Tình trạng thiếu điện của Trung Quốc dự kiến sẽ kéo dài tối thiểu đến hết quý 4/2021
Sản xuất công nghiệp Trung Quốc phục hồi quá nhanh sau đại dịch đã gây áp lực lên hệ thống điện quốc gia. Theo Tân Hoa Xã, tiêu thụ điện của Trung Quốc đã tăng 13,5% trong 8 tháng đầu năm 2021, tuy nhiên sản lượng điện lại chỉ tăng 10,1%.
Tình trạng mất cân bằng cung - cầu này chủ yếu do: (1) các nhà máy nhiệt điện cắt giảm sản lượng để tránh thua lỗ trong bối cảnh giá nhiên liệu đầu vào tăng cao và (2) thời tiết bất lợi khiến sản lượng điện tái tạo không đạt kỳ vọng.
|
Tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc đang trở nên trầm trọng. |
Tình trạng thiếu điện trở nên trầm trọng trong tháng 9/2021 khi có 17/31 tỉnh/khu vực tại Trung Quốc thông báo về tình trạng cắt điện, trong đó có rất nhiều tỉnh đang là thủ phủ sản xuất công nghiệp như Hà Bắc, Sơn Đông, Liêu Ninh,...
Các ngành sản xuất thâm dụng điện như thép -xi măng đang đứng đầu trong danh sách yêu cầu hạn chế sản xuất nhằm giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia.
Sản lượng sản xuất thép – xi măng của Trung Quốc trong tháng 8/2021 đã giảm lần lượt 12,2%-4,3% và thấp hơn 14,2%-8,7% so với trung bình quý 2/2021. Nguồn cung giảm quá nhanh đã khiến ngành thép – xi măng Trung Quốc rơi vào tình trạng mất cân đối cung - cầu tạm thời.
VNDirect kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp diễn tối thiểu đến hết quý 4/2021 khi sản lượng điện tại Trung Quốc chưa có dấu hiệu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội xuất khẩu vào Trung Quốc
Sản lượng thép – xi măng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong tháng 8-9 so với giai đoạn tháng 5-7 trước đó, cùng lúc thời điểm các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) tại Trung Quốc bị yêu cầu cắt giảm công suất do thiếu điện.
Do đó, VNDirect tin rằng các nhà xuất khẩu VLXD Việt Nam đang được hưởng lợi khi quốc gia láng giềng thiếu hụt nguồn cung tạm thời.
Trong đó, HPG và BCC là hai doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu. Trong khi đó, các doanh nghiệp tôn mạ sẽ được hưởng lợi gián tiếp khi áp lực cạnh tranh từ tôn mạ Trung Quốc tại các thị trường xuất khẩu khác giảm.
Nhà đầu tư cũng nên lưu ý rằng trạng thái cân bằng cung - cầu các sản phẩm thép – xi măng có thể sẽ sớm được thiết lập trong năm 2022 khi giới chức Trung Quốc đang đề xuất nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề thiếu hụt điện hiện nay như:
(1) tăng sản lượng khai thác than nội địa; (2) tăng giá thu mua điện, hỗ trợ các nhà máy nhiệt điện hoạt động trở lại,... Do đó, tiềm năng xuất khẩu VLXD mạnh mẽ của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ là ngắn hạn.
Về khả năng thiếu hụt điện sản xuất tại Việt Nam do giá than tăng cao, VNDirect đánh giá rủi ro này ở mức thấp nhờ (1) thủy điện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng công suất phát điện của Việt Nam năm 2020, khoảng 30% và (2) hiện tượng La Nina (mưa nhiều) được kỳ vọng sẽ tiếp tục cho đến hết quý 1/2022, đảm bảo lượng nước cho các nhà máy thủy điện.
Anh Nhi