Công ty cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico, UPOM: HNR) tiền thân là nhà máy Rượu Hà Nội do hãng Fontaine của Pháp xây dựng từ năm 1898. Đây là nhà máy sản xuất rượu lớn nhất trong 5 nhà máy được Fontaine xây dựng ở Đông Dương và được vận hành bởi người Pháp vào thời gian đó.
Halico có tuổi đời lịch sử trên 120 năm, là một trong những doanh nghiệp vẫn đang sản xuất rượu lớn nhất Việt Nam, gồm các thương hiệu như: Lúa Mới, Vodka Hà Nội, Bluebird…
Tuy nhiên, những năm gần đây, các sản phẩm của Halico lại dần trở nên mờ nhạt, thất thế trên thị trường. Nổi bật cho điều này là hoạt động kinh doanh của "huyền thoại" một thời Vodka Hà Nội trong vòng 5 năm trở lại đây thua lỗ triền miên.
|
Chủ thương hiệu Vodka Hà Nội kinh doanh thua lỗ triền miên. (Ảnh minh họa). |
Số liệu kinh doanh gần nhất, tại thời điểm quý 4/2019 cho thấy, Halico chỉ đạt doanh thu thuần xấp xỉ 33 tỷ đồng, trong khi giá vốn đã lên tới gần 27,7 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận 5,3 tỷ đồng. Lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh ở mức 8,5 tỷ đồng.
Trong quý 4 này chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 14,9 tỷ đồng xuống còn 4,8 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm từ 14,8 tỷ đồng xuống 10,2 tỷ đồng.
Kết thúc quý 4/2019, Halico thua lỗ nặng 8,07 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, Halico đạt doanh thu xấp xỉ 40 tỷ đồng nhưng thua lỗ nặng đến 23,5 tỷ đồng.
Cả năm 2019, doanh thu thuần của Halico đạt 127,7 tỷ đồng, giảm 7,9% so với năm 2018 và thua lỗ 64,1 tỷ đồng (trong năm 2018, Halico lỗ 78,4 tỷ đồng). Cuối năm 2019, lỗ lũy kế của Halico là 402,9 tỷ đồng. Trong khi, vốn chủ sở hữu là 410,6 tỷ đồng. Vốn điều lệ của Halico sau 4 lần tăng vốn đạt 200 tỷ đồng.
Đến quý 4/2020, doanh thu thuần của Halico tiếp tục giảm xuống 15% so với cùng kỳ năm ngoái, còn gần 28 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp trong quý tăng 10%, đạt hơn 5 tỷ đồng.
Trong quý 4, Công ty ghi nhận chi phí phí quản lý doanh nghiệp tăng 81%, lên gần 9 tỷ đồng, do Công ty phải bổ sung tiền thuê đất tại khu 94 Lò Đúc. Sau khi trừ chi phí, Halico lỗ ròng hơn 10 tỷ đồng trong quý 4/2020.
Cả năm 2020, doanh thu của Halico giảm 19% so với năm 2019, còn gần 104 tỷ đồng. Điểm tích cực là biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp tăng gần 13% giúp lợi nhuận gộp của Halico tăng gấp 6 lần năm 2019, đạt gần 16 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm 37%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 12%.
Cho dù giá vốn bán hàng và chi phí bán hàng ở mức cao nhưng Halico vẫn báo lỗ ròng gần 31 tỷ đồng trong năm 2020.
Tại thời điểm cuối năm 2020, tổng tài sản của Halico giảm 7% so với đầu năm, còn hơn 395 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho giảm 35%, còn hơn 72 tỷ đồng, chủ yếu do giảm lượng nguyên vật liệu và thành phẩm tồn kho.
Với thông tin hoạt động kinh doanh của Halico bết bát những năm gần đây, dư luận đang tò mò lãnh đạo doanh nghiệp này sẽ có hướng đi nào để thoát "lầy"?
Theo báo cáo thường niên 2020 vừa công bố, Halico chưa đưa ra chỉ tiêu kinh doanh cụ thể cho 2021.
Kế hoạch phát triển trong tương lai, Halico định hướng tiếp tục cân đối sản xuất theo thực tế tiêu thụ, giảm thiểu hàng tồn, nghiên cứu, cải tiến sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Công ty dự kiến sẽ làm việc với đối tác Diageo về gia công sản phẩm rượu (cho Diageo) như những năm 2013 - 2016. Halico cũng định hướng triển khai đánh giá chỉ tiêu OEE tại nhà máy.
Về hoạt động kinh doanh, Halico lên kế hoạch triển khai các chính sách bán hàng phù hợp, duy trì và phát triển kênh nhà hàng, mở mới cửa hàng giới thiệu sản phẩm, tăng cường kiểm soát thị trường...
Cùng với đó, Halico dự kiến làm việc với phía Habeco (HOSE: BHN; nắm 54.29% vốn) và Diageo (nắm 45.57% vốn) để tận dụng kênh bán hàng hiện có.
Tuy nhiên, do 2 cổ đông lớn trên nắm gần hết (99.86% vốn) sở hữu Halico nên cổ phiếu HNR đang ở trạng thái trắng thanh khoản trên thị trường.
Khánh Hoài (tổng hợp)