Bên cạnh vàng, trên thị trường từ lâu còn giao dịch nhiều kim loại khác như bạc, bạch kim, iridium,... Hiện nay, giá vàng tại Việt Nam lẫn thế giới đang trong giai đoạn tăng cao kỷ lục. Ngày 23/4, giá vàng thế giới đạt mức 2.332 USD/ounce (gần 60 triệu đồng). Nhưng dù vậy, giá vàng cao cũng “chưa là gì” so với rhodium.
Hiện tại, giá của rhodium ở mức gần gấp đôi so với vàng, đạt 4.500 USD/ounce (khoảng 114, 5 triệu đồng) và luôn luôn là kim loại đắt nhất thế giới trong hàng chục năm qua, bỏ xa các "anh em" khác. Vào thời điểm kỷ lục, giá rhodium từng có lúc cao gấp 10 lần so với vàng.
Kim loại đắt đỏ nhất hành tinh
Rhodium là một kim loại màu trắng bạc thuộc họ bạch kim. Nó có chất lượng phản chiếu cao (lên tới 80% ánh sáng) và không bị xỉn màu. Rhodium không gây dị ứng, cứng hơn vàng và cực kỳ bền. Cái tên của nó bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp 'rhodon', có nghĩa là màu hoa hồng.
Sở hữu vẻ ngoài màu trắng bạc, trông giống bạc nhưng rhodium rất cứng, có nhiệt độ nóng chảy và khả năng chống ăn mòn cao. Nó có chất lượng phản chiếu cao (lên tới 80% ánh sáng) và không bị xỉn màu. Rhodium không gây dị ứng, cứng hơn vàng và cực kỳ bền. Là một kim loại quý nên nguồn tài nguyên rhodium trên trái đất tương đối ít so với các kim loại khác. Nó được phân bố chủ yếu ở Nam Phi, Nga và Canada.
Mặc dù nhu cầu về rhodium rất lớn, ứng dụng được trong nhiều ngành nhưng kim loại này rất hiếm vì nó không bao giờ được tìm thấy dưới dạng một khoáng chất đơn lẻ. Sản lượng sản xuất rhodium trên toàn cầu là khoảng 30 tấn mỗi năm, rất thấp so với các kim loại khác. Để so sánh, thế giới khai thác và sản xuất được 20 triệu tấn đồng, 63 triệu tấn nhôm mỗi năm. Do nhu cầu cao nhưng lại khan hiếm nên rhodium là kim loại quý đắt nhất thế giới.
Theo Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh, trong lớp vỏ Trái đất, rhodium chỉ tồn tại ở mức 0,000037 phần triệu, trong khi vàng tương đối dồi dào ở mức khoảng 0,0013 phần triệu.
Giá cao nhưng thị trường buôn bán ảm đạm
Dù là loại kim loại "sang chảnh" bậc nhất nhưng thị trường buôn bán rhodium chưa bao giờ quá nhộn nhịp như thị trường vàng hay cả các kim loại khác. Trong báo cáo tháng 5 năm 2023, công ty Nghiên cứu Thị trường Tương lai (MRFR) của Anh ước tính rằng thị trường rhodium dự kiến sẽ đạt 3,55 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng 4,39%.
MRFR lưu ý trong báo cáo của mình: “Vì rhodium là một kim loại quý và hiếm nên nhu cầu được dự đoán sẽ tăng trong vài năm tới khi ngày càng có nhiều người khám phá ra nhiều công dụng của nó”.
Tuy nhiên, việc quá đắt cũng lại là một điểm trừ cho thị trường buôn bán kim loại này bùng nổ. Báo cáo kết luận giá quá cao sẽ hạn chế sự tăng trưởng của thị trường do các nhà sản xuất quá e ngại về chi phí. Nhưng với tình hình nguồn cung ngày càng khan hiếm, mọi việc vẫn rất khó đoán.
Thị trường buôn bán rhodium phụ thuộc rất lớn vào ngành sản xuất ô tô. Đây là chất không thể thiếu để sản xuất bộ chuyển đổi xúc tác trên xe hơi. Hiện nay, các hãng sản xuất ô tô tiêu thụ khoảng 85% lượng cung rhodium trên toàn cầu. Nhu cầu tiêu thụ ô tô tăng nhanh trong những năm qua khiến nhu cầu Rhodium càng tăng mạnh, và thị trường càng trở nên khan hiếm.
Đắt đến nỗi không mấy ai dám dùng
Kim loại đắt đỏ này cũng đã được sử dụng làm lớp phủ cho đồ trang sức và đồ bạc từ những năm 1930. Tuy nhiên, từ trước đến nay rhodium chưa bao giờ được sử dụng để chế tác trang sức ngay cả khi nó có vẻ ngoài sáng bóng và rất đẹp. Lý do đơn giản là vì những chiếc vòng, nhẫn rhodium sẽ có giá thành quá cao, nguyên liệu cũng quá khó kiếm. Thế nên dù trông giống như bạc, rhodium chỉ được dùng để mạ bên ngoài chứ không được chọn làm nguyên liệu chế tạo trang sức vì thiếu tính thực tế.
Là kim loại quý đắt nhất thế giới nên những người “dám” sử dụng nó để mạ đồ trang sức cũng rất hiếm. Ví dụ quen thuộc nhất là vương miện của quân chủ nước Anh từng được phủ rhodium vào năm 1858 để thể hiện sự xa hoa và quyền lực cho vương triều.
Ngoài ra, đặc tính dẫn điện và tính ổn định của rhodium cũng được ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất điện tử. Các linh kiện như điện trở, bảng mạch, ổ cứng đều không thể thiếu được kim loại rhodium.
Rhodium cũng xuất hiện trong ngành hóa chất. Kim loại đắt nhất thế giới cần thiết trong quá trình tổng hợp các hợp chất alkyl, hợp chất epoxy và hợp chất aldehyd.
Theo Chi Phan/Nhịp sống Thị trường