Theo thông báo ngày 29/9 của Fed, trong thời gian từ năm 2008-2013, HSBC đã không biết gì về các hành vi sai trái của các giao dịch viên chính, trong đó có người đứng đầu bộ phận buôn bán hối đoái bằng tiền mặt.
Các nhân viên giao dịch này đã sử dụng "thông tin nội bộ mật" để thực hiện các giao dịch có lợi cho ngân hàng nhưng gây hại cho khách hàng, dẫn tới hậu quả là bị truy tố tại New York (Mỹ) với các cáo buộc gian lận.
Một báo cáo nội bộ của ngân hàng HSBC cũng đã phát hiện những nhân viên giao dịch có ý định thao túng tỷ giá ngoại tệ bằng cách cấu kết với giao dịch viên của các ngân hàng khác.
FED đã yêu cầu HSBC sửa đổi các biện pháp giám sát nội bộ theo hướng nghiêm ngặt hơn và tuân thủ các quy định về kiểm soát rủi ro trong giao dịch ngoại hối, đồng thời hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật để tránh các vi phạm sau này.
Trong những năm qua, nhà chức trách Mỹ liên tục nhắm tới các hành vi thao túng lãi suất và tỷ giá hối đoái tại các thể chế tài chính lớn. Hồi tháng 4, FED đã phạt ngân hàng Deutsche Bank của Đức hơn 150 triệu USD vì những hoạt động giao dịch ngoại hối "thiếu an toàn và thiếu chặt chẽ".
Cách đây hai tháng, ngân hàng trung ương Mỹ cũng đã phạt ngân hàng BNP Paribas của Pháp 246 triệu USD vì các sai phạm tương tự.
HSBC là một trong 6 ngân hàng lớn của Mỹ và châu Âu bị các cơ quan quản lý phạt, với số tiền lên tới tổng cộng 4,2 tỷ USD, sau một cuộc điều tra được tiến hành tháng 11/2014 liên quan tới hành vi thao túng thị trường ngoại hối.
Năm 2012, ngân hàng này đã đồng ý nộp phạt 1,9 tỷ USD sau khi bị cơ quan công tố Mỹ cáo buộc thực hiện các giao dịch liên quan tới các đối tượng khách hàng đặc biệt là các tổ chức tội phạm ma túy, các tổ chức khủng bố và các nước đang bị trừng phạt, hoặc giám sát lỏng lẻo dẫn tới tình trạng này.
Theo TTXVN/NDH