng và huy động tiền. Từ đầu năm tới nay, các quỹ ngoại không có thời gian để ra các báo cáo đánh giá về triển vọng mà thay vào đó là im hơi lặng tiếng để mua cổ phiếu.
Cơ hội hàng tỷ USD vốn ngoại
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng phòng Môi giới chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect, triển vọng TTCK Việt Nam rất tốt, ít có yếu tố có thể bẻ ngược xu thế này và dòng vốn ngoại sẽ còn tiếp tục là điểm nhấn trong 2 quý còn lại và là yếu tố giúp thị trường tiếp tục bùng nổ. Và năm nay, dòng vốn ngoại sẽ vượt kỷ lục 16 ngàn tỷ 2010.
|
Dòng vốn ngoại cuồn cuộn đổ vào chứng khoán Việt. |
Theo ông Tuấn, điểm sáng mà khối ngoại rất quan tâm đó là những cải cách từ thể chế cho tới những chính sách hỗ trợ tăng trưởng trưởng kinh tế vừa được đưa ra trong vài tháng gần đây. Đó là những cải cách giúp giảm chi phí ngầm, tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Các chính sách về xử lý nợ xấu ngân hàng và gần đây là chính sách tiền tệ giảm lãi suất điều hành,... đều hướng tới mục tiêu giảm chi phí cho doanh nghiệp, từ chi phí hoạt động cho tới chi phí tài chính.
Ông Tuấn cho rằng, quyết định điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước gửi đi một thông điệp rất rõ ràng: giúp doanh nghiệp giảm chi phí. Trong tương lai, thu nhập các công ty sẽ tăng lên rất rõ ràng. Lãi suất giảm cũng giúp tăng thanh khoản các thị trường, bao gồm thị trường bất động sản và chứng khoán. Một mũi tên trúng nhiều đích.
Trong khi đó, nền kinh tế lại được hưởng lợi từ các chi phí đầu vào thấp, trong đó có giá dầu sau cuộc chiến giữa Mỹ và OPEC nhằm giành thị trường. Chỉ số giá tiêu dùng CPI thấp khiến lạm phát thấp tạo điều kiện cho Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Vốn ngoại vào Việt Nam nhiều và dự báo còn tăng mạnh, theo BVSC, còn do quy mô vốn TTCK tăng mạnh với hàng loạt các doanh nghiệp vốn hóa lớn lên sàn trong gần một năm qua, như: Sabeco (SAB), Habeco (BHN), Cảng hàng không ACV, Petrolimex (PLX), Viet Jet Air, Novaland (NVL),... và sắp tới là các ngân hàng,...
Ông Huỳnh Minh Tuấn cho rằng, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) hiện đang dồn rất mạnh vào M&A, đấu giá và thoái vốn, thời gian tới sẽ đa dạng hơn.
Theo ông Tuấn, quy mô TTCK lớn hơn giúp các NĐT nước ngoài có cơ hội giải ngân khối tiền khổng lồ. Tính hấp dẫn của chứng khoán Việt còn nằm ở tiềm năng được nâng hạng thị trường. TTCK khi đó sẽ trở trở về đúng nghĩa kênh huy động vốn, thay vì đặt nặng lên vai hệ thống ngân hàng như vừa qua. Điều đáng nói nữa là, vốn từ TTCK sẽ là dòng vốn chất lượng và giá rẻ.
Có thể thấy, với chỉ một số chuyển biến trong khoảng 1 năm qua, trong đó có nỗ lực giảm chi phí hiện hữu và chi phí ngầm cho doanh nghiệp, dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam đã lên mức kỷ lục.
Nếu loại bỏ được một số điểm yếu kém, dọn dẹp được những “bãi rác” để lấy lại niềm tin của NĐT, thì dòng tiền sẽ còn đổ và rất mạnh. Khối ngoại không chỉ dừng lại ở con số 10 ngàn tỷ, mà có thể hàng tỷ USD.
Theo nhiều chuyên gia, nhóm cổ phiếu ngân hàng, sắt thép, tiêu dùng, bảo hiểm, điện nước, công ích, hàng không, dịch vụ,... sẽ có triển vọng tươi đẹp trong năm nay. Còn với khối ngoại, nhóm ngành hàng công nghiệp, hàng tiêu dùng, dầu khí,... đang là lựa chọn số một. Về nguồn gốc, dòng vốn ngoại trong thời gian qua đến chủ yếu từ Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có Nhật, Hàn, Thái, Singapore,... thông qua nhiều tổ chức, trong đó có HSBC.
Theo M. Hà/Vietnamnet