Theo Free Malaysia Today, với 68.000 hécta đất rừng đã sẵn sàng, khu vực công viên quốc gia Bukit Soeharto ở đông Kalimantan, đang trở thành lựa chọn tốt nhất trong danh sách những nơi Tổng thống Indonesia Joko Widodo có thể chọn làm thủ đô mới.
|
Khu vực đông Kalimantan chủ yếu là đất rừng, rất phù hợp để xấy dựng thành phố mới. |
Khu vực này nằm gần hai sân bay quốc tế, đáp ứng yêu cầu quan trọng nhất là không hề bị động đất hay sóng thần đe dọa.
Thống đốc Isran Noor tiết lộ: “Tôi đã trò chuyện với Tổng thống và ông ấy nói ‘90% sẽ chọn đông Kalimantan’. Đó là vùng đất đáp ứng mọi yêu cầu mà chính phủ đề ra”.
Tổng thống Indonesia Widodo dự kiến sẽ công bố khu vực nào trên đảo Borneo để làm thủ đô mới trong tháng này. Dự án ước tính tiêu tốn tới 33 tỷ USD, xây dựng trong 10 năm.
Noor nói miền đông Kalimantan toàn đất rừng nên dễ dàng xây dựng thủ đô mới hơn là các khu vực lân cận. Kế hoạch bao gồm việc giải phóng 40.000 hécta đất để làm nơi ở cho 1,5 triệu dân. Chi phí có thể giảm xuống 22 tỷ USD nếu chỉ lấy 30.000 hécta đất rừng.
|
Jakarta trong vòng một thập kỷ tới sẽ không còn là thủ đô của Indonesia. |
Noor cũng nói thêm rằng, khoảng 30% diện tích công viên quốc gia Bukit Soeharto có thể được sử dụng cho thành phố mới.
Về vấn đề phá rừng hàng loạt trong khi chính phủ Indonesia muốn bảo tồn rừng tự nhiên, Noor nói sẽ chỉ “phải chặt một số ít cây rừng và sẽ cố gắng để ít tác động đến môi trường nhất”.
Khu vực Kalimantan là nhà của nhiều sinh vật bản địa như ười ươi, gấu chó, báo đốm, nhím, vượn. Công viên Bukit Soeharto cũng là nơi phục hồi nhiều loài thực vật.
Chính phủ Indonesia dự kiến sẽ bắt đầu quá trình xây dựng thành phố mới vào năm 2021, chuyển các văn phòng, cơ quan nhà nước vào năm 2024. Dự án cũng được cấp nguồn tài chính từ các đối tác tư nhân.
Nhu cầu dời đô của Indonesia ngày càng trở nên cấp thiết vì Jakarta hiện chìm dần xuống biển với tốc độ nhanh nhất thế giới. Tính cả vùng lân cận, thủ đô Jakarta hiện nay có tới 30 triệu người sinh sống.
Thiệt hại ước tính lên tới 7 tỷ USD mỗi năm vì tình trạng tắc đường trầm trọng. Với việc dời đô, chính phủ Indonesia cũng muốn đưa sự trù phú ra khỏi vùng Java. Khu vực này là nhà của hơn 60% người dân Indonesia, đóng góp 50% vào nền kinh tế.
Theo Đăng Nguyễn/Dân Việt