Thông tin mới nhất không khác gì “phao cứu sinh” cho Vietnam Airlines lúc này là sắp được giải ngân số tiền 4.000 tỷ đồng. Trao đổi với PV báo Tri thức và Cuộc sống, ông Đặng Anh Tuấn - Trưởng ban Truyền thông của VNA xác nhân thông tin trên: “Khoản tín dụng 4.000 tỷ đồng đang được các bên liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục. Chậm nhất cuối tháng 6, đầu tháng 7/2021 gói 4.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân về Vietnam Airlines”. Ông Tuấn cũng chia sẻ số tiền này nằm trong gói hỗ trợ của Chính phủ khi VNA gặp khó khăn.
|
Hàng không trong nước và quốc tế đều đang rơi vào tình trạng khó khăn. |
Mới đây, báo cáo của Bộ KH-ĐT nêu ra các con số cụ thể về tình trạng thua lỗ của Vietnam Airlines. Tuy nhiên, thông tin về các hãng hàng không khác ít được Bộ KH-ĐT đề cập đến. Lý do có sự khác biệt này vì Vietnam Airlines (VNA) hiện vẫn là doanh nghiệp mà vốn Nhà nước chi phối đến 86%, mọi báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính đều chịu sự giám sát cao nhất của các cơ quan quản lý cũng như thị trường. Trong khi các doanh nghiệp hàng không tư nhân thì chỉ chịu trách nhiệm lớn nhất trước cổ đông.
Bộ KH-ĐT thừa nhận đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ ba trong giai đoạn cao điểm sát Tết và đang bùng mạnh trở lại từ cuối Tháng 4 đến nay đã làm toàn ngành hàng không sụt giảm 80% doanh thu so với thời điểm quý I/2020 chưa bị ảnh hưởng lớn bởi dịch. Không chỉ có Vietnam Airlines mà hàng không nào cũng thua lỗ lớn, tàu nằm sân la liệt, số chuyến bay vận hành ở mức thấp nhất.
Nguyên nhân bởi Hãng hàng không do Nhà nước sở hữu đến 86% vốn điều lệ, cổ đông lớn nữa là Hãng hàng không quốc gia Nhật Bản (ANA) nên tình hình của hãng đều thể hiện trên các Báo cáo tài chính. Mặt khác, Vietnam Airlines có quy mô vận chuyển trong và ngoài nước chiếm một nửa thị trường hàng không quốc gia nên mọi sự thay đổi của hãng cũng được quan tâm hàng đầu so với các hãng còn lại.
Sở dĩ Vietnam Airlines lỗ lớn nhất vì Hãng tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính là vận chuyển hành khách và hàng hóa. Theo thống kê, Vietnam Airlines là hãng có thị phần vận chuyển hàng không quốc tế lớn hơn các hãng còn lại của Việt Nam với 27% (chiếm 65% doanh thu vận chuyển hàng không của hãng này). Do đó, khi đường bay quốc tế đóng cửa, Vietnam Airlines sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Hơn nữa, các tập đoàn - tổng công ty có vốn Nhà nước chi phối như Vietnam Airlines, từ nhiều năm nay chỉ được phép tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là vận chuyển hàng không và thoái hết vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư tài chính… nên không có cơ hội để lấy doanh thu khác bù vào vận chuyển hàng không như các hãng hàng không tư nhân.
Theo ông Trần Đình Thiên - Tổ trưởng tổ tư vấn của Thủ tướng thì Chính phủ giao cho Bộ Tài chính xem xét lại quy chế tài chính đối với Vietnam Airlines và các DNNN khác theo cơ chế linh hoạt hơn, phù hợp với nhịp độ và cơ chế thị trường. Đồng thời xem xét phương án đổi mới quy chế hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, quy định cụ thể mức đóng góp lợi nhuận sau thuế cho ngân sách nhà nước ổn định 5 năm theo Luật Ngân sách nhà nước và đầu tư theo yêu cầu của thị trường, tạo sự chủ động cần thiết như Vietnam Airlines trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, cấp bách thực hiện phương án tăng vốn cho Vietnam Airlines để tồn tại và linh hoạt hoạt động. Bởi xét ở khía cạnh thị trường, Chính phủ không thể thực hiện chính sách hỗ trợ cào bằng, nhất là những doanh nghiệp báo kinh doanh có lãi.
Hoàng Nam