|
Nhiều người trẻ sẵn sàng đầu tư cải tạo nhà thuê mặc cho không ở trong thời gian dài. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
|
3 năm qua, Nguyễn Tín Thống (31 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) chuyển nhà thuê 3 lần. Gắn bó với mỗi nơi ở không quá lâu, song anh đều có nhiều kỷ niệm bởi tự tay sơn tường, thay sàn nhà và sắm sửa nội thất mới.
"Tôi phấn đấu nhiều năm nhưng không biết đến khi nào mới mua được nhà ở thành phố. Bởi vậy, thay vì chờ đợi, tôi quyết định đầu tư cho phòng trọ để có không gian sống thoải mái", anh chia sẻ với Zing.
Theo Thống, mỗi căn phòng được anh đầu tư khoảng 30 triệu đồng để "lột xác" cả nội và ngoại thất, sau đó phân chia thành khu vực nghỉ ngơi, ăn uống cũng như góc làm việc tại gia.
Ở nhà thuê cũng cần đẹp
Nơi trọ đầu tiên mà Tín Thống cải tạo là một căn hộ trên tầng thượng tại quận Bình Thạnh. Để lấy được nhiều ánh sáng tự nhiên, anh quyết định sử dụng kính cường lực bao quanh hết 3 phần của sân thượng.
"Nhiều người ngại thuê phòng trên sân thượng vì nắng nóng. Tuy nhiên, tôi lại thích không gian này nhất vì có tầm nhìn thoáng rộng", anh cho hay.
Ở một góc tường, Thống dán tranh trang trí và đặt nệm làm chỗ nghỉ ngơi. Vị trí mà anh tâm đắc nhất là bàn làm việc kiêm vẽ tranh có thể ngắm quang cảnh thành phố. Chiếc bàn chữ L không chân được gắn vào tường nên vừa rộng rãi, vừa có thể tận dụng không gian phía dưới bàn.
|
Căn phòng trên sân thượng được lắp cửa kính cường lực để lấy sáng và ngắm cảnh.
|
Đến căn nhà thuê thứ 2, đã có kinh nghiệm cải tạo, Thống có thể lên ý tưởng nhanh hơn và hoàn thiện trong thời gian ngắn.
Căn phòng ban đầu đã xuống cấp khá nhiều với chân tường ẩm mốc, hệ cửa cũ kỹ, không thể sử dụng. Bởi vậy, anh tốn khá nhiều công sức để xử lý phần ẩm mốc, sơn toàn bộ tường màu trắng và thiết kế vách thạch cao ngăn với nhà hàng xóm.
Lô gia của căn nhà được chuyển đổi công năng thành khu bếp. Khu vực bồn rửa chén cũ được bỏ đi và làm mới bằng dán giấy dán tường vân mây. Ngoài ra, anh bố trí thêm một chiếc gương trang trí tạo cảm giác rộng rãi.
Thậm chí, Thống còn sửa sang cả lối đi chung nên khiến nhiều người ngạc nhiên, không ngờ người đi thuê trọ cũng có thể đầu tư chỉn chu đến vậy.
|
Lô gia cũ được cải tạo thành góc bếp nhỏ nhắn với đầy đủ công năng.
|
Tương tự Tín Thống, Trang Đoàn (25 tuổi, TP.HCM) cũng có sở thích "làm đẹp" cho nhà thuê, mặc cho không gắn bó quá lâu dài.
"Mỗi lần chuyển đến nơi ở mới, tôi đều dành khoảng 30-50 triệu đồng để tân trang phòng trọ", Trang nói.
Sau khi chuyển ra sinh sống một mình, cô thuê một căn phòng 24 m2 có ban công rộng, thoáng để vừa ở, vừa làm studio chụp ảnh. Ngày đầu Trang đến nhận phòng, đồ đạc đều cũ và bám bụi. Quá trình cải tạo của "tay mơ" trở nên không hề dễ dàng.
"Tôi và 3 người bạn dành riêng 2 tuần mới xử lý xong lớp giấy lục dán kính. Chúng tôi vừa cạo vừa than đau vì sưng và đứt tay", Trang kể lại.
Căn phòng nhỏ được cô trang trí theo phong cách du mục (Bohemian) với tông màu ấm, chất liệu gỗ và nhiều cây xanh. Khu vực ban công được trải thảm, đặt thêm gối và trồng cây để biến thành góc đọc sách, ngắm cảnh vào buổi tối.
|
Cô đầu tư nhiều đồ trang trí và phụ kiện để phù hợp với phong cách du mục.
|
Sinh hoạt tại căn phòng trọ đầu tiên không lâu, Trang chuyển đến nơi ở thứ hai và cũng đầu tư trang trí theo phong cách tương tự. Lần này, cô không phải sửa sang phần cứng nhiều mà chỉ dán simili lót sàn để trông sạch sẽ hơn.
Phòng có phần tường ốp gỗ sẵn. Ban đầu, Trang nghĩ đây là ưu điểm của căn phòng, nhưng khi thực hiện mới thấy khó khăn vì màu gỗ khá tối, phối màu khó và hơi lệch tông so với phong cách du mục.
Để cân bằng lại màu sắc, cô chọn ga trải giường, màn theo tông màu trắng. Các vật dụng khác có màu gỗ sáng hơn so với tường nên tổng thể khá hài hòa, cân đối. Một vài đồ nội thất như kệ, xích đu, cây cào móng cho mèo đều do Trang tự làm để tiết kiệm chi phí.
|
Phòng của Trang Đoàn có ban công rộng rãi và dàn cây leo tạo cảm giác thơ mộng.
|
Trong khi đó, Nhã Uyên (TP.HCM) chủ yếu đầu tư vào đồ nội thất rời để có thể tiện mang đi khi chuyển phòng.
"Mức đầu tư cao nhất của tôi là 35 triệu đồng cho một lần cải tạo phòng trọ", cô cho hay.
Sau khi nhận phòng, Uyên bắt tay vào sơn lại tường và dán decal cửa kính. Cô cũng hào hứng lên các sàn thương mại để sắm đồ trang trí và đồ điện tử như tủ lạnh, quạt tháp hơi nước, TV và loa.
Rủi ro chủ đòi nhà, vận chuyển khó khăn
Chủ nhà đầu tiên rất ủng hộ việc Tín Thống sửa lại căn phòng trên sân thượng, thậm chí còn có ý định làm hợp đồng lâu dài với anh. Tuy nhiên, sau 2 năm, anh đành ngậm ngùi chia tay căn phòng cũ.
"Sau khi dịch bệnh kết thúc, chủ cũ của tôi gặp khó khăn nên quyết định bán nhà. Tôi khá tiếc nuối vì đã bỏ nhiều tâm huyết sửa sang lại căn phòng", Thống chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc chuyển đồ đạc và tìm phòng mới cũng mất rất nhiều thời gian và tốn công sức. Vì đồ dùng nhiều nhưng chỉ có một mình, Tín Thống quyết định thuê dịch vụ trọn gói với chi phí khoảng 2 triệu đồng.
Không may mắn như Tín Thống, Nhã Uyên bị chủ cũ lấy lại phòng khi mới ở được chưa đầy nửa năm.
"Sau khi ở được vài tháng, chủ cũ của tôi tỏ ra khó chịu, cắt Wi-Fi, gắn camera theo dõi chiếu thẳng vào trong phòng. Họ thông báo lấy lại phòng nhưng không có lý do cụ thể. Tôi bất bình nên đồng ý đi luôn", Uyên cho hay.
Gặp trải nghiệm không vui nhưng khi chuyển đến căn phòng mới, cô vẫn bắt tay vào sửa sang, trang trí.
"Quá trình này mang đến cho tôi nhiều niềm vui nên dù gặp rủi ro, tôi vẫn thích trang hoàng nhà thuê", cô thừa nhận.
|
Căn phòng gọn gàng, đầy đủ tiện nghi của Nhã Uyên.
|
Còn Trang Đoàn muốn tiết kiệm chi phí vận chuyển đồ nên cô thường nhờ bạn bè phụ giúp.
"Quá trình chuyển trọ luôn là khâu vất vả nhất. Tôi đã chở bớt đồ bằng xe máy, nhưng vẫn phải thêm 2 chuyến xe ba gác mới vận chuyển hết. Đối với tôi, trang trí nhà không mệt, vất vả nhất là quá trình chuyển nhà", Trang tâm sự.
Theo Bích Ngọc/Zing