Thu trăm triệu trong 3 tháng hè
Đến hẹn lại lên, khi những đợt nóng kèm theo những tia nắng gay gắt kéo về cũng là lúc nghề du lịch bắt đầu vào mùa. Các gia đình rục rịch lên kế hoạch du lịch, các công ty tổ chức teambuilding hay du lịch khen thưởng cho nhân viên đã khiến cho những điểm du lịch luôn đông kín du khách. Điều này đã khiến cho nghề hướng dẫn viên du lịch trở thành một trong những nghề “hot” mỗi khi mùa hè đến.
|
Hướng dẫn viên Nguyễn Xuân Trường luôn cố gắng giữ lại những kỉ niệm những nơi mình đã đặt chân tới. |
“Thời điểm hè, lượng du khách đặt tour tăng khoảng 3 – 4 lần so với thời điểm mùa thu đông và tăng khoảng 2 lần so với thời điểm mùa xuân. Vào thời điểm hè, hướng dẫn viên du lịch như bọn mình luôn kín lịch 30/30 ngày, chẳng có nổi một ngày nghỉ. Đoàn khách này chưa về đã phải lo dẫn đoàn khách khác” Phạm Xuấn Hiếu (SN1997, một hướng dẫn viên du lịch tự do) cho biết.
Theo chia sẻ của Hiếu, ngành du lịch ngày một phát triển nhưng nguồn nhân lực hướng dẫn viên không đủ phục vụ thị trường nên những hướng dẫn viên như Hiếu luôn làm không hết việc mỗi khi mùa hè đến.
Với mỗi lần dẫn tour, các hướng dẫn viên du lịch như Hiếu được trả thù lao khoảng 500.000 đồng/ngày với khách nội địa và 1 triệu đồng đối với khách quốc tế. Vào mùa du lịch, con số này có thể tăng thêm 200.000 – 300.000 đồng/ngày, thậm chí hơn tùy từng tour. Ngoài ra hướng dẫn viên còn có thêm thu nhập từ tiền tip của khách, tiền dẫn đoàn mua sắm... Như vậy, nếu chăm chỉ dẫn tour, một hướng dẫn viên du lịch có thể bỏ túi từ 20 triệu – 30 triệu/tháng, thậm chí hơn.
Với khiếu ăn nói cùng vẻ ngoài điển trai, Hiếu còn được giao thêm trọng trách MC trong các chương trình gala của các đoàn du lịch. “Có nhiều đoàn khi đi du lịch họ muốn tổ chức các chương trình gala để kết nối các thành viên trong đoàn, họ yêu cầu thêm cả MC dẫn chương trình. Chi phí của công việc này thì đếm theo đầu khách, trung bình rơi vào khoảng từ 1 – 5 triệu/chương trình. Công việc hướng dẫn viên đem đến cho mình mức thu nhập khoảng 12 - 15 triệu đồng/tháng, tháng cao điểm có thể lên đến 30 triệu đồng”, Hiếu chia sẻ.
Dù chỉ là nghề tay trái, nhưng nghề hướng dẫn viên du lịch cũng đem đến cho anh Nguyễn Xuân Trường (SN 1987) mức thu nhập đáng mơ ước đối với nhiều người. “Công việc chính của mình là xuất bản, nhưng mình lại có đam mê về du lịch, thích đi đây đi đó, muốn trải nghiệm nhiều thứ vậy nên từ hồi là sinh viên đại học mình đã thường xuyên đi dẫn tour. Bây giờ hướng dẫn viên vẫn là một nghề tay trái của mình, cứ cuối tuần mình lại nhảy lên xe đi du lịch.
Công việc này cũng đem đến cho mình một mức thu nhập kha khá. Mỗi tháng mình chỉ đi tour khoảng 10 – 12 ngày và cũng có thể kiếm được từ 12 – 15 triệu từ công việc tay trái này, tháng cao điểm có thể lên tới 30 triệu/tháng. Trong 4 tháng hè, trừ hết các chi phí, mình cũng bỏ túi được khoảng 70 – 80 triệu” anh Trường chia sẻ.
Ngoài mức thu nhập, những hướng dẫn viên còn theo đuổi nghề bởi đam mê cháy bỏng. “Mỗi nơi mình đặt chân đến là một lần mình chinh phục được đam mê và mình cũng coi đó là niềm tự hào của bản thân. Làm công việc này được tiếp xúc với rất nhiều người, thuộc đủ ngành nghề, mọi tầng lớp trong xã hội. Mỗi người mình gặp là một câu chuyện khác nhau, giúp mình có thêm nhiều kinh nghiệm sống, thêm nhiều mối quan hệ”, hướng dẫn viên Hiếu hào hứng chia sẻ về công việc.
Những tâm tư phía sau sự hào nhoáng
Nếu không phải trong nghề, hẳn mọi người sẽ cho rằng nghề hướng dẫn viên du lịch là “sướng”, và phong lưu. Vì được đi đây đi đó, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mọi miền đất nước, được giao lưu tiếp xúc với nhiều người, với mọi nền văn minh, văn hóa trên thế giới… Trong khi người ta du lịch phải mất tiền thì hướng dẫn viên không những được miễn phí mà còn có tiền mang về. Tuy nhiên, theo những người trong cuộc thì đó chỉ là “lớp vỏ bọc hào nhoáng”, nghề hướng dẫn viên du lịch không phải chỉ là một màu hồng.
“Kể từ khi vào nghề, chưa có một cái Tết hay những ngày nghỉ lễ nào em được ở trọn vẹn bên gia đình. Làm nghề dịch vụ, khi người ta nghỉ thì mình càng phải làm nhiều. Rồi vào những mùa cao điểm, em chẳng có nổi một đêm được ngủ trọn vẹn giấc. 12 giờ, 1 giờ đêm mới được ngủ nhưng sáng hôm sau 3 – 4 giờ đã phải thức giấc để dẫn đoàn. Trong người cảm thấy rất mệt mỏi nhưng bên ngoài vẫn phải nở nụ cười với du khách” hướng dẫn viên Hiếu chia sẻ về những vất vả trong nghề.
Theo chia sẻ của Trường, Hiếu, nghề hướng dẫn viên cũng không được ăn sung, ở sướng như mọi người vẫn thường nghĩ. Chỉ là một giấc ngủ qua quýt trong phòng nội bộ, thậm chí ngủ gầm cầu thang, ngủ trong phòng karaoke của khách sạn... bởi đâu phải công ty nào cũng chịu chi 4 – 5 triệu cho hướng dẫn viên ngủ ở resort giống như khách. Trong chuyến đi, hướng dẫn viên cũng phải lo liệu cho khách xong rồi mới lo được cho bản thân, vậy nên cũng chỉ là bữa ăn qua quýt lúc 1 – 2h chiều.
Bên cạnh những khó khăn, vất vả thì nghề hướng dẫn viên du lịch cũng tiềm ẩn không ít những rủi ro, nguy hiểm. “Khi đi trên những địa hình hiểm trở, đồi núi nếu không cẩn trọng thì nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao. Và thực tế đã có không ít những vụ tai nạn trong các chuyến du lịch. Trên người mình cũng đã có vết tích từ các vụ tai nạn như vậy. Đó là vào năm 2016, khi mình đang đứng trên xe thuyết trình cho khách thì xe mình va chạm với một xe khác, do tư thế đứng không chắc chắn mình bị bắn vào kính xe khiến lưng bị bầm tím, xước xát” Hiếu tâm sự.
Thỉnh thoảng, những hướng dẫn viên như Hiếu, Trường lại phải chứng kiến sự ra của những người đồng nghiệp khi đi làm nghề. Thêm một câu chuyện là thêm một lần họ lo lắng với công việc mà mình đang theo đuổi.
Công việc hướng dẫn viên du lịch cũng được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người nhưng đâu phải ai cũng hoàn hảo. “Có những người khách coi hướng dẫn viên như một người giúp việc, có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Rồi đôi lúc họ cũng có những câu nói, những hành động khiến mình cảm thấy chạnh lòng chứ. Môi trường du lịch cũng khá phức tạp nên có mấy bạn, đặc biệt là các bạn nữ trụ nổi với nghề đâu” hướng dẫn viên Trường cho hay.
Dù có mức thu nhập cao, nhưng công việc hướng dẫn viên, cũng là nghề tiêu tốn nhiều. Trước mỗi hành trình, hướng dẫn viên phải chi một khoản không hề nhỏ để đi tìm hiểu, trải nghiệm thị trường mới. Ngoài những kiến thức về mặt chuyên môn nghiệp vụ, hướng dẫn viên luôn phải cập nhật tin tức thời sự hàng ngày, tìm hiểu về địa lý, văn hóa lịch sử của mỗi điểm du lịch.
Gạt qua hết những khó khăn, vất vả và cả những nguy hiểm, những hướng dẫn viên như Trường, như Hiếu vẫn cố gắng bám nghề phần vì đam mê và cũng bởi mức thu nhập. “Khó khăn, vất vả thì cũng vẫn phải làm thôi bởi mình còn phải lo cho gia đình. Mà đi nhiều rồi cũng thành quen, giờ có ở nhà thì cũng cuồng tay cuồng chân không chịu nổi” hướng dẫn viên Trường tâm sự.
Theo Kim Oanh/Giadinh.net