Từ đầu tháng 3 Âm lịch, các thợ săn ở tỉnh Bắc Giang bắt đầu vào mùa săn trứng kiến. Trong ảnh: Anh Khổng Minh Sơn ở huyện Yên Thế đang chuẩn bị đồ nghề để vào rừng săn trứng.
Đồ nghề của thợ săn trứng kiến khá đơn giản, gồm câu liêm, một chiếc rổ và dao
Để săn trứng kiến, các thợ săn phải vào sâu trong rừng hàng chục km. Có chuyến đi, thợ săn phải đi cả ngày mới đến nơi.
Các tổ trứng kiến thường nằm trên những cây cao. Thợ săn phải trèo lên cây, rồi dùng câu liêm móc tổ trứng kiến rụng xuống.
Theo kinh nghiệm, các thợ săn trứng kiến phải đi săn vào ngày trời nắng. Khi hạ tổ kiến xuống gặp nắng to, kiến sẽ nhanh chóng tản ra ngoài. Trong tổ còn lại những hạt trứng trắng muốt như gạo. Nếu gặp hôm trời mưa, kiến nằm lỳ bên trong tổ, khó mà lấy trứng ra được.
Những tổ kiến mẩy (nhiều trứng) nhìn có màu đen bạc, bậu trên cành cây hơi trĩu xuống, lúc hạ xuống nâng lên thấy nặng tay.
Thợ săn dùng dao chặt nhỏ tổ trứng kiến để rũ trứng rụng xuống chiếc rổ.
Vào mùa trứng kiến, trung bình một thợ săn có thể thu về 3 - 4 cân trứng kiến/ngày
Trứng kiến trở thành một đặc sản ở nhiều huyện của tỉnh Bắc Giang như huyện Sơn Động, Yên Thế, Lục Nam. Hiện 1kg trứng kiến có giá khoảng 300 nghìn đồng. Một ngày, thợ săn trứng kiến có thể thu về tiền triệu.
Trứng kiến có vị ngọt, thơm, bùi ngậy nên có thể chế biến thành nhiều món ăn như xôi trứng kiến, chả trứng kiến.
Theo Nguyễn Thắng (Tiền Phong)