Ngôi biệt thự 15 triệu USD của Tập đoàn Khải Silk có tên gọi TajmaSago, toạ lạc số 6 Phan Văn Chương. Lâu đài xây dựng dựa trên cảm hứng từ ngôi đền huyền thoại Taj Mahal Ấn Độ (được xem là kỳ quan thế giới) và sử dụng để làm resort.
Lâu đài này do ông Hoàng Khải - Chủ thương hiệu KhaiSilk làm chủ đầu tư và đi vào hoạt động cuối tháng 5.2012. Đây cũng là một trong những công trình làm nên tên tuổi, đẳng cấp của vị đại gia này ở lĩnh vực bất động sản.
Tuy nhiên, ngược thời gian, đầu tháng 8.2016, báo chí từng nhận được sự phản ánh từ khách hàng về chất lượng dịch vụ tại Toà lâu đài TajmaSago – nơi được cho là biểu tượng của sự xa xỉ, đắt đỏ bậc nhất TP.HCM.
|
TajmaSago nằm ở góc giao lô Trần Văn Trà - Phan Văn Chương, cạnh bên hồ Bán Nguyệt từng bị khách hàng tố cáo cả về dịch vụ lẫn thái độ phục vụ kém. |
Thời điểm trên, theo sự chia sẻ của chị Nguyễn Thị Ngọc (ngụ tại quận 7, người từng tố cáo Khải Silk), vào ngày 31.7 (ngày chủ nhật) chị Ngọc cùng cả gia đình đến toà lâu đài TajmaSago để sử dụng dịch vụ như bơi, ăn sáng, và nghĩ dưỡng. Bên cạnh đó, chị xác định nếu được tiện thể xem khuôn viên đặt tiệc thôi nôi cho con gái.
Chị Ngọc cho biết, khi đến nơi, cảm giác đầu tiên của cả gia đình là thích thú khi nhìn từ bên ngoài khách sạn sang trọng như 1 cung điện với vẻ nguy nga, tráng lệ… Chị không ngần ngại thanh toán phí trước khi bắt đầu tận hưởng các dịch vụ của lâu đài Tajmasago.
Vậy nhưng, ngay lúc này, nhiều thành viên của gia đình chị Ngọc hốt hoảng, rợn người khi hồ bơi rất bẩn, rong rêu đóng đầy khu vực quanh thành cầu. Mọi người có cảm giác đây là hồ bơi “chết” vì không được vệ sinh.
Chưa dừng lại ở đó, gia đình chị Ngọc chuyển sang hụt hẫng khi thấy nhiều vật dụng xuống cấp, hoen gỉ, đen xì, mục nát…
Mời quý độc giả xem video: Khaisilk sẽ bồi thường cho khách hàng thế nào? (Nguồn VTC1):
Trong lúc mọi người đang bàn luận với nhau có nên hay không đặt tiệc tại đây thì bất ngờ nghe tiếng ầm phát ra gần đấy. Gia đình nhìn lại thì thấy 1 cái bàn được làm từ chân gỗ, mặt đá bị ngã xuống tan tành.
Trong lúc chơi trò chơi, các cháu nhỏ đã vô tình chạm vào bàn. Thế nhưng cả gia đình hết sức bức xúc khi sự cố vừa xảy ra, một người đàn ông tên Sinh xuất hiện xưng là quản lý khu vực, và không thèm hỏi han về gì về tình hình sự cố mà chỉ “chăm chăm bắt đền bù”.
|
Chiếc bàn được sử dụng bên trong Lâu đài 15 triệu USD TajmaSago. |
Theo chị Ngọc, chiếc bàn đã rất cũ, gỗ chân bàn đã mục nát, trên bề mặt là các lỗ do mọt ăn, gỗ vụn và các ký sinh rớt đầy ra nền. Thậm chí 2 chân bàn còn được đóng đinh và ràng dây gia cố lại.
“Trên thế giới hoặc hẹp hơn là trong nước, không thiếu những khách sạn, mang phong cách cổ điển tương tự như Tajmasago. Những nơi này người ta thường sử dụng những vật dụng sẽ trông như cũ để dựng không gian cổ, nhưng chất lượng bên trong thì vẫn phải luôn đảm bảo cho người sử dụng về mặt công năng và an toàn chứ không như ở Tajmasago”, chị Ngọc bức xúc.
Sau đó, đại diện khách sạn Tajmasago cho rằng khách hàng phải bồi thường là hợp lý. Tuy nhiên, vị này cũng không giải thích về tuổi thọ cũng như giá trị của chiếc bàn trước khi hư hỏng.
|
Chân bàn có nhiều lỗ do mọt ăn, khi ngã xuống, gỗ vụn và các ký sinh rớt đầy ra nền. |
Trao đổi với Dân Việt chiều ngày 30.10, chị Ngọc thông tin, sự cố đó sau nhiều lần "kỳ kèo bớt 1 thêm 2" cùng đại diện Lâu đài TajmaSago, gia đình chị phải đóng 3 triệu đồng. Cũng qua lần đó, chị và những người thân không bao giờ quay lại chỗ này cũng như chẳng sử dụng bất kì sản phẩm nào mang thương hiệu của Khải Silk.
Theo chị Ngọc, chị không quan tâm sự cố khăn KhaiSilk mang nhãn "made in China" vừa rồi vì trước giờ không mua loại này do giá quá cao. "Tuy nhiên, tôi nghĩ ai làm ăn gian dối sẽ có lúc phải trả giá", chị Ngọc nói.
Theo Kỳ Phương/Dân Việt