5,6ha quỹ đất Nhà ở xã hội biến đi đâu?
Khác với nhiều dự án nhà ở thương mại, Dự án KĐT Bắc Đầm Vạc của Công ty CP Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô đang không có quỹ đất nhà ở xã hội (NƠXH), dù theo quy định của Nghị định 100, các dự án nhà ở thương mại có diện tích trên 10ha phải dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng NƠXH.
Thực tế, KĐT Bắc Đầm Vạc trước đây vẫn tồn tại quỹ đất NƠXH. Cụ thể, ngày 29/7/2010, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 2099 về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng KĐT sinh thái Bắc Đầm Vạc, tỷ lệ 1/500. Dự án được định hướng là khu nhà ở sinh thái kết hợp dịch vụ, thương mại, vui chơi, giải trí, được đầu tư xây dựng mới đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và nhu cầu ở của nhân dân địa phương, góp phần hoàn chỉnh quy hoạch thành phố Vĩnh Yên theo xu hướng hiện đại hoá.
Với quy mô phạm vi nghiên cứu là 85,91ha, quy mô diện tích quy hoạch là 63,3ha, phần đất dành cho NƠXH là 5,59284ha (tách riêng khỏi dự án). Như vậy, theo quyết định, KĐT Bắc Đầm Vạc đã được “trích” 5,6ha dành cho quỹ đất NƠXH.
Tuy nhiên, đến ngày 21/12/2016, Ông Vũ Chí Giang - Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký ban hành Quyết định 4149 về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 lần 1 và lần 2 ngày 30/6/2020 đối với KĐT sinh thái Bắc Đầm Vạc.
Sau khi điều chỉnh phạm vi đồ án điều chỉnh QHCT tỷ lệ 1/500, quỹ đất của KĐT Bắc Đầm Vạc đề nghị phê duyệt còn 58,6503ha, giảm 24,2ha so với thời điểm được duyệt tại Quyết định số 4021 và giảm 4,6 so với QHCT tỷ lệ 1/500 được phê duyệt tại Quyết định số 2099). Đáng chú ý, điều chỉnh quy hoạch đất nhà ở tăng lên 204.327m2, đất khu khách sạn là 46.158m2.
Riêng quỹ đất NƠXH, theo đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 KĐT sinh thái Đầm Vạc (UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt tại Quyết định số 3040 ngày 4/10/2005) bố trí quỹ đất NƠXH. Tuy nhiên, diện tích đất NOXH này lại được UBND tỉnh cho điều chỉnh QHCT 1/500 và giao cho UBND phường Đống Đa thực hiện dự án khu đất dịch vụ phường Đống Đa và khu đất này nằm ngoài đồ án QHCT tỷ lệ 1/5000 KĐT sinh thái Bắc Đầm Vạc được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2099.
Như vậy, quỹ đất 5,6ha dành cho NƠXH đã không còn nằm trong quy hoạch KĐT sinh thái Đầm Vạc, mà được giao cho UBND phường Đống Đa quản lý, sử dụng.
|
Phần quỹ đất NƠXH vốn phải nằm trong dự án nay dã được "tách riêng"và giao cho UBND phường Đống Đa |
"Tách thửa" quỹ đất NƠXH - chuyện hiếm có khó tìm?
Một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư xây dựng các dự án BĐS lớn (xin được giấu tên) đã vô cùng ngạc nhiên, cho biết: “Không hiểu bằng cách nào mà CĐT có thể tách quỹ đất NƠXH ra khỏi dự án như vậy, bởi lẽ theo quy định pháp luật thì đây là chuyện không thể.”
Theo chuyên gia này, quy hoạch pháp luật nêu rõ, CĐT dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị có trách nhiệm trực tiếp đầu tư xây dựng NƠXH trên quỹ đất 20% (trừ trường hợp Nhà nước thu hồi quỹ đất 20% để đầu tư xây dựng NƠXH bằng nguồn vốn ngân sách và trường hợp chủ đầu tư không có nhu cầu tham gia đầu tư xây dựng NƠXH thì chuyển giao quỹ đất này cho UBND tỉnh nơi có dự án).
Tuy nhiên, ở đây, chính quyền lại thu hồi quỹ đất NƠXH thì đây là vấn đề cần xem xét: Chính quyền có xây dựng NƠXH không hay thu hồi để làm gì? Một quỹ đất lẽ ra dành cho xây NƠXH lại thu hồi và để sử dụng mục đích khác và giờ lại không nằm trong đồ án quy hoạch chi tiết? Nếu theo thông tin ghi nhận thì UBND phường Đống Đa đang giữ quỹ đất vốn dành cho NƠXH để phục vụ cho mục đích khác.
|
KDDT Bắc Đầm Vạc được "bỏ qua" quỹ đất nhà ở xã hội để toàn khu trở nên sang trọng, cao cấp hơn? |
Theo đó, 5,6ha quỹ đất NƠXH hiện đã được giao UBND phường Đống Đađể thực hiện dự án khu đất dịch vụ phường Đống Đa trong khi bản chất của đất NƠXH và đất dịch vụ lại hoàn toàn khác nhau.
Bên cạnh đó, trường hợp nhà nước thu hồi để xây dựng NƠXH bằng nguồn ngân sách của Nhà nước mà CĐT không có nhu cầu, thì phải giao cho UBND tỉnh để thực hiện dự án, nhưng trường hợp này lại giao cho UBND phường để thực hiện dự án đất dịch vụ?
Nhìn vào thực tiễn, Vĩnh Phúc đang thiếu hụt rất lớn về NƠXH. Số liệu thống kê của UBND tỉnh năm 2019 cho thấy, riêng đối với nhà ở xã hội cho các đối tượng công nhân, người thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực đô thị, hiện nay trên địa bàn tỉnh mới có 27 dự án, với tổng diện tích đất sử dụng hơn 90ha, cung cấp khoảng 17.000 căn nhà ở xã hội (cả riêng lẻ và căn hộ chung cư).
Diện tích sàn nhà ở xã hội đã hoàn thành mới đạt chưa đến 30% so với mục tiêu Chương trình phát triển nhà ở do tỉnh đề ra; trong đó, diện tích sàn nhà ở cho công nhân mới đạt gần 11%, trong khi số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh là gần 50 nghìn người.
Với số liệu đưa ra thì rõ ràng Vĩnh Phúc thiếu hụt trầm trọng NƠXH. Nếu đưa ra “logic thông thường”, lẽ ra Vĩnh Phúc cần quan tâm hơn và có biện pháp, chính sách mạnh tay hơn nữa trong việc bố trí quỹ đất dành cho NƠXH, thu hút doanh nghiệp. Nhưng nếu nhìn từ KĐT Bắc Đầm Vạc, quỹ đất tới 5,6ha lẽ ra dành cho NƠXH lại từ từ biến mất.
Liên quan đến quỹ đất NƠXH, thực tế rất nhiều doanh nghiệp BĐS không mặn mà với loại hình này là bởi lợi nhuận quá thấp hoặc họ phải chấp nhận chịu lỗ. Đó là lý do mà rất nhiều dự án nằm trong quy hoạch phải bố trí quỹ đất cho NƠXH đã tìm cách “biến hoá” lô đất này thành đất dịch vụ. Câu hỏi lại được đặt ra, KĐT Bắc Đầm Vạc đang được quá "ưu ái" khi quỹ đất dành cho NƠXH đã được tách riêng ra khỏi dự án?
Dư luận cũng đang đặt ra rất nhiều câu hỏi, như việc giao đất cho dự án này có thực hiện đấu thầu hoặc đấu giá đất không? Nếu không, điều này có thể gây thất thoát nguồn kinh phí cho Ngân sách Nhà nước lớn đến mức nào và mang lại lợi ích cho một nhóm người ra sao?
*Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục cập nhật
Minh Châu