Vu Quý Liên sinh năm 1969 tại huyện Thành Khẩu, tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc, gia đình là một hộ nông dân bình thường. Năm 1986, sau khi tốt nghiệp cấp 3, cô tới Hải Nam làm việc tại nông trường Đông Phong.
Tuy nhiên, do việc kinh doanh của nông trường không khởi sắc, cuối năm 1997, cô và chồng cùng quyết định thôi việc. Cuối năm 1998, cô vô tình đọc được một bài báo viết về nhện trên tạp chí khoa học. Trong bài còn kèm theo một số hình ảnh về nhện. Vu Quý Liên kinh ngạc nhận ra lũ nhện trong ảnh xuất hiện rất nhiều ở nông trường Đông Phong, Hải Nam. Những ngày còn làm việc ở đó, cô từng tìm thấy và đập chết rất nhiều con nhện lớn.
Hóa ra, đây là giống nhện ăn chim có chứa chất độc cực mạnh. Chúng được mệnh danh là “vua của thế giới nhện độc”. Loại nhện này và đặc biệt là nọc độc của nó có giá trị kinh tế và giá trị dược liệu cực cao.
Vì vậy, Vu Quý Liên bắt đầu nhen nhóm ý định làm giàu từ nhện. Một tối nọ, cô nói với chồng: “Em muốn tới Hải Nam bắt nhện độc. Nó có giá trị dược liệu cao như vậy, chắc chắn có thể bán được tiền. Nói không chừng đây là một cách phát tài mới”.
Ngày hôm sau, Vu Quý Liên mang theo cuốc, đeo găng tay da và bắt đầu công cuộc “làm giàu”. Cô lên núi và đào đất để tìm nhện. Nhưng đã vài ngày trôi qua mà Vu Quý Liên vẫn chưa bắt được con nhện nào. Chợt nhớ tới thông tin “nhện ra ngoài hoạt động vào buổi tối” đăng trên tạp chí, Vu Quý Liên quyết định săn nhện vào ban đêm. Trong vòng nửa tháng sau, cô đã bắt được hơn 60 con nhện độc.
Sau khi về quê nhà, Vu Quý Liên nhốt lũ nhện trong một cái hũ để nuôi. Nhưng ít lâu sau, lũ nhện bắt đầu chết dần, cuối cùng chỉ còn lại hơn 10 con. Trên đường đem nhện đi bán thử lại có thêm 2 con bị chết. Trước đó, một đơn vị nghiên cứu khoa học ở Hồ Nam đã liên hệ trước với Vu Quý Liên để mua lũ nhện. Họ đã mua 8 con nhện còn sót lại với giá 20 NDT/con (68.400 đồng).
Cầm tiền trong tay, Vu Quý Liên vô cùng kinh ngạc. Cô chính là người đầu tiên ở Trung Quốc dám bắt nhện độc bán lấy tiền. Thành công đầu tiên đã đem lại cho cô niềm tin khởi nghiệp.
Sau lần thứ 2 đi bắt nhện, Vu Quý Liên nhốt chúng vào hũ lớn đậy nắp gỗ có đục lỗ bên trên. Nhưng lần này, hơn 100 con nhện cô bắt được cũng bị chết dần. Để cải thiện tình trạng này, cô bèn mua hơn 100 thùng nhựa và bình có nắp để nhốt riêng từng con nhện. Kể từ đó, lũ nhện đã trở nên “ngoan ngoãn” hơn nhiều, không còn tình trạng chết không rõ nguyên nhân nữa.
|
Loài nhện ăn chim có chứa chất kịch độc. |
Giải quyết xong vấn đề sinh tồn cho lũ nhện, Vu Quý Liên bắt đầu đi tìm hiểu thị trường và biết được một số ngành và đơn vị trong nước cũng bắt đầu tiến hành khai thác và nghiên cứu nhện độc trên phương diện y học.
Vu Quý Liên liền nghĩ: nếu như nọc độc của nhện có giá trị dược liệu cao như vậy, sao không nghĩ cách để chiết xuất nọc độc ra ngoài? Như vậy, cô có thể mở ra một kênh thu nhập mới và hiệu quả hơn, đồng thời có thể cống hiến cho ngành y học nhân loại.
Nghĩ là làm, Vu Quý Liên lập tức bắt tay vào việc “chinh phục” lũ nhện. Cuối cùng, cô đã thành công ép chúng nhả nọc độc ra ngoài chỉ trong 2 phút. Sản phẩm nọc độc nhện nhanh chóng được bán hết sạch. Mùa hè năm 2003, sản phẩm này thậm chí còn được bán ra nước ngoài, gây chấn động cho các chuyên gia người Mỹ và nhiều nước khác.
Theo Hương Nguyễn/Dân Việt