Chị Hồ Thị Thanh Thảo ở huyện Krông Búk - Đắk Lắk chia sẻ trước khi xây dựng cho mình một thương hiệu riêng về các sản phẩm yến sào để cung ứng ra thị trường như hiện nay, chị đã trải qua nhiều thách thức, khó khăn khi bắt đầu.
Thanh Thảo từng học Cao Đẳng y tế Bình Dương, nhưng vì một số lý do gia đình nên đã nghỉ học giữa chừng khi đang học năm thứ 2. Sau khi nghỉ học, chị đã bươn trải qua nhiều công việc khác nhau như làm phụ quán, công nhân, nhân viên bán hàng, trước khi vào học nghề và làm việc tại một xưởng về sơ chế và chế biến yến sào tại TP HCM.
Cô gái trẻ cho biết bắt tay khởi nghiệp với số vốn chỉ 80 triệu đồng.
Sau hai năm làm việc tại đây, được chủ xưởng tin tưởng và chia sẻ về những kinh nghiệm trong nghề đầu năm 2019, Thảo quyết định cùng gia đình nhỏ của mình về quê nhà tại Krông Búk - Đắk Lắk để mở một xưởng nhỏ với quy mô 5 nhân công với số vốn vỏn vẹn 80 triệu đồng trong tay.
Thảo cho biết, trong những ngày đầu khởi nghiệp đã đối mặt với hàng loạt khó khăn bởi xưởng của cô hoạt động nhờ vào việc nhận hàng gia công cho các đầu mối. Trong khi đó, với số vốn ít, nhân công không ổn định do làm việc theo mùa vụ nên thu nhập trong thời gian đầu khá bấp bênh.
Dù đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức nhưng cô gái trẻ vẫn nỗ lực duy trì hoạt động của xưởng gia công. Bên cạnh đó, cô cũng tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đọc thêm các tài liệu hướng dẫn về sơ chế, chế biến, tham quan những mô hình chế biến yến sào để từng bước xây dựng cho mình một thương hiệu riêng trên thị trường.
Đến tháng 9/2021, nhờ số vốn tích góp được sau hơn 2 năm nhận gia công sản phẩm và hỗ trợ của gia đình Thảo quyết định mở rộng xưởng với 12 nhân công và đầu tư thêm hệ thống phòng sấy để có thể đáp ứng những đơn hàng lớn từ các đầu mối.
Không chỉ gia công cho các đầu mối, Thanh Thảo cũng đang từng bước xây dựng thương hiệu riêng cho các sản phẩm của mình.
Thảo cho biết, trước đây tổ yến vốn được coi là loại thực phẩm bổ dưỡng chỉ giành cho người khá giả. Nhưng để bồi bổ cơ thể sau khi bị mắc Covid-19, nhiều người đã sẵn sàng chi tiền triệu để mua món ăn đắt tiền này về tẩm bổ.
Do đó, thời gian này số đơn hàng gia công mà xưởng của cô nhận được cũng tăng đáng kể so với năm đầu khởi nghiệp. Trong giai đoạn cuối năm 2021, mỗi tháng xưởng cũng gia công thuê được từ 25 đến 30kg yến cho các đầu mối lớn với mức tiền công sơ chế là 3,5 triệu đồng/kg.
Bên cạnh đó, Thảo còn có tệp khách hàng riêng là những khách mua yến sỉ và yến lẻ ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Cô gái sinh năm 1994 này cho biết mỗi kg yến đã sơ chế được bán lẻ với giá 32 triệu đồng. Mỗi tháng xưởng của cô cũng bán lẻ được từ 3-5kg nữa.
Do đó, doanh thu gia công và bán lẻ mỗi tháng dao động trên 200 triệu đồng. Nhờ đó, thu nhập của những lao động làm việc tại xưởng cũng tăng đáng kể, nhiều người đạt mức 6-10 triệu đồng/tháng. Riêng bản thân cô cũng có nguồn thu nhập ổn định từ 15-20tr/tháng.
Cô gái sinh năm 1994 cho biết đang hoàn thiện hồ sơ để tham gia sân chơi OCOP của tỉnh.
Thanh Thảo cho biết việc tham gia các CLB khởi nghiệp và hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh giúp cô có thêm nhiều đối tác.
Chia sẻ về hành trình đi lên từ một xưởng gia công yến thô đến xây dựng một cơ sở chế biến và có riêng cho mình một thương hiệu như hiện nay, cô gái trẻ sinh năm 1994 cho biết đã từng trải qua những giai đoạn khó khăn. Nhiều lúc từng muốn đóng cửa xưởng để đi làm thuê bởi những ngày đầu kinh nghiệm của đội ngũ nhân công còn hạn chế nên tỷ lệ hao hụt lớn khiến tiền công không còn đáng là bao.
Thanh Thảo cũng cho biết việc tích cực tham gia vào các hoạt động của CLB thanh niên khởi nghiệp của huyện Krông Búk đã giúp bản thân học hỏi được những kinh nghiệm khởi nghiệp quý báu từ các anh, chị đi trước.
Chính nhờ sự hướng dẫn tận tình từ các anh, chị trong CLB giúp cô có thêm nhiều kiến thức quý báu trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, có thêm những mối quan hệ để mở rộng hệ thống phân phối các sản phẩm của mình, được CLB hỗ trợ trong việc tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp do tỉnh Đắk Lắk tổ chức.
Cùng với đó, cô cũng được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng trong việc hỗ trợ những thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn huyện Krông Búk để tiếp tục mở rộng cơ sở gia công và chế biến yến sào của mình.
Cô gái sinh năm 1994 cho biết đến nay, nhờ sự tư vấn hỗ trợ từ các thành viên CLB thanh niên khởi nghiệp huyện nên bên cạnh sản phẩm chính là tổ yến sây khô, cơ sở kinh doanh của cô còn có hàng chục sản phẩm yến chưng hũ với nhiều mùi vị, công thức khác nhau: táo, hạt chia, đông trùng hạ thảo, saffron, kỷ tử, gừng, hạt sen… đón bắt xu hướng tâm lý người tiêu dùng hiện muốn quay về với sản phẩm yến chưng cất thủ công, truyền thống hơn là sản phẩm yến hũ công nghiệp sản xuất hàng loạt trên thị trường.
Theo Trung Kiên/Dân Việt