Mới đây, dư luận xôn xao khi một tài khoản facebook đăng thông tin và hình ảnh về cửa thoát hiểm trên máy bay Airbus A321 của hãng Vietnam Airlines (VNA)và cho rằng thiết kế nàykhông hợp lý. Cụ thể, chủ nhân của tài khoản facebook cho biết:
“Em vô tình là người khách được ngồi cạnh cửa thoát hiểm của "Vietnam Airlines trên chuyến bay VN661 từ Hà Nội tới Singapore ngày 13/8/2018".
Tại chỗ ngồi, em phát hiện ra hãng hàng không Vietnam Airlines đã có một hành động thay đổi thiết kế của máy bay Airbus A321. Tại khu vực cửa thoát hiểm, là nơi được thiết kế rộng rãi, thoáng đãng, không bố trí thêm ghế và bố trí đèn thoát hiểm báo đến khu vực cửa để thoát hiểm, Vietnam Airlines đã cố tình lắp thêm hai hàng ghế ở hai bên cửa để tăng lượng khách ngồi, chắn một nửa cửa thoát hiểm của máy bay".
Cùng với thông tin và hình ảnh chia sẻ, vị hành khách này còn bày tỏ lo lắng về sự an toàn, nhất là khi máy bay gặp sự cố.
Ngay sau khi được chia sẻ, bài viết đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, trong đó không ít bày tỏ sự bất bình, lo lắng. Tài khoản Manh Tuan bình luận: “Nếu thực sự VNA lắp thêm hàng ghế cạnh cửa thoát hiểm thì hãng này quá chủ quan, đặt lợi nhuận lên trên sự an toàn của khách”. Tài khoản Nhi Ha cũng đặt câu hỏi: “Thực sự lo lắng vì tôi thường xuyên đi máy bay của VNA. Cửa thoát hiểm mà chật hẹp thế kia thì thoát ra nhanh làm sao được?".
Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến cho rằng, phải có lý do thì hãng bay mới bố trí cửa thoát hiểm như vậy.
|
Hình ảnh cửa thoát hiểm trên tàu bay của Vietnam Airlines bị khách tố thiết kế không hợp lý. Ảnh chụp màn hình facebook. |
Chia sẻ với Kiến Thức, nhiều chuyên gia từng nghiên cứu về lĩnh vực hàng không cũng cho rằng việc bố trí cửa thoát hiểm trên máy bay Vietnam Airlines mà độc giả cung cấp hình ảnh chưa thực sự hợp lý và an toàn.
Cụ thể, theo TS Trần Đình Bá - Hội Khoa học Kinh tế - hàng không là một ngành vận tải cao cấp có dịch vụ tốt nhất cho hành khách. Kết cấu của chiếc tàu bày phải đảm bảo quy định nghiêm ngặt của tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO). Trong đó, lối thoát hiểm và cửa thoát hiểm là bộ phận hết sức quan trọng của chiếc máy bay, bởi nó liên quan tới vấn đề an toàn khi bay. Theo quy định của ngành hàng không thì không đặt ghế ngồi trên đường thoát hiểm mà ở đó phải có một khoảng trống nhất định để phục vụ cho thao tác mở cửa và thoát người khi có sự cố. Các hàng ghế bên cạnh đường thoát hiểm và cửa thoát hiểm đều phải rành mạch, rõ ràng, thông thoáng.
"Tuy nhiên, theo như hình ảnh mà hành khách cung cấp thì có thể thấy hàng ghế đã chiếm mất cửa thoát hiểm", ông Bá nói.
Đồng quan điểm với TS Bá, chuyên gia hàng không, nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TPHCM, PGS - TS Nguyễn Thiện Tống cũng cho rằng, từ hình ảnh hành khách chia sẻ, có thể thấy những lo lắng của khách là có cơ sở. Bởi tại khu vực cửa thoát hiểm, các dãy ghế được bố trí sát nhau như những khu vực khác trên máy bay, rõ ràng gây cản trở ngay cửa thoát hiểm. Nếu có sự cố khẩn cấp thì hành khách hầu như không thể thoát ra một cách nhanh nhất được.
|
Khoảng cách ở dãy ghế gần cửa thoát hiểm số 3, 4, 5, 6 luôn rộng hơn nhiều so với các dãy ghế khác. Sơ đồ hình họa do TS Nguyễn Thiện Tống cung cấp. |
TS Trần Đình Bá cũng cho biết thêm, cửa thoát hiểm máy bay có tiêu chuẩn rất rõ ràng. Mỗi cửa thoát hiểm đều bố trí xuồng phao cứu sinh. Số lượng cửa thoát hiểm được thiết kế theo số lượng khách trên máy bay. Khu vực cửa thoát hiểm phải có một khoảng trống nhất định để thao tác mở cửa và thoát người khi có sự cố. Các hàng ghế bên cạnh đường thoát hiểm và cửa thoát hiểm đều phải có lối đi rộng rãi, thông thoáng. Lối đi đến cửa thoát hiểm không có chướng ngại vật cản trở lối đi, phải có đèn sáng dẫn tới cửa thoát hiểm. Các hàng Hàng không cũng lưu ý tới việc bố trí khách ngồi gần khu vực cửa thoát hiểm, phải là những hành khách trên 15 tuổi có đầy đủ khả năng cử động, sức mạnh, khéo léo trong cả hai cánh tay/bàn tay hoặc chân và phải có khả năng truyền đạt thông tin bằng miệng cho hành khách khác. Những trường hợp người khuyết tật, người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai tuyệt đối không bố trí ngồi gần cửa thoát hiểm.
|
Hình ảnh cửa thoát hiểm của máy bay đảm bảo sự thông thoáng an toàn trên thế giới, khác xa hình ảnh trên máy bay VNA mà hành khách cung cấp. Ảnh: TS Nguyễn Đình Bá cung cấp. |
Trước nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, đại diện hãng Hàng không Vietnam Airlines mới đây đã lên tiếng. Trả lời báo chí, đại diện VNA khẳng định: "Vietnam Airlines không tự ý thay đổi thiết kế máy bay để lắp thêm ghế ở lối ra cửa thoát hiểm. Thông tin lắp thêm ghế ở lối ra cửa thoát hiểm Vietnam Airlines là không có cơ sở”.
Vị đại diện của Vietnam Airlines cho biết thêm, các tàu bay của Vietnam Airlines đang khai thác đều được các Nhà chức trách hàng không như Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), Hội An toàn hàng không châu Âu (EASA), Cục Hàng không VN kiểm soát về an toàn, trong đó bao gồm cả vấn đề về cửa thoát hiểm cho hành khách.
Ngoài ra, trước khi nhận và đưa vào khai thác, tàu bay bắt buộc phải được cấp chứng chỉ kiểu loại (Type Certificate), chứng chỉ đủ điều kiện khai thác để xuất khẩu (Export Airworthiness Certificate) và bản tuyên bố về máy bay được sản xuất đã tuân thủ yêu cầu của các Nhà chức trách hàng không nói trên (Statement).
Đại diện VNA cũng đưa ra tài liệu của nhà sản xuất về thiết kế A321, máy bay có tổng cộng 8 cửa thoát hiểm, 4 cửa bên phải, 4 cửa bên trái. Tuỳ vào thiết kế số ghế chuyên chở, các cửa thoát hiểm máy bay được bố trí tuân thủ các quy định của nhà chức trách và nhà sản xuất (gồm 3 loại cửa type C, type I, type III).
|
Sơ đồ thiết kế ghế gần cửa thoát hiểm trên máy bay của Vietnam Airlines. Ảnh: Vietnamnet. |
Các cửa thoát hiểm trên tàu bay A321 được đánh số từ 1 đến 4. Với một số tàu bay A321 của VNA hiện nay, cửa số 1 và 4 là Type C. Cửa số 2 và 3 (2 cửa giữa) là giống nhau và về cơ học là Type C. Tuy nhiên, do cách bố trí ghế nên sẽ có một cửa (2 hoặc 3) bị hẹp lại phần lối đi, do đó, theo yêu cầu thoát hiểm được xác định là Type III. Như vậy, các tàu này đang được bố trí 08 cửa thoát hiểm, trong đó 06 cửa Type C và 02 cửa Type III ở 2 bên thân tàu bay. Trong trường hợp cần thiết, 50% số cửa thoát hiểm sẽ đảm bảo toàn bộ khách được thoát hiểm ra ngoài trong 90 giây.
Khôi Nguyên