Khoảng 13h chiều, thủy triều bắt đầu rút, đôi bạn già Lê Thị Vân (66 tuổi) và Nguyễn Thị Hoa (65 tuổi) lại ra con sông Trường Giang (đoạn nối giữa xã Tam Giang và thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, Quảng Nam) để mò bắt chem chép (một loài hải sản biển, thuộc họ hến biển, thường sống tại bờ biển hoặc khu vực lòng sông, hồ nước ngọt).
|
Thủy triều rút, những người phụ nữ làng biển đi bắt chem chép mưu sinh (Ảnh: Ngô Linh). |
Dụng cụ đơn giản chỉ là đôi bao tay, tất chân cùng chiếc móc sắt uốn cong một đầu và thùng xốp để đựng chem chép. Theo bà Hoa, muốn bắt được nhiều loại hải sản này phải lội đến những nơi nước sâu, dùng chân cảm nhận vị trí con chem chép trước khi dùng móc sắt cạy ra khỏi bùn.
Những đoạn nước sâu đến tận cổ, hai người phụ nữ phải bám sát nhau từng bước một. "Vì cầu Tam Giang đang thi công nên ven chân cầu có những đoạn hố sâu, phải dò đường cẩn thận, hụt chân là chết. Biết là nguy hiểm nhưng còn cách nào, chồng tôi đau ốm nằm liệt giường hơn một năm nay, bao thứ tiền đổ dồn trên vai", bà Hoa nói.
Bà Lê Thị Vân cũng có hoàn cảnh khó khăn không kém, không chồng con, không người đỡ đần, người phụ nữ này phải lầm lũi mưu sinh để nuôi sống bản thân. Bà Vân cho hay công việc này phải dầm mình dưới sông hàng tiếng đồng hồ, nước lại đục ngầu nên dễ mắc các bệnh ngoài da, bệnh phụ nữ, hoặc nhỡ đạp nhầm mảnh kiếng, vỏ hàu sắc nhọn…
"Ngày nhiều thì thu nhập được khoảng 300.000 đồng, ngày ít thì vài ba chục nghìn. Sợ nhất là ốm đau, không có thu nhập còn phải chi tiêu bao nhiêu thứ", bà Vân cười buồn.
Mùa chem chép thường bắt đầu từ tháng 2 âm lịch đến tháng 8 âm lịch, trong đó từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch là rộ nhất.
Hiện nay, giá chem chép khoảng 3.000 đồng/kg bởi đang vào cuối vụ, những lúc rộ nhất giá chỉ khoảng 2.300-2.500 đồng/kg. Chem chép được bắt để bán cho các cơ sở nuôi tôm hùm, con to hơn thì dùng làm thức ăn hoặc bán cho các nhà hàng hải sản.
|
Chem chép được bán cho các trại nuôi tôm hùm. |
Không chọn những nơi nước sâu, bà Huỳnh Thị Dung (60 tuổi, xã Tam Giang) đi dọc bãi sình lộ ra sau khi thủy triều rút để cào chem chép. Bà Dung cho biết, do sức khỏe yếu lại đau xương khớp nên bà không dám lội sông sâu mà chỉ mò chem chép nơi mực nước thấp hoặc trong các bãi sình lầy.
Với kinh nghiệm hơn 4 năm bắt chem chép, chỉ cần nhìn sơ qua lớp sình lầy, bà Dung đã xác định ngay vị trí. Chem chép sau khi bắt được sẽ mang ra sông rửa sạch bùn đất, nhặt bỏ rác rồi mang lên bãi tập kết chờ thương lái đến thu mua.
"Chồng con đi biển, cánh phụ nữ ở nhà thì mò cua, ốc, chem chép… trang trải cuộc sống. Lúc vào mùa, mỗi ngày, tôi kiếm được khoảng 150.000 đồng, ngày ít khoảng 70.000 đồng, cũng đủ tiền chợ búa. Vì chỉ bắt ven bờ nên cũng không nhiều bằng những nơi nước sâu", bà Dung chia sẻ.
Nghề mò bắt chem chép này đa phần là lao động lớn tuổi, cánh đàn ông thường dùng ghe ra giữa sông để lặn, phụ nữ chỉ mò mẫm ven bờ, trong bãi sình lầy sau khi thủy triều rút. Những con chem chép chưa đủ kích cỡ sẽ được trả lại sông để tiếp tục sinh trưởng, đây là luật bất thành văn tại nơi đây.
Theo Ngô Linh/Dân Trí