Từ trải nghiệm từng làm nhân viên phục vụ nhà hàng trước đây của mình, anh Hoàng Xuân Thành, ở TPHCM, rút ra bài học khi sử dụng các dịch vụ là phải luôn cười tươi, nói khẽ, dễ tính, xuề xòa với nhân viên phục vụ.
Anh Thành kể, không phải tất cả nhưng nhân viên nhà hàng có rất nhiều trò "chơi bẩn" khách khi họ mang tự ái, ấm ức. "Nếu bạn đến một nhà hàng, gọi khản cổ mà vẫn không thấy mình được phục vụ thì chưa chắn là do nhân viên lề mề, chậm chạp mà có khi là họ cố tình... lề mề, làm lơ bạn", anh Thành nói.
Chiêu "trả thù" khách mà nhiều nhân viên phục vụ áp dụng là trút đồ ăn, nước uống, sinh tố thừa của người khác đổ vào phần của khách; lấy thìa nĩa, chén đĩa, ống hút sạch nhúng vào nước bẩn rồi đưa ra cho khách sử dụng.
Mỗi người một chiêu trò, anh Thành từng biết nhân viên lấy nước lã pha nước chanh, tắc, trà sữa cho khách hay nhặt lại tăm đã dùng mang ra... mời khách.
Trên một diễn đàn việc làm, dùng nick "clone", nam thanh niên 24 tuổi gây choáng váng khi tiết lộ chuyện đã từng vài lần vẩy nước bẩn, thậm chí phun nước bọt vào đồ ăn của khách khi làm phục vụ tại một số nhà hàng ở TPHCM với thái độ hỉ hả.
Người này kể lại chuyện đi làm thêm ở quán nhậu khi còn là sinh viên. Sau đó ra trường, cậu tiếp tục làm thời vụ, giao hàng tại một số nhà hàng khi chưa tìm được việc phù hợp. Trong quá trình làm nhân viên phục vụ, cậu cử nhân đi giao hàng giải thích cho hành động chơi bẩn là vì "nhiều khách rất hống hách, khó tính, cậy mình có tiền quát tháo này kia".
|
Nhân viên phục vụ có nhiều "chiêu bẩn" chơi xấu khách hàng (Ảnh minh họa). |
Nam nhân viên kể, có vị khách lớn tiếng khi thấy nhân viên phục vụ lề mề, có người yêu cầu gọi quản lý ra nhắc nhở; cũng có khách người gọi nhân viên ra rồi dạy cho bài học, mắng té tát...
"Nhiều lần ấm ức, mình "trả đũa" bằng cách vẩy nước rửa bát vào đồ ăn, nước uống rồi đưa ra, lễ phép mời họ. Rồi mình quay đi, hả dạ khi nhìn... họ đang ăn ngon lành những thứ bẩn nhất mình vừa vẩy vào", cậu nhân viên tiết lộ làm nhiều người... ớn lạnh.
Cũng có những vị khách cũng bị cậu mời "đồ bẩn" chỉ vì "nhìn cái mặt chảnh thấy ghét", hay khách hàng vì phàn nàn nhân viên khác cậu cũng "tức giùm".
Câu chuyện của nam thanh niên làm nhân viên phục vụ này chia sẻ làm nhiều người bị "sốc" vì không thể hình dung nổi cách hành xử bần tiện. Có người bình luận, khuyên cậu, tâm lý nhỏ nhen vậy, "không ra đảo mà ở" thì hãy tránh thật xa khỏi mọi ngành nghề dịch vụ chăm sóc khách hàng.
|
Một nhân viên giao hàng ở Trung Quốc nhổ nước bọt vào đồ ăn của khách bị camera quay lại (Ảnh chụp lại màn hình clip). |
Trao đổi về đạo đức của người làm nghề trong những trường hợp như vậy, nhiều người từng làm nhân viên phục vụ tiết lộ, đây không phải là chuyện lạ. Nhiều trường hợp tiết lộ bản thân họ cũng từng trút tức giận, ấm ức bằng cách đưa chất bẩn vào đồ ăn của khách hoặc chứng kiến sự việc.
Chị Trần Mai Lam, làm việc tại một tòa nhà ở quận 3, TPHCM cho biết, chị từng tận mắt chứng kiến một nữ nhân viên liên tục vẩy nước từ chậu rửa chén bát vào đĩa gỏi của khách khi chị ra khu vực phía sau nghe điện thoại.
Lúc đó, chị Lam lên tiếng ngay lập tức nhưng... cả nhân viên và nhà hàng đều cãi bay, quả quyết là chị nhìn nhầm.
"Hôm đó, tôi và nhóm bạn chấp nhận bỏ hết đồ ăn, không bao giờ quay lại đó nữa và thật sự thấy ngán ngại khi ăn quán", chị Lam bày tỏ.
|
Một chàng trai ở Thổ Nhĩ Kỳ ngồi tù vì hành vi nhổ nước bột vào đồ ăn của khách (Ảnh chụp lại màn hình clip). |
Việc nhân viên "trả đũa" khách hàng bằng những hành động bẩn không phải là chuyện hiếm. Camera an ninh từng "bắt" được cảnh đầu bếp, shipper... nơi này nơi kia phun nước bọt vào đồ ăn của khách gây phẫn nộ. Có trường hợp người phục vụ bị phạt tiền, thậm chí phải ở tù vì hành vi này.
Không thể chấp nhận nhân viên... "nước bọt"
Hoạt động trong ngành dịch vụ, chị Trần Mai Lam nêu quan điểm, sự chuyên nghiệp, thái độ, tinh thần làm việc của nhân viên phục vụ là vấn đề của các doanh nghiệp hiện nay. Không ít công ty, doanh nghiệp, nhà hàng... liêu xiêu mất khách vì nhân viên phục vụ. Họ làm việc lề mề, cẩu thả, ỷ lại, gắt gỏng, khó chịu, thiếu chủ động...
Thừa nhận có nhiều trường hợp khách "tác oai tác quái", rất khó chiều nhưng chị Lam cho rằng, đã xác định kiếm sống bằng nghề thì phải sẵn tâm thế có thể gặp đủ kiểu khách hàng từ dễ đến khó, từ thanh lịch đến thô lỗ, từ hào phóng đến ki bo... Là nhân viên, hãy cứ làm tốt việc của mình, ứng xử khéo léo, cầu thị, tránh việc chỉ cần nghe khách góp ý, hay đụng độ chút là mang cả bầu trời ấm ức, tìm cách "chơi lại", ăn miếng nhỏ trả miếng to...
Ngoài các kỹ năng, cũng như mọi ngành nghề, chị Lam nhấn mạnh, nhân viên phục vụ cần có lương tâm nghề nghiệp.
|
Nhân viên phục vụ cần nhiều kỹ năng cũng như thái độ cầu thị, xây dựng trong công việc (Ảnh minh họa). |
Theo chị Lam, ngoài bản tính "chơi bẩn", nhiều người làm công việc phục vụ, giao hàng với tâm lý tạm bợ khi chưa tìm được việc khác. Họ xem nhẹ chính công việc mình đang làm, đang giúp mình kiếm sống.
Trong khi, từ công việc phục vụ có thể học được rất nhiều kỹ năng công việc, giao tiếp, xử lý tình huống... từ đó, nâng cao giá trị của bản thân, tăng khả năng phát triển ở những vị trí cao hơn.
"Cái giá của nước bẩn, nước bọt không hề rẻ. Nhân viên phục vụ mà sẵn tâm lý so đo "chơi xấu" khách hàng thì cũng đừng mong có thể làm tốt, tiến xa ở những công việc, vị trí khác. Thái độ này làm ở đâu cũng tự "kéo mình xuống vực", người này bày tỏ.
Anh Nguyễn Minh Đoan, quản lý một công ty nhân sự tại TPHCM cho hay, hiện nay các doanh nghiệp chiêu mộ tuyển dụng nhân tài từ vị trí quản lý cho đến cả nhân viên phục vụ, giao hàng. Nhân viên phục vụ, giao hàng là người trực tiếp làm việc, tiếp xúc với khách đòi hỏi nhiều kỹ năng về công nghệ, phải biết tương tác với khách, xử lý các tình huống, có trách nhiệm và cần cả một tấm lòng hào sảng.
Theo anh Đoan, công việc nào để thành công cũng đều đòi hỏi người làm việc phải có tư duy phát triển, cầu thị, học hỏi. Các doanh nghiệp khi tuyển dụng, ngoài kỹ năng, trình độ của ứng viên cần lưu ý đến sức khỏe tâm thần, tâm lý, thái độ của mỗi người.
Theo Hoài Nam/Dân Trí