1. Jeremejevite
Jeremejev là tinh thể màu lam thuần khiết tuyệt đẹp, được xếp vào hàng những loại ngọc hiếm hoi nhất trên thế giới. Tinh thể này được đặt theo tên của nhà khoáng vật học người Nga Pavel Jeremejev sau khi ông phát hiện ra nó vào năm 1883, tại Namibia.
Trong tự nhiên, khoáng vật này còn có màu vàng nhạt hoặc không màu, và ở hình dạng thuôn dài hình tháp. Nó cũng đã từng bị nhầm với ngọc biển Aquamarine trong quá khứ.
Vào đầu năm 2005, một viên Jeremejev nặng 2,93 cara được rao bán trên mạng với giá 2.000 đôla Mỹ/cara (tương đương với 42 triệu VND/cara).
2. Ngọc lục bảo Alexandrite
Alexandrite nổi tiếng với đặc tính quang học kỳ lạ khi có thể đổi màu tùy thuộc vào ánh sáng xung quanh. Với mỗi góc nhìn khác nhau, bạn sẽ thấy loại đá quý này sở hữu những màu sắc tuyệt đẹp khác nhau.
Nếu ở dưới ánh sáng Mặt trời tự nhiên, loại đá này sẽ có màu xanh lục nhạt nhưng khi đặt dưới ánh sáng bóng đèn dây tóc, nó sẽ chuyển màu đỏ tím.
Alexandrite thuộc cùng một họ đá quý với ngọc lục bảo. Đặc tính biến đổi màu sắc của Alexandrite có được là nhờ sự kết hợp cực kỳ hiếm hoi của các khoáng chất bao gồm titan, sắt và crôm.
Hầu hết các viên đá Alexandrite đều khá nhỏ, dưới một carat. Với những viên từ một carat trở lên, giá thành của chúng dao động từ 50.000 đến 1.000.000 USD/carat ( từ 1 - 21 tỷ VND).
3. Ngọc mắt mèo đen (Black Opal)
Ngọc mắt mèo đen là loại có giá trị nhất trong tất cả các loại ngọc mắt mèo, hơn hẳn Opal lửa và Opal trắng.
Điều làm nên sức hấp dẫn của loại đá này là mỗi viên đá lại sở hữu một vẻ đẹp hoàn toàn riêng biệt và hội tụ đầy đủ màu sắc của những loại đá quý khác cộng lại. Và mặc dù khoáng chất tạo nên loại đá này có ở khắp nơi trên trái đất nhưng để tìm được một viên đá Opal đạt chất lượng đá quý cũng khó như tìm kim đáy bể.
Hiện 97% lượng đá mắt mèo trên thế giới đến từ các mỏ khai thác tại Australia. 3% còn lại đến từ Mexico. Cấu trúc bên trong của ngọc mắt mèo có khả năng tán xạ ánh sáng tạo nên vầng quang phổ màu sắc rất đẹp.
Mỗi viên đá có hiệu ứng tán xạ khác nhau và khi quan sát từ các góc khác nhau, chùm màu sắc này lại thay đổi.
Đá mắt mèo đen chứa ít nước hơn và ít bị rạn nứt hơn loại sáng màu. Do màu đen đặc trưng nên đá mắt mèo đen có thể dễ dàng phân biệt với các loại đá khác, tuy nhiên chỉ có các phương pháp kiểm định khoa học mới xác định được viên đá nào là tự nhiên, chưa qua xử lý và viên đá nào là nhân tạo và đã qua xử lý.
4. Ngọc lục bảo Beryl đỏ
Viên Beryl đỏ quý hiếm này chủ yếu được khai thác ở dãy Thomas và núi Wah Wah ở tiểu bang Utah (Mỹ) và một số nơi ở Mexico.
Tại những nơi này, người ta tìm thấy Beryl đỏ trong khoáng Rhyolite, nơi những viên ngọc được kết tinh ở mức áp suất vô cùng thấp và nhiệt độ cực kỳ cao, dọc các khe nứt và lỗ hổng chứa magma của núi lửa.
Có thể nói, trên thế giới rất khó có thể tìm thấy mẫu khoáng vật quý hiếm được cắt mài tự nhiên như viên ngọc Beryl đỏ này.
5. Painite
Được phát hiện lần đầu tiên bởi nhà khoáng vật học người Anh Arthur C.D. Pain vào thập niên 50 ở Myanmar, trong nhiều năm, Painite luôn là đứng đầu bảng danh sách đá quý hiếm nhất thế giới với chỉ 2 mẫu đá được tìm thấy.
Cho đến năm 2005, các nhà khoa học vẫn chỉ tìm thấy được 25 mẫu đá Painite trên hành tinh. Bởi vậy, sách kỉ lục Guinness đã công nhận Painite là loại khoáng sản quý hiếm nhất trên thế giới vào năm 2005.
Ngày nay, Painite không còn hiếm có như trước nữa. Người ta đã tìm ra một mỏ khoáng sản Painite tại Myanmar - nơi được coi là nguồn gốc sinh ra loại đá này.
Tuy nhiên Painite vẫn đứng trong danh sách những loại khoáng sản quý hiểm nhất trên trái đất. Vì thế mà giá của Painite khá lớn - khoảng 60.000USD/carat (khoảng 1,248 tỷ VND).
6. Ngọc hồng lựu màu lam
Trên thế giới hiện nay, ngọc hồng lựu được tìm thấy với rất nhiều màu sắc như đỏ, cam, hồng, vàng, lục, tím, nâu, đen và không màu. Trong đó, ngọc hồng lựu màu lam là hiếm nhất, được phát hiện vào cuối những năm 1990 ở Bekily, Madagascar.
Và một số nơi khác tại Mỹ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Viên ngọc này có khả năng đổi màu từ lục pha lam dưới ánh sáng mặt trời sang màu tím dưới ánh sáng của đèn dây tóc.
Có hiện tượng này là vì trong thành phần ngọc hồng lựu lam có chứa nhiều khoáng chất Vanadi – một kim loại hiếm có màu xanh, bạc, xám. Năm 2003, viên hồng lựu lam nặng 4,2 cara được bán với giá 6,8 triệu đôla Mỹ.
7. Grandidierite
Khoáng chất quý hiếm màu lục phớt lam này được tìm thấy chủ yếu ở bán đảo Madagascar và được đặt theo tên của nhà thám hiểm, sử học gia tự nhiên người Pháp - Alfred Grandidier.
Giống như Alexandrite, đá Grandidierite có thể đổi màu. Nó có thể chuyển từ màu nước biển sang xanh lá cây hoặc là trắng. Với chỉ khoảng vài trăm viên đá còn tồn tại, giá của Grandidierite lên đến trên 20.000 USD/carat (khoảng 420 triệu VND).
8. Ngọc long Serendibite
Viên ngọc có công thức hóa học phức tạp khác thường gồm canxi, magiê, nhôm, silicon, boron và oxy này là loại khoáng vật màu xanh (cyan), có nguồn gốc từ Sri Lanka.
Cho đến nay, trên thế giới chỉ mới có 3 viên Serendibite cắt giác được tìm thấy, với khối lượng lần lượt là 0,35 cara, 0,55 cara và 0,56 cara.
Hai viên đầu tiên được phát hiện bởi chuyên gia đá hiếm D. P. Gunasekera, sau đó được giáo sư người Thụy Sĩ E. J. Gübelin mua lại. Trong đó, viên nhỏ nhất được tính với giá 1,43 triệu đôla Mỹ/1Cara.
9. Ngọc bích đổi màu (Jadeite)
Jadeite – ngọc bích đổi màu hay còn gọi là Phỉ Thúy - một khoáng chất pyroxen thường có màu như màu táo xanh, xanh ngọc lục bảo, xanh tỏi tây hoặc xanh nhạt.
Tương truyền đây là loại đá quý mà lúc sinh thời Từ Hy Thái Hậu vô cùng si mê. Khác với cẩm thạch (jade), ngọc bích đổi màu (jadeite) vẫn được xem là loại bảo thạch kỳ bí, hiếm có và đắt tiền nhất còn tồn tại cho tới ngày nay, viên đá nào có màu sắc càng sống động, khả năng đổi màu thì càng đắt.
Những viên jadeite có chất lượng tốt nhất được tìm thấy ở Myanmar, các viên có chất lượng thấp hơn rải rác ở Guatemala, Nga, Nhật Bản và California.
Viên ngọc jadeite đắt tiền nhất đã được đem bán đấu giá tại nhà đấu giá Christies vào năm 1997 có giá tới € 6,866,000. Đó là chuỗi vòng cổ “Doubly Fortunate” được kết từ 27 viên ngọc jadeite đường kính khoảng 5mm.
Theo Lily/Gia đình & xã hội