Mới đây, Liên danh Kumho – Hyundai phản ánh MB Bank chi nhánh Phú Nhuận đã vi phạm những cam kết bảo lãnh đã ký kết với Kumho – Hyundai. Sau nhiều lần liên danh yêu cầu MB Bank thực hiện cam kết nhưng 2 bên chưa tìm được tiếng nói chung.
Cụ thể, Liên doanh Kumho – Hyundai là một nhà thầu trong Dự án Xây dựng tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Gói thầu CW2 tại tỉnh Kiên Giang.
|
Ảnh minh họa. |
Trong quá trình thực hiện xây dựng dân dụng, Liên doanh Kumho – Hyundai có một giao dịch với ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB Bank) liên quan đến Bảo lãnh thực hiện hợp đồng và Bảo lãnh thanh toán tạm ứng do Nhà thầu phụ cung cấp để đảm bảo việc Nhà thầu phụ thực hiện nghiêm túc các trách nhiệm và nghĩa vụ của mình theo Hợp đồng thầu phụ.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Hợp đồng thầu phụ, Nhà thầu phụ đã không đảm bảo tiến độ của hợp đồng và không hoàn thành những cam kết của mình.
Vì lý do này, dựa trên Các Bảo Lãnh và quy định pháp luật Việt Nam, Liên doanh Kumho – Hyundai đã gửi yêu cầu thanh toán vào ngày 23/07/2019 để yêu cầu MB Bank thanh toán các khoản tiền bảo lãnh.
Do không nhận được phản hồi nào từ MB Bank dù đã quá thời hạn thanh toán, Kumho – Hyundai tiếp tục yêu cầu MB Bank thực hiện nghĩa vụ của mình. Sau đó, mặc dù Liên doanh Kumho – Hyundai đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu, MB Bank vẫn không thanh toán các bảo lãnh.
Trong các văn bản trả lời liên danh Kumho – Hyundai, đại diện MB Bank chi nhánh Phú Nhuận cũng đưa ra nhiều lý do cho việc chậm thanh toán. Thế nhưng, nhà thầu không đồng tình với giải thích của MB Bank.
Trên thực tế, ngân hàng này từng vướng không ít lùm xùm, gây xôn xao dư luận.
MBBank bị lỗi hệ thống, khách hàng lợi dụng rút hàng trăm tỷ đồng
Sáng 8/1/2020, trên mạng xã hội lan truyền một loạt thông tin cho rằng MB Bank đang gặp lỗi hệ thống và có thể thất thu hàng trăm tỷ đồng.
|
Ảnh: Người đưa tin. |
Thậm chí, một số đồn đoán rằng nhân lỗi hệ thống này, khách hàng đã rút một số lượng lớn tiền để mua đồ công nghệ tại hệ thống cửa hàng của FPT, Thế Giới Di Động, và thậm chí là mua hẳn Mercedes Maybach S600 có giá gần 15 tỷ đồng.
Trước tin đồn này, ngày 10/1, đại diện ngân hàng MB Bank cho biết, ngày 8/1/2020, một số khách hàng cá nhân sử dụng thẻ rút/thanh toán/chi tiêu vượt quá số dư/hạn mức thẻ của MB cấp cho khách hàng.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, MB đã thực hiện phong tỏa tài khoản thẻ của nhóm khách hàng này và yêu cầu hoàn trả các khoản đã chi tiêu vượt hạn mức theo đúng quy định pháp luật. Sự cố này không gây ảnh hưởng đến MB Bank cũng như tài sản của khách hàng khác tại ngân hàng.
Video: Triệt phá ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tiền từ ngân hàng. Nguồn: VTV24
Khách hàng lo “mất Tết” khi sử dụng dịch vụ của MB Bank
Đầu tháng 2/2019, theo thông tin trên báo Dân Sinh, không ít khách hàng của MBBank bức xúc phản ánh về việc ngân hàng này trừ tiền trong tài khoản của khách hàng sau khi khách hàng đã thực hiện đầy đủ các cú pháp (thủ tục) chuyển tiền tới số tài khoản khác. Thế nhưng sau một khoảng thời gian dài, phía người nhận vẫn... chẳng thấy tiền chuyển đến.
|
"Nạn nhân" của MBBank tố trên mạng xã hội. Ảnh: Baodansinh. |
Khi trao đổi với phóng viên, chị N.T.H - một trong những khách hàng của MBBank rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười” trên cho biết: “Tôi chuyển khoản qua dịch vụ của MB Bank sang số tài khoản khác. Một phút sau đó đã thấy tin nhắn thông báo chuyển tiền thành công nhưng nhiều giờ sau tài khoản ngân hàng kia vẫn chưa nhận được tiền. Không hiểu vì lý do gì mà phía ngân hàng đã trừ tiền mà vẫn không chuyển tiền cho người thân của tôi. Công việc cuối năm thì nhiều, em tôi thì đang cần gấp số tiền đó”.
Vướng ồn ào cùng Nhật Cường Mobile
Sáng 9/5/2019, nhiều cảnh sát thuộc các lực lượng của Bộ Công an tiến hành khám xét trụ sở Công ty TNHH Kỹ thuật Dịch vụ Nhật Cường (Nhật Cường Mobile) tại địa chỉ tầng 4-5-6 số 7 Trần Phú, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Vụ việc khiến người tiêu dùng thật sự bất ngời bởi Nhật Cường Mobile vốn được biết đến giá bán rẻ hơn so với các cửa hàng khác.
Đáng chú ý, thông tin trên Nhà đầu tư cho biết, quá trình hoạt động của Nhật Cường luôn có "bóng hình" của MB Bank, đặc biệt là dòng vốn tín dụng của ngân hàng này. Đồng thời, MBBank cũng là ngân hàng duy nhất luôn đồng hành cùng Nhật Cường.
Từ năm 2011, Nhật Cường và vợ chồng ông chủ là Bùi Quang Huy đã ký nhiều hợp đồng vay vốn với MBBank. Các giao dịch chủ yếu ở Chi nhánh Ba Đình. Theo đó, tài sản đảm bảo là nhiều xe sang như Bentley, LandRover, Lexus hay căn nhà rộng 694 m2 tại 151 Thuỵ Khê, Tây Hồ.
Tháng 10/2017, Nhật Cường liên danh cùng Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đông Kinh thế chấp quyền đòi nợ từ Hợp đồng kinh tế 01-2016/HĐKT/HAPI-NC-DKC ngày 26/12/2016 về việc thực hiện gói thầu số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội của Sở Kế hoạch và Đầu tư - năm 2016 tại MBBank Ba Đình.
Tới đầu tháng 11/2018, tại MB chi nhánh Ba Đình, vợ chồng ông Huy đã thế chấp 90% vốn điều lệ của Nhật Cường có mệnh giá 34,2 tỷ đồng để vay vốn.
Sau đó, trả lời báo Hoà Nhập, MB Bank cho biết: “Liên quan đến hoạt động tín dụng giữa MBBank và khách hàng Công ty TNHH TM và DV kỹ thuật Nhật Cường, việc cấp tín dụng được MBBank thực hiện đúng theo quy trình và quy định hiện hành. Khoản vay này còn được đảm bảo bởi BĐS (Bất động sản – PV), HĐTG (Hợp đồng tiền gửi – PV), phương tiện vận tải. Trong quá trình vay vốn ngân hàng khách hàng trả nợ đầy đủ, đúng hạn”.
MBBank bị doanh nghiệp "tố" quá o ép dẫn tới phá sản
Theo Dân Việt, hồi tháng 5/2019, Công ty CP tích hợp hệ thống CTS gửi văn bản cầu cứu tới toà án nhân dân quận Đống Đa, TP.Hà Nội về việc kiến nghị hỗ trợ giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình hợp tác tài chính ngân hàng và xử lý tài sản đảm bảo. Trong đó, Công ty CTS “tố” bị ngân hàng Quân đội o ép dẫn tới phá sản.
Theo đơn phản ánh, năm 2014, Công ty CTS có nhận Tổng thầu thi công lắp đặt hệ thống cơ điện cho dự án 8B Lê Trực của chủ đầu tư Công ty CP May Lê Trực thuộc Tập đoàn Kinh Đô với tổng giá trị hợp đồng khoảng 100 tỷ đồng.
|
Ảnh: Antt. |
Để thi công được gói thấu này, trong quá trình thực hiện ngân hàng MB Bank có phát hành cho CTS bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tạm ứng đồng thời có tài trợ cho công ty vay 4,1 tỷ đồng, hình thức cho vay là sử dựng quyền đòi nợ từ dự án và các tài sản khác của doanh nghiệp. Ước tính đến thời điểm đó, theo định giá của AMC là khoảng 9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện do công trình ở Lê Trực hiện tại vẫn chưa hoàn thành quá trình xử lý vi phạm để công trình đưa vào quá trình sử dụng.
Do vậy, nhà thầu rất khó khăn trong khâu nghiệm thu thanh toán. Tại thời điểm đó, ngân hàng Quân Đội đã dừng toàn bộ các khoản tài trợ tín dụng đã kí với nhà thầu và không đồng ý gia hạn nghĩa vụ bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tạm ứng cho dự án.
Công ty CTS cho rằng, đơn vị làm ăn rất nghiêm túc và có quá trình hợp tác 5 năm với MB Bank chi nhánh Điện Biên Phủ và cũng được chủ đầu tư Kinh Đô giao thêm nhiều gói thầu khác.
Tuy nhiên, đúng thời điểm khó khăn đó MB Bank đã đẩy Công ty CTS vào tình thế cực kì khó khăn, hồ sơ thanh toán không nghiệm thu được vì hết hiệu lực bảo lãnh, ngân hàng không tài trợ như cam kết để thúc đẩy hoàn thiện dự án...
Tờ An ninh tiền tệ cho hay, nói về việc bị doanh nghiệp "tố" quá o ép dẫn tới phá sản, MB Bank cho rằng, họ chỉ đang thực hiện đúng nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng giữa 2 bên.
Hoàng Minh (tổng hợp)