Black Friday gắn liền với việc "giảm giá khủng" khiến người tiêu dùng toàn thế giới nô nức đón chờ. Tại Việt Nam, khi các cửa hàng, thương hiệu cũng "ăn theo" phong trào này thì dân "săn" hàng giảm giá lại được dịp đổ xô đi mua sắm. Thế nhưng, bên cạnh những mặt hàng được giảm giá thực sự thì thực tế, không ít khách hàng bị "hớ", thất vọng, thậm chí là bức xúc với kiểu khuyến mãi "treo đầu dê, bán thịt chó".
|
Black Friday ở Việt Nam khiến nhiều khách hàng thất vọng. |
Ghi nhận của Kiến Thức vào trưa 24/11 - ngày “thứ sáu đen tối” ở Việt Nam cho thấy, tại nhiều cửa hàng thời trang trên các tuyến phố Hà Nội xuất hiện dày đặc các biển quảng cáo như “Black Friday - upto sale 50% toàn bộ sản phẩm từ ngày 24-26/11”, “sale off 70% các sản phẩm”, "đồng giá 15K, 35K, 50K, 75K, 95K, 125K, 150K"...
Những quảng cáo gây sốc này đã lập tức thu hút được một lượng khách ra vào mua sắm trong ngày Black Friday đông hơn rất nhiều so với ngày thường. Một số cửa hàng không có chỗ đỗ xe, đành để khách đứng xuống đường chờ 1 lượt khách đã mua hàng xong ra và khách mới vào, nên xảy ra tình trạng ùn ứ.
|
Nhiều cửa hàng rơi vào tình trạng quá tải vì khách quá đông, khiến không có chỗ đỗ xe. |
Chị Nguyễn Thị Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, đọc được thông tin một thương hiệu thời trang lớn thông báo chương trình khuyến mại lớn nhân dịp Black Friday, nên chị háo hức, bỏ cả bữa trưa để kịp thời gian đến mua. Trong quảng cáo, thương hiệu này cho biết sẽ giảm giá 10-50% cho tất cả mặt hàng từ ngày ngày 24 - 26/11. Song thực tế, phần lớn hàng hóa chỉ giảm 10% – 20%. Chỉ 2 - 3 dòng sản phẩm giảm 30%, còn 1 – 2 dòng được giảm giá đến 50% nhưng đều là mẫu mã cũ, hoặc hàng hè – thu hết mùa.
“Các sản phẩm hàng tồn, hết mốt, hết size... xuất hiện nhiều trên các kệ giảm giá mạnh; Trong khi đó, các thiết kế mới vẫn chẳng nhúc nhích gì, nếu có thì chỉ giảm giá nhẹ. Vì thế, rất nhiều khách hàng cũng như tôi phải chen lấn chọn đồ chán chê rồi không mua được hàng ưng ý”, chị Trang kể lại.
|
Không phải tất cả mặt hàng đều giảm khủng như quảng cáo mà đều đã được cửa hàng phân loại. Những sản phẩm giảm nhiều chủ yếu là hàng lỗi mốt hoặc hè thu. |
|
Nhiều mặt hàng đồng giá nhưng không thu hút được người mua do sản phẩm không bắt mắt. |
|
Một khách hàng băn khoăn trước sản phẩm đồng giá không thực sự đẹp. |
Mời quý độc giả xem video: "Những pha chen lấn, đánh nhau giành đồ dịp Black Friday 2016. Nguồn: Zing:
Tương tự chị Trang, chị Vũ Thị Hương (Phạm Văn Đồng, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, phần lớn poster quảng cáo hay trên web của các thương hiệu, cửa hàng đều đưa thông tin về mức giảm giá cao nhất. Nhưng thực tế, khách đến nơi sẽ thấy mỗi sản phẩm lại được áp dụng chính sách khác nhau.
"Rất háo hức săn được đồ đẹp, giá rẻ, thế nhưng tôi phải thất vọng ra về bởi khuyến mại ảo mặc dù đã xem thông tin trước trên mạng", chị Hương nói.
Đi kèm với việc khó mua hàng thời trang đẹp, bắt mắt thì nhiều khách hàng còn bức xúc vì mua phải hàng kém chất lượng. Chị Nông Huệ ở Cầu Giấy cho biết, chị mua đôi giày giá 380.000 đồng nhìn mẫu mã khá đẹp. Nhưng niềm vui mua hàng đẹp giá rẻ chưa được bao lâu thì đôi giày của chị đã bị hỏng sau khi đi đúng một ngày.
Có kinh nghiệm săn đồ giảm giá, Nguyễn Thị Nga (Ba Đình, Hà Nội) cho hay: “Black Friday đúng là dịp hời săn hàng tốt giá rẻ. Nhưng nếu muốn mua được hàng chuẩn thì người mua phải xem kỹ và phân biệt rõ đó có phải hàng thanh lý hay hàng tồn kho không. Có như thế mới tránh bị hớ, mua phải hàng kém chất lượng lại rước bực mình vào người”.
|
Mặt hàng sale 50% nhưng nhiều size quá rộng. |
Cũng theo chị Nga thì thường ở Việt Nam, ngày Black Friday thường kéo dài cả tuần hoặc thậm chí 10 ngày, người tiêu dùng phải biết tranh thủ mua từ sớm, đừng đến đúng ngày mới mua sẽ không còn nhiều hàng chuẩn.
Bảo Ngọc