Kiếm 450 triệu/tháng từ YouTube, Khá Bảnh đóng thuế bao nhiêu?

Google News

Cơ quan thuế tại địa phương cho biết không hề thu được tiền thuế từ "đại ca giang hồ mạng" Khá Bảnh dù Khá có mức thu nhập vào tháng cao nhất lên tới gần 450 triệu đồng.
 

Trao đổi với Zing.vn, ông Ngô Văn Chi, Chi cục trưởng Cục Thuế thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, cho biết với mức thu nhập rất lớn được chia từ YouTube, Ngô Khá Bảnh (tức Khá Bảnh) chưa từng đóng thuế thu nhập tại địa phương.
'Chưa từng đóng đồng thuế nào'
“Anh ấy chưa từng đóng đồng thuế nào tại địa phương. Việc Khá có đóng thuế hay không, chắc phải kiểm tra từ doanh nghiệp chi trả”, ông Chi nói.
Thực tế, việc quản lý và thu thuế với các cá nhân có thu nhập từ YouTube, Google hay Facebook... như Khá Bảnh từ lâu đã là vấn đề khó khăn với cơ quan quản lý.
Kiem 450 trieu/thang tu YouTube, Kha Banh dong thue bao nhieu?
Khá Bảnh khóc, nhắn 'anh em xã hội' đừng làm điều sai Nghe lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Ninh nhắc đến người mẹ, Khá Bảnh khóc và gửi lời nhắn nhủ bà giữ gìn sức khỏe. Khá Bảnh cũng nhắn "anh em xã hội" đừng làm điều sai trái. 
Tại Việt Nam, rất nhiều trường hợp có mức thu nhập hàng tỷ đồng mỗi tháng từ các nền tảng mạng xã hội này nhưng không hề thực hiện nghĩa vụ thuế.
Trước đó, tháng 8/2018, Cục Thuế TP.HCM từng thực hiện truy thu và phạt 4,1 tỷ đồng với một cá nhân. Theo đó, thanh niên này sở hữu mức thu nhập lên tới 41 tỷ đồng trên mạng Facebook, Google, YouTube... nhưng không kê khai và nộp thuế.
Đây cũng là lần đầu tiên một cá nhân ghi nhận thu nhập từ các nền tảng mạng xã hội nước ngoài bị truy thu thuế với số tiền lớn như vậy.
Theo lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM, các cá nhân nhận thu nhập từ tổ chức như Facebook, Google, YouTube... được xếp vào dạng cá nhân kinh doanh (chứ không phải cá nhân nhận tiền lương, tiền công).
Ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, thông tin không chỉ có 1-2 cá nhân nhận vài chục tỷ đồng từ Facebook, Google, YouTube... mà số lượng thực tế còn lớn hơn rất nhiều.
Theo luật, Khá Bảnh phải đóng thuế 7% tổng thu nhập
Theo quy định hiện nay, cá nhân có thu nhập từ kinh doanh mà doanh thu từ trên 100 triệu đồng/năm đều phải nộp thuế.
Và căn cứ theo biểu tỷ lệ % thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân tính trên doanh thu được quy định tại phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 92 của Bộ Tài chính, các trường hợp trên thuộc nhóm cung cấp dịch vụ.
Cụ thể, ngành dịch vụ có tỷ lệ % thuế giá trị gia tăng là 5%; tỷ lệ % thuế thu nhập doanh nghiệp là 2%.
Như vậy, những cá nhân như Ngô Khá Bảnh có nguồn thu nhập từ các nền tảng mạng xã hội nước ngoài phải đóng mức thuế tổng cộng 7% tổng thu nhập.
Như với trường hợp của Khá Bảnh, với mức doanh thu có tháng cao nhất lên tới gần 20.000 USD, tương đương 450 triệu đồng, số thuế cá nhân này phải đóng là gần 32 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, như lời lãnh đạo chi cục thuế địa phương, cơ quan quản lý chưa hề thu được tiền thuế từ cá nhân này.
Ngày 1/4 vừa qua, Khá Bảnh bị bắt giữ cùng 4 cá nhân khác vì liên quan đến việc đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Bước đầu, Khá Bảnh khai đã nhận được hàng trăm triệu để làm video đăng lên mạng.
Khá Bảnh cho biết mới chỉ được trả tiền mấy tháng gần đây cho những video đăng trên YouTube.
Thời gian đầu nhận được 7.000-8.000 USD/tháng, và tháng cao nhất được trả lên tới 19.500 USD.
Trước khi bị YouTube xóa, kênh video của Khá Bảnh đã chạm mốc 2 triệu người đăng ký với hàng chục triệu lượt xem mỗi tháng Kênh này do Phạm Tuấn sinh năm 2001, đàn em thân cận của Khá Bảnh quản lý.
Trả lời câu hỏi của Zing.vn về vụ việc Ngô Bá Khá (Khá Bảnh) liên tục tung các video tục tĩu, bạo lực và bị Công an tỉnh Bắc Ninh bắt giữ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng vụ việc Khá Bảnh là rất nguy hiểm, “cực kỳ không tốt” trên mạng xã hội hiện nay.
“Thủ tướng yêu cầu gay gắt quản lý những thông tin không đúng sự thật. Tôi thấy Bộ Công an xử lý vụ việc này là rất đáng mừng, bởi nó không thể chấp nhận được. Xã hội không chấp nhận được”, Bộ trưởng Dũng nói.
Theo Quang Thắng/Zing