“Nếu có kiến thức về nông nghiệp và trồng trọt sớm hơn, có lẽ tôi đã sống khác”.
Đó là suy nghĩ đầu tiên hiện lên trong đầu chị Anna Phan (tên thật Phan Thị Hoài Hương) khi chuyển đến thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia cách đây 4 năm.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, quê ngoại cách thủ đô vỏn vẹn 50 km nhưng chị chỉ về chơi chứ chưa bao giờ trải nghiệm cuộc sống của người nông dân hay tự tay trồng cây cối.
Bởi vậy, chị Anna không có lựa chọn nào khác ngoài sống ở thành thị - nơi mở mắt ra là khói bụi, ồn ào, quanh năm chỉ biết đến deadline và lo toan, bộn bề, hối hả. Với chị, cuộc sống như vậy có phần uổng phí.
May mắn, chị Anna có cơ hội thay đổi ở vùng đất mới.
|
Chị Anna Phan chỉ biết đến thú vui làm vườn khi cùng chồng trở lại Australia vào năm 2017.
|
Khi mới đặt chân tới nhà chồng, chị Anna choáng ngợp bởi không gian rộng lớn, đặc biệt là khu vườn 6.000 m2, được thiết kế theo phong cách English cottage garden (khu vườn kiểu Anh), nằm sát công viên Alfred Nicholas Garden, bao bọc quanh căn nhà cổ.
Hơn 10 năm chồng chị Anna làm việc ở châu Á, khu vườn không có ai chăm sóc, bị cây mâm xôi đen và cỏ dại “xâm chiếm”. Khi đó, tranh thủ hai con vẫn ở Việt Nam, chị bắt tay vào dọn dẹp nơi này.
Ròng rã 6 tháng, khu vườn dần hồi sinh, hàng trăm gốc hoa được giải cứu.
Sau đó, chị Anna bỏ tâm sức học hỏi từ chồng và đọc thêm trên Internet, quyết tâm khôi phục vẻ đẹp của khu vườn.
“Khu vườn cổ tích”
Đây là tên bạn bè đặt cho khu vườn của chị Anna bởi yếu tố lịch sử của ngôi nhà và cây sồi hơn 150 tuổi ở trung tâm vườn.
Theo lời người mẹ hai con, mùa xuân, lá cây màu hồng phớt nhẹ, rồi chuyển hồng đậm. Sang hè, lá đổi màu xanh và vàng rực rỡ vào mùa thu.
Xung quanh cây sồi, chị Anna chia ra các khu vực trồng hoa và cây cối phù hợp với từng mùa trong năm.
“Mùa xuân, tôi cảm giác như đang sống trong ngôi nhà nhỏ cổ tích khi xung quanh được bao phủ bởi hoa đỗ quyên, sơn thù du, trà, thủy tiên, mộc lan, weigela… Mùa hè thì rực rỡ với hàng trăm gốc cẩm tú cầu, hồng, oải hương… Mùa thu, khu vườn sáng bừng với màu vàng, đỏ bởi cây phong, sồi, bạch quả, hoa xô thơm... Đông đến là lúc cây cối trong vườn ‘ngủ’ nhưng vẫn có những nụ hoa hồng giáng sinh hé nở”, chị kể.
Chị nói thêm: “Một khu vườn đẹp là đẹp cả 4 mùa. Tôi tự hào vì làm được điều đó”.
|
Vườn nhà chị Anna được thiết kế theo phong cách English cottage garden với hàng trăm loài cây và hoa ôn đới tuân theo quy tắc đẹp cả 4 mùa; có hoa ở tầng cao, thấp; lá cây cũng mang màu sắc đa dạng.
|
Ngoài ra, cây cối trong vườn cũng được chia thành các tầng: dưới cùng là các loài mẫu đơn, thủy tiên, chuông xanh, tuyết điểm; ở giữa là mộc lan, trà, sơn thù du, kim ngân; các cây cao 3-4 m phía trên cùng.
Trong vườn, chị Anna thích nhất là góc trồng nhiều hồng David Austin đẹp nhất thế giới, mùi thơm như nước hoa, xen với oải hương, cẩm tú cầu.
Để khu vườn luôn rực rỡ, hàng năm, vợ chồng chị Anna chi 3.000-5.000 AUD để thay thế, mua mới cây trồng, đặc biệt là bổ sung các giống độc, lạ. Bên cạnh đó, chị tự nhân giống một số loài như oải hương, hồng, cẩm tú cầu, cúc để giảm bớt chi phí.
“Làm vườn mấy năm nay, tôi chưa bao giờ thấy hết việc bởi trồng cây không đơn giản chỉ là đào hố và đặt xuống. Đó là cả quá trình tính toán cẩn thận. Trước hết, phải lựa chọn vị trí, xem xét đặc tính của cây. Ví như hoa hồng là loại ưa nắng, trong khi cẩm tú cầu ưa bóng râm, chỉ cần nhận ánh nắng 4-6 tiếng/ngày. Việc phối hợp màu sắc trong vườn cũng rất quan trọng. Tôi không bao giờ trồng quá 5 màu trong cùng một khóm, mà chỉ thường trồng 3 màu để trông không bị loạn”, chị chia sẻ.
Mỗi năm, chị Anna lại học hỏi thêm được nhiều kiến thức mới về các loài cây, cách chăm sóc mỗi loại.
|
Chị Anna tự tìm tòi cách chăm sóc, nhân giống nhiều loại hoa trong vườn.
|
Bên cạnh khu trồng hoa, chị còn quy hoạch mảnh đất 500-600 m2 để trồng rau.
Chị Anna xây 5 garden bed cao khoảng 1 m, đổ đất vào, trát bê tông dưới đáy rồi mới trồng. Theo người mẹ hai con, cách làm này rất sạch sẽ, giúp nước không bị tràn ra ngoài khi tưới rau.
“Trồng rồi mới thấy để có rau, củ sạch cho cả nhà ăn cũng phải bỏ nhiều công chăm sóc và chiến đấu với các loài ốc, sâu, bọ. Vườn nhà tôi hiện có các loại rau như khoai tây, kinh giới, tía tô, mùi, hành, cải, cà chua và một số giống của nước ngoài. Mùa hè, rau đủ cho 4 người ăn nhưng mùa đông lạnh không trồng được”, chị kể.
Khu vườn cũng có một số cây ăn trái như táo, lê nhưng thường bị động vật kéo đến phá. Tuy nhiên thay vì đuổi chúng, chị Anna để tự nhiên bởi gia đình chị ai cũng yêu thiên nhiên và động vật.
|
Khoảng 3 năm trước, chị Anna xin được 15 hạt ngô trắng từ đồng hương người Việt vì không mua được giống ở ngoài. Từ đó, chị trồng thêm vụ và vừa thu hoạch 150 bắp sạch.
|
Chốn bình yên trong dịch
Chị Anna thừa nhận cuộc sống của chị thay đổi hoàn toàn từ khi biết đến thú vui làm vườn.
Trước đây, khi còn ở Việt Nam, chị có khoảng 20 năm làm việc ở ngân hàng, ngày qua ngày ngồi bàn giấy, tiếp xúc với con số khô cứng.
Hiện, chị làm việc online để phát triển thương hiệu làm đẹp ở thị trường Việt Nam. Còn lại, người mẹ dành thời gian chăm sóc gia đình, sống hòa mình với thiên nhiên.
“Với tôi, làm công việc tay chân vất vả hơn văn phòng nhưng có sự sáng tạo, không nhàm chán. Bởi trồng cây không đơn giản là cắm xuống đất mà phải biết tính toán, phối hợp. Làm vườn có thể mệt về thể chất nhưng đầu óc thoải mái”, chị nói.
Theo chị Anna, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, mọi người quan tâm hơn đến cuộc sống lành mạnh, gắn với cây xanh. Với chị, đây là xu hướng tốt vì cây cối có thể truyền cho con người năng lượng tích cực, giải tỏa căng thẳng.
Bên cạnh đó, tình cảm gia đình cũng được thắt chặt khi các thành viên cùng nhau trồng cây, làm vườn.
|
Các con của chị Anna được bố mẹ dạy cho cách trồng cây, chăm vườn và sống gần gũi thiên nhiên khi ở nhà tránh dịch.
|
Sống ở Melbourne - thành phố được mệnh danh là nơi phong tỏa lâu nhất thế giới với 6 lần (267 ngày) kể từ năm 2020, chị Anna nói nhờ gắn bó với khu vườn, gia đình chị bớt bí bách, căng thẳng.
“Những ngày không thể ra ngoài, các con tôi cùng bố mẹ làm vườn, chạy nhảy, tập thể dục, đạp xe, chơi bóng đá, quan sát nai, chim, thỏ. Trời mưa, cả nhà có thể ngồi nhìn ra cửa sổ, ngắm thành quả mình tự tay vun trồng. Đó là khoảng thời gian rất ý nghĩa khi các con tôi học thêm kỹ năng mới, bổ sung kiến thức về cuộc sống, mở rộng thế giới quan”, chị Anna kể.
Bên cạnh đó, theo chị, việc dạy các con sống hòa hợp với thiên nhiên giúp vợ chồng chị được gần gũi con nhiều hơn, đồng thời giúp con hiểu thêm giá trị của lao động và sự cố gắng.
|
Chị Anna cho biết cuộc sống chị thay đổi hoàn toàn từ khi biết đến thú vui làm vườn.
|
“Thay vì cuộc sống náo nhiệt nơi đô thị, các con tôi có thể chọn gắn bó với vườn tược, tận hưởng cuộc sống an yên, trọn vẹn. Từng bước, các con có thể hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và sự gắn kết trong gia đình”, chị Anna nói.
“Vì đơn giản, tôi muốn các con có nhiều hơn một sự lựa chọn”, người mẹ chia sẻ thêm.
Theo Thiên Nhi /Zing