Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định mới đây vừa có công văn chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận cho Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau làm chủ đầu tư dự án Nhà máy sản xuất phân bón Cà Mau - cơ sở Bình Định.
Dự án trên có diện tích gần 3ha, tại Khu công nghiệp Long Mỹ, TP Quy Nhơn, với tổng vốn đầu tư hơn 119 tỷ đồng và hoàn toàn là vốn tự có. Công ty triển khai dự án ngay sau khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý, dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động từ quý I/2025.
Theo kế hoạch, nhà máy sẽ sản xuất, phối trộn các loại phân bón NPK+TE, công suất khoảng 50.000 tấn/năm; đóng gói các loại phân bón với công suất khoảng 50.000 tấn/ năm; lưu trữ, kinh doanh các loại phân bón, nguyên vật liệu sản phẩm phân bón khoảng 150.000 tấn/năm.
|
"Khám" sức khỏe tài chính Đạm Cà Mau sắp đầu tư nhà máy mới (ảnh minh họa: Internet). |
Về Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã: DCM), nhìn lại kết quả kinh doanh quý IV/2023, ông lớn phân bón này ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 3.566 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Giá vốn hàng bán giảm 12% so với cùng kỳ, về mức 2.699 tỷ đồng. Sau khấu trừ, lãi gộp còn gần 866 tỷ đồng, giảm 37%.
Điểm sáng là Đạm Cà Mau thu về gần 106 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, tăng 26% so với cùng kỳ nhờ khoản lãi tiền gửi tăng mạnh. Chi phí tài chính cùng chi phí bán hàng giảm lần lượt 51% và 14% so với cùng kỳ, về gần 10 tỷ đồng và 217 tỷ đồng, trong khi đó chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng mạnh 194% so với cùng kỳ, tương đương tăng gấp gần 3 lần cùng kỳ lên 209 tỷ đồng.
Kết quả, Đạm Cà Mau báo lợi nhuận sau thuế đạt gần 492 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ. Theo giải trình, Đạm Cà Mau cho biết dù sản lượng tiêu thụ tăng, nhưng giá bán phân bón giảm mạnh đã kéo doanh thu đi xuống. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao do bổ sung thêm quỹ khoa học công nghệ trong quý 4/2023.
Tính chung cả năm 2023, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 12.602 tỷ đồng, giảm 21% so với mức năm 2022. Lợi nhuận sau thuế thu về 1.108 tỷ đồng, thấp hơn 74% so với năm trước. So với kế hoạch được thông qua từ đại hội đồng cổ đồng 2023, Đạm Cà Mau thực hiện được 94% kế hoạch doanh thu, và hơn 80% mục tiêu lãi sau thuế.
Thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Đạm Cà Mau tăng 8% so với đầu năm, lên gần 15.300 tỷ đồng, trong đó có hơn 13.243 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn (tăng 14%). Đáng chú ý là lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lên đến 10.526 tỷ đồng, tăng 1.589 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng tăng 18% và chiếm 69% tổng tài sản. Lượng tiền nhàn rỗi liên tục được tích lũy thêm và nhờ môi trường lãi suất cao đầu năm đã giúp Đạm Cà Mau thu về gần 520 tỷ đồng tiền lãi trong năm 2023, cao gấp đôi mức nhận được của năm liền trước.
Cùng đó, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng mạnh lên 198 tỷ đồng (đầu năm chỉ hơn 1,4 tỷ đồng); phải thu ngắn hạn khác ghi nhận gần 155 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 10% so với đầu năm còn 2.169 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng mạnh 281% lên 126 tỷ đồng, tương ứng tăng gấp 4 lần so với thời điểm đầu năm.
Bên kia bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/12/2023, Đạm Cà Mau ghi nhận nợ phải trả đạt 5.284 tỷ đồng, tăng hơn 1.700 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn đạt 4.525 tỷ đồng, tăng 57% so với đầu năm, với hơn 1.408 tỷ đồng là phải trả người bán ngắn hạn (tăng 36%). Vay nợ tài chính đạt hơn 848 tỷ đồng, trong đó, vay nợ ngắn hạn tăng mạnh 329% so với đầu năm lên gần 846 tỷ đồng (đầu năm chỉ có 2,6 tỷ đồng), là khoản vay với Vietcombank kỳ hạn 2 tháng, lãi suất từ 2,8% - 3,5%.
Cũng tại cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Đạm Cà Mau ghi nhận đạt 9.993 tỷ đồng, bao gồm 5.294 tỷ đồng vốn điều lệ và hơn 2.075 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Liên Hà Thái