Với nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ, loài cóc với ngoại hình xấu xí luôn là một nỗi ám ảnh. Nhưng nếu biết được giá trị kinh tế khổng lồ của nó, có lẽ bạn sẽ hết sợ chúng ngay lập tức.
Lớp da của cóc mỏng tang, sần sùi và có phần ghê rợn thực tế chính là một dược liệu vô cùng đắt đỏ ở Trung Quốc. Hàng năm từ tháng 6 đến tháng 9, cóc có thói quen lột xác, thường là vào ban đêm. Con cóc cũng sẽ lột da khi đói, chẳng hạn như khi mùa đông đang đến gần, nó sẽ nuốt chửng lớp da đó để có thể sống sót qua mùa đông.
Theo ghi chép của Lý Thời Trân (nhà thực vật học và dược học nhà Minh, tác giả của Bách khoa toàn thư về thảo dược Trung Quốc), da cóc chính là phần chứa đựng tinh hoa của cơ thể cóc, có công dụng giải độc, giảm sưng tấy, chống u bướu.
Một bộ da cóc vốn mỏng nên rất nhẹ, chỉ khoảng 0,3g. Nghĩa là phải thu thập hàng nghìn bộ da cóc mới gom đủ 1kg. Tuy nhiên, việc thu thập một tấm da cóc hoàn chỉnh trong tự nhiên là vô cùng khó. Giá trị của một tấm da cóc cũng sẽ thay đổi dựa vào độ hoàn chỉnh của nó.
Những tấm da cóc hoàn chỉnh, chất lượng tốt có thể bán với giá từ 40.000 NDT (132 triệu đồng)kg. Với những tấm da bị lỗi, giá của nó sẽ chỉ còn từ 6.000 - 10.000 NDT (19,7 - 32,9 triệu đồng)/kg. Và nếu tấm da cóc hoàn chỉnh được chế tác thành tác phẩm nghệ thuật thì giá của nó có thể tăng gấp đôi.
Tuy nhiên, số lượng da cóc tìm thấy trong tự nhiên vô cùng ít ỏi. Một phần vì chúng có thói quen lột da khi đói, sau đó ăn luôn lớp da này. Ngoài ra, da cóc nếu rơi xuống sông sẽ trở thành một lớp keo lỏng trong suốt, rất khó để nhận biết. Chưa kể, cóc thường lột da vào ban đêm hoặc rạng sáng - thời điểm mà con người ít xuất hiện nên khả năng bắt gặp “kho báu” càng ít hơn. Cộng thêm việc loài cóc bị con người săn bắt liên tục, số lượng cóc trong tự nhiên cũng dần suy giảm.
Ngoài da cóc, ở Việt Nam, thịt cóc và nhựa cóc cũng là những mặt hàng có giá trị kinh tế cao, được dùng làm dược liệu trong y học cổ truyền.
Theo baijiahao