Phát biểu tại Hội nghị CEO toàn cầu của Forbes tổ chức ở Singapore, doanh nhân tỷ phú Jack Ma, người gây dựng một trong những đế chế thương mại điện tử thành công nhất hiện nay, vẫn phải thừa nhận rằng chính ông cũng sẽ đối mặt với muôn vàn khó khăn nếu đi xin việc ở thời điểm hiện tại.
Nhiệm vụ bất khả thi
“Ngày nay, những người như tôi mà định xin vào làm ở Alibaba thì đó gần như nhiệm vụ bất khả thi”, Jack Ma phát biểu trước các diễn giả tham gia hội nghị.
Ông cho rằng, bản thân ông và những nhà sáng lập cùng thời khác nếu phải ứng tuyển sẽ không tránh khỏi chật vật để vượt qua các vòng sàng lọc hóc búa của các công ty công nghệ hàng đầu hiện nay.
“Người ta sẽ đánh giá bạn bằng việc soi xét tấm bằng tốt nghiệp mà bạn có. Họ sẽ từ chối bạn và nói rằng, chúng tôi đang có những người tốt nghiệp Đại học Harvard, từ Standford. Hãy nhìn xem bạn tốt nghiệp từ đâu, không ai biết cả”, ông chỉ trích.
|
Tỷ phú Jack Ma từ chức vị trí chủ tịch Alibaba hôm 9/10 ở tuổi 55. Ảnh: AFP. |
Vị tỷ phú chỉ ra rằng đây là lỗ hổng nghiêm trọng hệ thống tuyển dụng quốc tế, vốn đặt trọng tâm vào thành tích học tập và có thành kiến với những người “lỗi thời”, sắp về hưu như ông.
Tháng trước, việc tỷ phú Jack Ma rời ghế chủ tịch tại Alibaba ở tuổi 55 đã thu hút sự chú ý lớn của công chúng. Nói về quyết định của mình, doanh nhân giàu có thứ 2 châu Á cho hay ông muốn tập trung vào các hoạt động từ thiện và giáo dục. Hiện tại, Jack Ma vẫn giữ vai trò cố vấn chiến lược tại Alibaba.
30 lần đi xin việc bị từ chối
Bản thân Jack Ma cũng đã phải vật lộn với quá trình học tập ở trường. Ông sau đó còn bị từ chối tới 30 lần xin việc trước khi khởi nghiệp và thành lập Alibaba vào năm 1999.
Ông cũng chứng kiến rất nhiều người có con đường sự nghiệp chật vật do hành vi xét đoán dựa trên kết quả học tập.
|
Jack Ma tại IPO của Alibaba trên sàn chứng khoán New York, ngày 19/9/2014. Ảnh: Getty. |
“Tôi có rất nhiều đồng nghiệp như vậy và họ hiện đều là doanh nhân lớn”, Jack Ma cho biết. Trong đó, phải kể đến 2 người bạn cũ của Jack Ma từng trượt đầu vào khóa học thạc sỹ kinh doanh (MBA) vì không đạt điểm thi môn toán, nhưng họ sau đó lần lượt trở thành sáng lập viên của các nền tảng nổi tiếng Alipay và Taobao.
“Các bài kiểm tra nặng về học thuật đang ngày càng không phản ánh được năng lực cá nhân, đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhảy vọt như hiện nay”, ông nói.
Thời đại trước, người lao động phải ghi nhớ nhanh, nhớ nhiều và phải biết tính toán tốc độ. Tuy nhiên, ngày nay máy móc có thể làm thay và làm tốt hơn con người rất nhiều. Đó là điều mà tỷ phú này quan ngại.
“Trong vòng 20, 30 năm tới, những đứa trẻ của chúng ta sẽ trưởng thành và sẽ không thể sống sót với những kiến thức mà hệ thống giáo dục hiện tại đang cung cấp”, Jack Ma nói.
Sau hơn 20 năm tâm huyết gây dựng nên đế chế thương mại tỷ USD Alibaba, Jack Ma quyết định nghỉ hưu để dành thời gian cho công tác từ thiện và lĩnh vực giáo dục, với mục tiêu đào tạo nên thế hệ mới có tư duy sáng tạo, độc lập hơn.
Từng là một giáo viên dạy tiếng Anh, Jack Ma lui về với sự nghiệp dang dở của mình. “Chúng tôi sẽ dạy cho lớp trẻ cách để trở nên sáng tạo hơn, có tính xây dựng và nhiều sáng kiến hơn để chúng có thể tồn tại trong thời đại trí thông minh nhân tạo”, Jack Ma phát biểu.
Theo An Chi/Zing News