Khởi nghiệp chưa bao giờ là hành trình dễ dàng. Thậm chí, con đường đến với vinh quang còn trắc trở hơn với những người nhập cư, khi phải đối mặt với những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa.
|
Rosalie Guillem và con gái. |
Hành trình của Rosalie Guillem, một người phụ nữ nhập cư cũng đầy rẫy thử thách nhưng bà cho rằng, mỗi thách thức đều tiềm ẩn một cơ hội. Từ khi rời xa nước Pháp, bỏ lại sau lưng gia đình và sự nghiệp, chấp nhận tiêu hết số tiền tiết kiệm của bản thân để chinh phục giấc mơ Mỹ, bà đã hình dung ra phần nào những khó khăn đang chờ đợi phía trước.
Nhưng Guillem vô cùng kiên cường. Bà biết mình cần phải kinh doanh một thứ gì đó, để được đoàn tụ với gia đình và có một cuộc sống tốt hơn.
Tuy nhiên, bà không ngờ rằng một ngày kia, mình có thể trở nên giàu có bằng việc kinh doanh macaron, một loại bánh ngọt Pháp với chuỗi cửa hàng đình đám mang tên Le Macaron.
Ý tưởng kinh doanh xuất hiện bất ngờ
Khi nghĩ đến việc kinh doanh, Guillem đã quyết định mang một thứ gì đó vốn chỉ có ở Pháp đến nước Mỹ, nhằm tạo nên nét độc đáo cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, bà loay hoay suốt một thời gian dài mà không thể tìm ra những mặt hàng khả thi.
Thật bất ngờ, khi chồng bà qua Mỹ công tác, Guillem đã nhờ ông mua hộ vài chiếc bánh macaron để ăn cho đỡ thèm, ý tưởng kinh doanh loại bánh ngọt này cũng ra đời từ đó. Nghĩ là làm, bà liên kết với con rể, người đang theo học trường nấu ăn tại Pháp để tìm ra một công thức riêng biệt, độc đáo, chưa từng có trên thị trường.
|
Những chiếc bánh ngọt bé nhỏ, mang hương vị hấp dẫn từ nước Pháp. |
Tháng 9 năm 2009, bà khai trương của hàng bánh ngọt Le Macaron đầu tiên tại Sarasota, Florida. “Thời điểm đó, nền kinh tế nước Mỹ đang suy thoái. Các cửa hàng đều nghĩ đến việc thu hẹp mô hình kinh doanh, nhưng chúng tôi lại quyết định mở cửa hàng. Thú thật, tôi cũng có chút sợ hãi khi đánh cược với thời cuộc, nhưng may mắn vì đã thành công”.
Chính Guillem cũng không ngờ rằng loại bánh macaron lại gây sốt đến như vậy. Mọi người tiến vào cửa hàng và liên tục ngợi khen chúng. Họ thậm chí còn tán thưởng nhiều hơn sau khi thưởng thức hương vị tuyệt vời của chiếc bánh.
Ban đầu, khách hàng còn bỡ ngỡ, tưởng đây là chiếc hamburger cỡ nhỏ, nhưng sau khi được nhân viên giải thích và nếm thử, họ đều quay trở lại, thậm chí còn giới thiệu thêm bạn bè, người thân đến cửa hàng. Đây là điểm mấu chốt giúp Guillem kinh doanh thành công trên đất khách.
Phát triển bằng mô hình nhượng quyền
Với sự thành công của cửa hàng bánh ngọt Pháp Le Macaron đầu tiên, Guillem quyết định đón con gái và gia đình cô đến sinh sống, kinh doanh tại Mỹ. Sau khi con rể và con trai bà mở những cửa hàng bánh ngọt tiếp theo, nhiều người đề nghị bà nhượng quyền thương hiệu để loại bánh độc đáo này được biết đến nhiều hơn. Guillem đã đồng ý và phát triển mô hình kinh doanh này cho đến thời điểm hiện tại.
|
Cửa hàng xinh xắn của Le Macaron. |
Hiện tại, Le Macaron đã có 50 chi nhánh trên khắp cả nước. Họ vẫn liên tục thu hút khách hàng trên toàn nước Mỹ. Thực đơn cũng đã phong phú hơn với hơn 20 vị macarons, các loại bánh ngọt, thức uống thơm ngon.
Chia sẻ về thành công của Le Macaron, bà cho biết: “Bạn phải có niềm đam mê với sản phẩm của mình và sẵn sàng chia sẻ tình yêu đó với khách hàng. Hãy nỗ lực hết mình, thành công sẽ đến một cách tự nhiên”.
Theo Linh Lê/Dân Việt