Mở rộng điều tra nghi vấn buôn lậu của công ty Sa Huỳnh
Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, Cục Hải quan Tp.HCM đã chuyển hồ sơ cho Công an Tp.HCM để điều tra sâu về việc Công ty Sa Huỳnh nhập khẩu 1.300 chiếc lò nướng thủy tinh nguyên chiếc đồng bộ, hiệu Asanzo, được tháo rời, mới 100%, nhưng không thể hiện xuất xứ.
Cụ thể, vào tháng 9/2018, cơ quan hải quan phát hiện Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Sa Huỳnh mở tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4, khai báo nhập khẩu lô hàng là linh kiện của lò nướng thủy tinh, gồm nắp đậy bằng nhựa, chậu thủy tinh lò nướng, thiết bị đếm thời gian lò nướng.
Hàng mới 100%, xuất xứ Trung Quốc, có tổng trị giá là 212 triệu đồng.
|
Lãnh đạo ngành hải quan khẳng định, vụ việc nhập sản phẩm nhãn Asanzo đang được xác minh, điều tra sâu.
|
Phát hiện lô hàng có nghi vấn, tháng 9/2018, Đội Kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan Tp.HCM đã ra quyết định khám xét và phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 thực hiện việc khám phương tiện đồ vật.
Mời quý vị xem video: Tranh cãi quanh chiếc tivi Asanzo ghi nhãn Made in Vietnam
Kết quả, khám container hàng nhập khẩu của doanh nghiệp này, cơ quan Hải quan phát hiện toàn bộ hàng hóa gồm 1.300 chiếc lò nướng thủy tinh nguyên chiếc đồng bộ, hiệu Asanzo, được tháo rời, mới 100%, nhưng không thể hiện xuất xứ.
Theo lãnh đạo Đội kiểm soát Hải quan, mặt hàng nhập khẩu nêu trên là dạng nguyên chiếc thuộc diện phải kiểm tra chất lượng nhà nước theo quy định.
Tuy nhiên, công ty này khai báo gian dối là linh kiện nhập khẩu nhằm tránh phải kiểm tra chất lượng nhà nước.
Sau khi lô hàng bị Cục Hải quan Tp.HCM phát hiện, bắt giữ, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Sa Huỳnh có công văn giải trình gửi cơ quan Hải quan với lý do đối tác gửi nhầm hàng.
Ban đầu, Công ty Sa Huỳnh giải trình là do đối tác ở Trung Quốc gửi nhầm hàng. Cục Hải quan Tp.HCM đã mời người đại diện pháp luật của Công ty Sa Huỳnh, là bà Huỳnh Thị Sà Quôl lên làm việc, nhưng bà không có mặt. Bà Quôl uỷ quyền cho ông Huỳnh Thế Tài lên làm việc nhưng ông này không biết gì.
Cục Hải quan xác minh, bà Quôl xác nhận có người mạo danh, dùng giấy tờ cá nhân của bà để mở công ty nhằm làm ăn phi pháp, việc này bà hoàn toàn không biết.
Được biết, vợ chồng bà Quôl từng có thời gian làm công nhân trong nhà máy của Asanzo nhưng đã nghỉ việc.
Cục Hải quan làm rõ, 2 cá nhân là Huỳnh Thế Tài và Trương Ngọc Liêm hùn vốn mở Công ty Sa Huỳnh. Khi mời 2 người này lên làm việc, họ thừa nhận đã thuê bà Quôl làm Giám đốc công ty.
Khi lô hàng có dấu hiệu vi phạm bị phát hiện, bà Quôl không đồng ý ra mặt giải quyết nên cả 2 quyết định làm giả giấy tờ thể hiện bà Quôl uỷ quyền cho ông Tài để làm việc với cơ quan chức năng.
Cơ quan chức năng cũng xác định nhiều giấy tờ, hồ sơ liên quan đến vụ việc thể hiện chữ ký, bút tích của bà Quôl là giả mạo.
Chính vì vụ việc có dấu hiệu buôn lậu, trốn thuế nên Cục Hải quan đã chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an Tp.HCM để mở rộng điều tra và đến nay đã khởi tố vụ án "buôn lậu" tại công ty Sa Huỳnh.
Ngoài vụ việc trên, Cục Hải quan Tp.HCM còn chuyển hồ sơ về hàng loạt vụ nghi vấn buôn lậu, trốn thuế cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an Tp.HCM để mở rộng điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Hai tuần nữa sẽ có kết luận điều tra vụ Asanzo
Trong một diễn biến khác, sáng ngày 25/7, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia).
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã cung cấp một số thông tin liên quan đến tình trạng gian lận thương mại thông qua giả mạo xuất xứ Việt Nam đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài để trốn thuế, trốn kiểm tra chất lượng, trốn các lực lượng.
Đặc biệt, liên quan đến vụ nhập sản phẩm nhãn Asanzo, ông Cẩn cho biết hiện cơ quan hải quan đã khởi tố vụ án, chuyển cho công an về hành vi một công ty nhập khẩu hàng giả xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ, giả mạo nhãn mác
Lãnh đạo ngành hải quan cũng khẳng định, vụ việc đang được xác minh, điều tra sâu.
Trước số một số ý kiến cho rằng, không đủ cơ sở pháp lý để xử lý hành vi giả mạo xuất xứ Việt Nam, ông Cẩn bày tỏ quan điểm: "Một con lợn nhập khẩu từ Trung Quốc về, xẻ làm đôi, nếu mang xuất khẩu thì mang xuất xứ Trung Quốc, nếu tiêu thụ ở Việt Nam thì mang xuất xứ của Việt Nam. Điều này là vô lý, mà không có nước nào làm như vậy".
Ông Cẩn khẳng định lực lượng chức năng sẽ sớm đưa ra kết luận trong vòng 2 tuần, để hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ và tổ chức sản xuất hàng giả, tiêu thụ hàng giả đối với một số doanh nghiệp liên quan đến nhóm hàng điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm sớm được ngăn chặn.
Theo DUYÊN DUYÊN/vneconomy