Kỳ lạ giống gà đen xì ở Yên Bái, chân 4 ngón, chân lại 5 ngón

Google News

Là một trong những người sớm nhận ra tiềm năng kinh tế của việc nuôi gà đen, anh Cháng A Vàng ở thôn Khuôn Bổ (Yên Bái) đã mạnh dạn tiên phong nuôi loài gà đen xì này và bước đầu cho kết quả khá khả quan. 

Loài gà bản địa của người Mông có đặc điểm kỳ lạ là 2 chân có 9 ngon, chân này 4 ngón thì chân còn lại có 5 ngón...
Nuôi gà đen (giống bản địa của người Mông) là mô hình rất phổ biến ở nhiều nơi, nhưng chủ yếu chỉ chăn nuôi nhỏ, lẻ...
Trước kia, kinh tế gia đình anh Cháng A Vàng chủ yếu dựa vào vài sào ruộng nước và trồng ngô, sắn… Nuôi gà thả vườn hầu như nhà nào cũng có, nhưng chủ yếu để cải thiện cuộc sống, còn nuôi quy mô hàng hóa thì chưa ai nghĩ đến. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, các con lớn lên và đi học càng thêm gánh nặng cho kinh tế gia đình.
Ky la giong ga den xi o Yen Bai, chan 4 ngon, chan lai 5 ngon
Mô hình nuôi gà đen (giống gà bản địa của dân tộc Mông) của anh Cháng A Vàng tại thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca. Theo anh Vàng, gà đen đặc sản của người Mông ngoài bộ lông đen, xương đen, mào đen thì cặp chân của gà đen rất kỳ lạ với 1 chân 4 ngón còn chân kia có 5 ngón... 
Anh Vàng cho biết: "Năm 2017, xã vận động bà con nuôi gà đen bản địa theo chương trình bảo tồn, phát triển giống gà đặc sản của người Mông và tôi mạnh dạn đăng ký tham gia. Vì đây là giống gà bản địa, nên trước kia gia đình cũng đã nuôi giống gà này rồi, nhưng chỉ nuôi rất ít. Sau khi được xã cấp 50 con gà đen, tôi đã vay thêm 50 triệu đồng từ ngân hàng cùng với số vốn ít ỏi mà 2 vợ chồng đã tiết kiệm được để đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi gà đen theo phương thức thả vườn đồi”.
Anh Vàng cho biết thêm, gà đen khá dễ nuôi, ít bị dịch bệnh so với các loại gà khác. Thức ăn của gà đen cũng đơn giản vì ngoài sử dụng thức ăn đóng sẵn của gà, anh trộn thêm bột ngô, thóc, rau xanh để giảm chi phí.
Đặc biệt, giống gà đen này ít bị bệnh do có sức đề kháng tốt. So với các giống gà nuôi tại địa phương từ trước đến nay, giống gà đen có ngoại hình khác biệt ở bộ lông đen tuyền hoặc pha thêm đốm trắng. Điểm kỳ lạ hơn là gà đen có chân đen với 9 ngón (1 chân 4 ngón, 1 chân 5 ngón). 
Vóc dáng gà đen nhỏ, nhanh nhẹn nhưng thịt thì săn chắc, thơm ngon hơn nhiều giống gà khác. Nhờ cách chăn nuôi đúng kỹ thuật, phòng dịch tốt nên đàn gà đen của anh Vàng sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, đàn gà đen nhà anh đã lên đến gần 100 con gà. Trung bình một năm anh Cháng A Vàng xuất 4 lứa, mỗi lứa 70 con gà đen, số còn lại anh để làm giống.
Theo anh Vàng, mỗi lứa, gà đen mẹ chỉ đẻ từ 10 - 12 quả trứng. Gà mẹ đẻ được quả trứng nào, anh lại gom cất cẩn thận rồi cho ấp để nuôi gối. Vì để ấp tự nhiên nên mỗi lần ấp tỷ lệ nở cũng chỉ thành công được 70 - 80%. Khi xuất chuồng, gà đen đạt trọng lượng từ 1,6 đến 1,8 kg/con, bán với giá 170.000 - 180.000 đồng/con, thu về khoảng trên 50 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Ngoài phát triển kinh tế nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, anh Vàng còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà đen, chia sẻ kinh nghiệm nuôi gà đen với người dân xung quanh để cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Nói về dự định sắp tới, anh Vàng cho biết: "Tôi sẽ mua máy ấp trứng về để ấp gà giống; tiếp tục mở rộng quy mô để duy trì thường xuyên khoảng 200 con gà thịt. Đồng thời, tôi sẽ lai tạo giống để chuyển sang chuyên nuôi loại gà đen bản địa để tăng thêm thu nhập, giới thiệu, quảng bá sản phẩm gà của gia đình cũng như của bà con tại địa phương”.
Một số người dân ở xã Hồng Ca cho hay, gà đen là giống gà truyền thống của người Mông. Ngày trước, gà đen chỉ được nuôi tách biệt trên vùng núi cao hay tập trung trong nương rẫy để tránh dịch bệnh. Việc nuôi gà đen đối với người Mông chỉ nhằm mục đích phục vụ nhu cầu trong gia đình và sử dụng vào việc cúng tế.
Nhưng, hiện nay, do chất lượng thịt thơm, ngon và săn chắc nên gà đen đang là mặt hàng được nhiều người ưa chuộng. Tuy vậy, chăn nuôi thương phẩm bán ra thị trường giá cao hơn các loại gà khác, nhưng số lượng chăn nuôi còn hạn chế.
Ngoài gia đình anh Cháng A Vàng thì ở xã Hồng Ca còn có 619 gia đình khác cũng tham gia chương trình bảo tồn và phát triển giống gà đen đặc sản của người Mông. Hiện nay, số gà đen của cả 619 hộ này đều lớn nhanh và đã có thể đem bán.
Ông Hà Ngọc Điệp - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Phát triển mô hình chăn nuôi gà đen của người Mông theo hướng tập trung, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương đang góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, duy trì nguồn gen quý, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao...".
"Nuôi gà đen đặc sản của người Mông còn giúp nông dân đổi mới suy nghĩ, cách làm, xây dựng thêm nhiều mô hình hiệu quả, sáng tạo trong vận dụng những tiến bộ mới vào sản xuất, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững, nâng cao thu nhập và mức sống của người dân tại địa phương”, ông Hà Ngọc Điệp.
Theo Báo Yên Bái