Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa công bố, tính đến cuối tháng 8/2017, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đang gửi khoảng 160.000 tỷ đồng tại các ngân hàng. So với đầu năm, khoản này đã tăng hơn 68%, tương đương hơn 65.000 tỷ chỉ sau 8 tháng. Con số này đóng góp không nhỏ vào kết quả tăng trưởng huy động vốn của toàn hệ thống tín dụng.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân KBNN "thừa" tiền phải gửi ngân hàng do vốn đầu vào dồi dào từ các nguồn thu, nhưng việc giải ngân vốn đầu tư công hiện nay lại chậm trễ.
Báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính cho biết 8 tháng đầu năm, vốn đầu tư xây dựng cơ bản giải ngân mới chỉ đạt gần 44% dự toán, trong khi vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân chỉ được 2.500 tỷ đồng, tương đương chưa đến 5% dự toán Quốc hội quyết định và 47,3% dự toán đã giao.
Đầu năm 2017, tiền gửi của KBNN tại các ngân hàng thương mại chỉ khoảng 95.000 tỷ đồng, đến tháng 5 đã tăng lên mức 143.000 tỷ đồng và đến cuối tháng 8 vừa qua là 160.000 tỷ đồng.
Tại một cuộc làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng mới đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết việc không thể giải ngân vốn trong khi vẫn phải trả lãi cho khoản tiền đó dẫn tới tình trạng lãng phí.
Nguyên nhân khiến việc giải ngân chậm được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ ra chính là từ lãnh đạo các bộ ngành, địa phương để tồn tại nhiều vấn đề thủ tục, chỉ đạo không quyết liệt... rồi đẩy lên Thủ tướng.
Thực tế, thâm hụt ngân sách Nhà nước (NSNN) đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến 15/5, số thâm hụt NSNN chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2016. Nhưng nguyên nhân thâm hụt ngân sách thấp lại do vốn bị đọng vì không thể giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản.
Thâm hụt NSNN được bù đắp bằng 2 nguồn vốn là trái phiếu Chính phủ và vốn vay nước ngoài. Với việc KBNN đang mang hơn 160.000 tỷ đi gửi ngân hàng, có thể thấy NSNN đang thừa một khối lượng lớn tiền mặt tại KBNN.
Thị trường tiền tệ đang đi đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước, khi thanh khoản của hệ thống được đảm bảo, tỷ giá ổn định, lạm phát thấp và có dư địa để hạ lãi suất thị trường. Tuy nhiên, vốn đầu tư công dư thừa khiến các dự án không được triển khai, trong khi vẫn phải trả lãi cho các chủ nợ. Đặc biệt, việc các dự án sử dụng vốn từ NSNN chậm triển khai sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017.
Theo chuyên gia tài chính, TS Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị Kinh doanh - ĐH Ngân hàng TP.HCM, ngân sách Nhà nước có 3 nguồn chính là thuế; phí, lệ phí và từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Phần lớn khoản 160.000 tỷ đồng KBNN đem đi gửi ngân hàng là tiền thu được từ phát hành trái phiếu Chính phủ.
KBNN mang tiền đi gửi ngân hàng có thể thấy vốn đầu vào có nhưng đầu ra rất hẹp, giải ngân vốn đầu tư không nổi.
"KBNN mang 160.000 tỷ đi gửi ngân hàng sẽ giúp hệ thống ngân hàng có một lượng tiền lớn. Điều này hỗ trợ cho thanh khoản tiền đồng, tạo điều kiện giảm lãi suất không chỉ cho vay mà cả huy động và lãi suất liên ngân hàng. Thậm chí, đây là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành 0,25% và 0,5% với 5 lĩnh vực ưu tiên theo chính sách mới đây", ông Tín cho biết.
Ông Tín nói thêm theo ý kiến của Thủ tướng truyền đạt mới đây, dự kiến năm nay tăng trưởng tín dụng sẽ là 21%. Có nguồn vốn 160.000 tỷ đồng này sẽ hỗ trợ thanh khoản và đạt được mục tiêu này trong 4 tháng cuối năm.
"Theo số liệu của Giám sát tài chính quốc gia, cuối tháng 8, tín dụng đã tăng 11,5%. Như vậy 4 tháng còn lại sẽ phải đạt khoảng 10%. Nguồn vốn này đáp ứng được cho sự tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch", ông Tín chia sẻ.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng việc KBNN mang tiền đi gửi ngân hàng lại ảnh hưởng không tích cực đến chính sách tài khóa, đặc biệt ở vấn đề đầu tư công.
Theo đó, hiện tại nguồn thu từ thuế, phí và lệ phí, cũng như phát hành trái phiếu rất tốt, nhưng lại nghẽn trong đầu tư công. Như vậy, đường xá, bệnh viên, trường học… sẽ không được xây dựng, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, mà trực tiếp là tăng trưởng GDP cả năm.
Trên lý thuyết, nếu tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tăng trở lại, KBNN sẽ phải rút tiền từ các ngân hàng và chuyển vốn về các địa phương. Điều này sẽ gây áp lực về thanh khoản trên thị trường tiền tệ, do khoản tiền gửi của KBNN đã được các ngân hàng cho vay trên thị trường.
"Nhưng nói gì thì nói, việc giải ngân khoản tiền lớn trong NSNN để đầu tư công mà phải rút 160.000 tỷ đồng tại các ngân hàng sẽ không thể diễn ra nhanh trong nay mai, vì có rất nhiều vấn đề trong quá trình giải ngân", ông Tín nói.
Theo Quang Thắng/Zing