Từ năm 2011, Công ty Kinh Đô TCI nổi lên với việc đầu tư mạnh vào bất động sản. Hàng loạt các dự án lớn, đắc địa của doanh nghiệp này ra mắt thị trường. Trong số đó là các dự án: Kinh Đô Building (Lò Đúc, quận Đống Đa), Discovery Complex II (8B Lê Trực, quận Ba Đình), Discovery Complex (Xuân Thủy, quận Cầu Giấy), The Capital Garden (102 Trường Chinh, quận Đống Đa)…
Tuy nhiên, chủ đầu tư Kinh Đô TCI được biết tới với không ít lùm xùm tại các dự án bất động sản trên địa bàn TP. Hà Nội. Điển hình nhất là việc bị xử phạt và yêu cầu “cắt ngọn” tại dự án chung cư cao tầng số 8B Lê Trực (quận Ba Đình).
“Cắt ngọn” tại dự án 8B Lê Trực
|
Tòa nhà tại số 8B Lê Trực. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Với vị trí nằm cạnh khu hành chính Ba Đình, dự án Discovery Complex II (8B Lê Trực) khi ra mắt nhận được dự quan tâm lớn trên thị trường. Theo đó, Discovery Complex II được thiết kế là tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, căn hộ chung cư cao cấp. Dự án có quy mô 18 tầng cao và 4 tầng hầm.
Vào khoảng năm 2015, khi đã cất nóc, dự án tại 8B Lê Trực vướng vào lùm xùm trong việc chấp hành các quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc. Một trong số đó là chủ đầu tư đã xây vượt tầng, vượt độ cao so với quy định.
Thủ tướng khi đó đã nhiều lần yêu cầu UBND TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng kiểm tra việc làm rõ sai phạm của dự án này.
Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm. Từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư không thực hiện mà xây thẳng đến mái. Ngoài ra, từ tháng 3/2011 đến 12/2012, chủ đầu tư công trình Lê Trực đã thi công khi không có giấy phép xây dựng.
Phần giật cấp đầu hồi phía đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m, công trình giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía tây nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn.
Theo giấy phép xây dựng, chiều cao công trình đến đỉnh tum thang là 53 m nhưng chủ đầu tư tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây dựng thêm tầng 19; tổng chiều cao thực tế khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng hơn 6.100 m2 so với giấy phép.
|
Cảnh cưỡng chế phá dỡ tại dự án 8B Lê Trực. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Việc tháo dỡ vi phạm tại dự án này cũng gặp không ít khó khăn và nhiều lần gián đoạn. Đến nay, việc “cắt ngọn” dự án tại 8B Lê Trực vẫn chưa hoàn thành.
Cư dân xô xát với chủ đầu tư tại dự án ở 93 Lò Đúc
|
Tòa nhà 93 Lò Đúc nhìn từ xa. Ảnh: Vietnamnet. |
Dự án Kinh Đô Building tại 93 Lò Đúc (quận Đống Đa) được coi là phát súng đầu tiên của Kinh Đô TCI và được khởi công năm 2004. Quy mô dự án gồm: 2 tầng hầm, 25 tầng căn hộ, 2 tầng kỹ thuật, tầng mái và tum thang.
Năm 2006, chủ đầu tư xây dựng vượt tầng so với giấy phép xây dựng được cấp. Ngoài ra, một số tầng kỹ thuật được chuyển thành căn hộ để bán.
Với tầng vượt thứ 30, Kinh Đô TCI cho xây dựng mái che diện tích 1.800 m2 (bao gồm cả diện tích phần tum thang, hệ thống kỹ thuật, bể nước khoảng 500 m2) có tường bao lan can chắn mái cao khoảng 1,5 m. Ngoài ra, Kinh Đô TCI còn dự kiến làm văn phòng của công ty.
Việc xây dựng này khiến các cơ quan chức năng nhiều lần xử phạt. Ngoài ra, việc giới hạn chịu lực an toàn cho công trình khi vượt thêm tầng là vấn đề được quan tâm một thời gian dài.
Mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm khi cư dân tại đây đạp đổ tường, xô xát với bảo vệ để ngăn cản chủ đầu tư tự ý xây dựng phòng kỹ thuật trên diện tích chung của tòa nhà mà không xin ý kiến của cư dân. Phần diện tích đó vào khoảng 18 m2.
Năm 2010, một số chủ hộ dân nợ đọng không chịu trả tiền sử dụng điện, nước sạch sinh hoạt cho Ban quản lý toà nhà Kinh Đô nên chủ đầu tư buộc phải tạm ngừng cung cấp điện. Ngay sau khi tạm ngừng cung cấp điện cho 3 hộ nợ đọng đầu tiên, thì một số cư dân nợ đọng tiền sử dụng điện, nước sạch sinh hoạt đã cùng nhau tổ chức căng băng rôn trước sân nhà chung cư 93 Lò Đúc.
Nợ tiền thuê đất, xây vượt tầng, sử dụng đất sai mục đích tại dự án Discovery Complex
|
Bên ngoài dự án Discovery Complex. Ảnh: Kiến Thức. |
Dự án Discovery Complex (302 Cầu Giấy, quận Cầu Giấy) có tổng diện tích mặt bằng 10.158,5 m2. Dự án được cấp phép xây dựng 5 tầng hầm thông nhau, 5 tầng khối đế, một tầng cây xanh và khu văn phòng - chung cư cao cấp với tổng số 54 tầng.
Trong quá trình thi công chủ đầu tư Kinh Đô TCI lại “phớt lờ” giấy phép của cơ quan quản lý, tự ý xây cơi nới thêm tầng khối đế. Theo đó, chủ đầu tư đã xây dựng khối đế 8 tầng và một tầng cây xanh, vượt 3 tầng khối đế so với giấy phép.
Cuối năm 2015, UBND quận Cầu Giấy ban hành quyết định xử phạt hành chính chủ đầu tư số tiền 80 triệu đồng vì vi phạm trật tự xây dựng. Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cũng yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trật tự xây dựng tại dự án.
Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Xây dựng) còn chỉ ra dự án này sử dụng sai mục đích 3.532,5 m2 đất. Ngoài ra còn vi phạm về vấn đề tài chính. Theo đó, đến thời điểm ban hành kết luận thanh tra (giữa năm 2016), công ty Đầu tư Thương mại dịch vụ Cầu Giấy mới nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích 1.015,5 m2 được giao ổn định lâu dài để xây dựng nhà chung cư cao tầng để bán là 35,5 tỷ đồng.
Công ty này còn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với diện tích xây dựng tăng từ 30 lên 50 tầng. Về tiền thuê đất, theo Báo cáo số 55188/BC-CT-QLĐ của Cục Thuế thành phố Hà Nội, đến ngày 12/8/2015, doanh nghiệp chưa nộp đủ số tiền thuê đất và tiền chậm nộp là 26,1 tỷ đồng.
Capital Graden chưa nghiệm thu PCCC đã cho dân vào ở
|
Người dân Capital Garden căng băng rôn trong đêm phản đối chủ đầu tư. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Trong danh sách 79 công trình nhà chung cư vi phạm quy định về đảm bảo an toàn PCCC của Sở Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội có tòa nhà HH1 tại 102 Trường Chinh (Capital Garden) của Kinh Đô TCI.
Đại diện hơn 200 hộ dân ở chung cư Capital Garden cho biết họ dọn về ở từ cuối năm 2016 nhưng đến đầu tháng 6, chung cư Capital Garden vẫn chưa có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn PCCC. Giữa tháng 6, hàng trăm hộ dân tại đây đã tiến hành căng băng rôn phản đối chủ đầu tư.
Người dân còn phản ánh thiết kế tòa chung cư được được duyệt gồm 21 tầng (1 tầng cây xanh và 2 tầng kỹ thuật), nhưng chủ đầu tư đã chuyển đổi thành 4 tầng căn hộ, nâng tổng số căn hộ từ 288 căn tăng lên 358 căn.
Nhiều hạng mục công trình cam kết như khu siêu thị có thang cuốn đi lên từ tầng 1, khu kỹ thuật phục vụ an toàn cho tòa nhà, khu bể bơi, tầng cây xanh… đều không được chủ đầu tư xây dựng, mà thay vào đó được điều chỉnh thành các ki ốt cho thuê, và các căn hộ để bán.
Đỉnh điểm, từ trưa ngày 14/7, chủ đầu tư Capital Garden tiến hành cắt điện, cắt nước của người dân chưa hoàn thành các khoản phí điện, nước, dịch vụ với ban quản lý. Người dân thì cho rằng chủ đầu tư chưa bàn giao hồ sơ để người dân có thể mua điện trực tiếp từ Điện lực Đống Đa, thay vì Kinh Đô TCI. Do đó, một số người dân phải đóng mới mức giá Kinh Đô đưa ra, không có hóa đơn.
Gần 12h đêm 14/7, hàng trăm cư dân sinh sống tại chung cư này đồng loạt căng bạt, băng rôn phản đối sai phạm của chủ đầu tư.
Công ty cổ phần đầu tư xây dựng phát triển Kinh Đô hoạt động trong lĩnh vực: Xây dựng, đầu tư, phát triển dịch vụ, thương mại, tại các vị trí đắc địa của thành phố Hà Nội.
Kinh Đô TCI được thành lập năm 1997. Hiện tại được mở rộng với 8 công ty thành viên và hơn 200 nhân viên. Các công ty con bao gồm: Công ty CP đầu tư xây dựng phát triển thương mại Kinh Đô, Công ty CP đầu tư thương mại dịch vụ Cầu Giấy, Công ty khách sạn Kinh Đô, Công ty CP doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Công ty CP phát triển công nghệ cao Hà Nội, Công ty CP may Lê Trực, Công ty CP Nam Thái, Công ty CP đầu tư xây dựng thương mại Discovery, Công ty CP đầu tư thương mại và dịch vụ Hà Nội.
Theo Hiếu Công/ Zing News