Thói quen đốt vàng mã của người Việt
Vào những ngày sau Tết Nguyên đán, việc đốt vàng mã trong các lễ cúng bái tại nhà hay ở chùa đề ngốn một số tiền không hề nhỏ của người dân. Đặc biệt là đối với những người kinh doanh, buôn bán thì họ lại càng không tiếc tiền để mua vàng mã đốt nhằm cầu một năm kinh doanh may mắn. Một chủ cửa hàng tiết lộ, việc bỏ ra tầm trên dưới 1 triệu đồng để mua vàng mã đốt dịp đầu năm là chuyện thường tình.
Vào các ngày Rằm, mùng 1 (Âm lịch), lễ hóa vàng đầu năm, Thanh Minh, tảo mộ, cúng giỗ… chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhà nhà sắm sanh đồ vàng mã với rất nhiều chủng loại ngày càng phong phú để đảm bảo “trần sao âm vậy”. Khói đốt nghi ngút ở khắp nơi từ sân thượng, vỉa hè, từ nghĩa trang cho tới khuôn viên đền, chùa, miếu mạo…
Theo tục lệ cũ, những vàng mã ấy là do các gia đình tự cắt theo kiểu tượng trưng, không tốn kém và thể hiện lòng thành, tâm nguyện của người sống. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tập tục đốt vàng mã trong ngày lễ, tết đã bị biến tướng.
Người ta quan niệm rằng, dâng cúng càng nhiều thì càng được thánh thần hay người âm phù hộ mà sẵn sàng bỏ ra hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng để mua những mô hình vật dụng đốt cho người âm. Thậm chí, nhiều người còn tin rằng đốt thật nhiều vàng mã là cách để họ báo hiếu cha mẹ đã khuất và tự hào vì đã lo được một cái lễ tươm tất, đầy đủ hơn người.
Tuy nhiên, trả lời trên Dân Trí, TS Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho rằng, đây là những quan niệm sai lầm. Thực tế, tục lễ đốt vàng mã có nguồn gốc từ Trung Quốc.
“Nếu cứ đổ xô đốt vàng mã, tốn kém cho người cõi âm với mong muốn được nhiều tài lộc, được trợ duyên thăng quan tiến chức thì cũng chẳng khác nào hối lộ người đã mất. Điều này đi ngược lại với truyền thống, văn hóa hướng về tổ tiên, trân trọng chính những người đang sống quanh mình. Vì vậy, các gia đình chỉ đốt tiền vàng một cách văn minh, vừa phải phù hợp với phong tục, tập quán của dân gian ta”, TS Vũ Thế Khanh khẳng định.
Ngoài ra, việc đốt vàng mã liên tục, số lượng lớn và đốt tràn lan ở nhiều vị trí, địa điểm khác nhau đã gây ra ô nhiễm môi trường cùng với nguy cơ hỏa hoạn luôn thường trực.
|
Thời điểm này là thời điểm người dân đô xô đi các chùa để cúng bái, cầu xin thánh thần phù hộ và đây cũng là thời điểm thích hợp để các hàng quán vàng mã làm ăn kiếm lời cực lãi từ đây. Ảnh minh họa. |
Hốt bạc nhờ kinh doanh vàng mã ngày đầu năm
Mảng kinh doanh vàng mã, giấy đế đang giúp một số doanh nghiệp có doanh thu lên đến 150-500 triệu đồng mỗi ngày.
Căn cứ theo số lượng giấy đăng ký kinh doanh thì hiện trên cả nước có khoảng trên 40 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng mã, giấy đế (một loại giấy cúng thần được người dân thị trường nước ngoài dùng). Tuy nhiên, hầu hết đều là các cơ sở sản xuất hoặc doanh nghiệp tư nhân, chỉ một vài trong số này là doanh nghiệp có quy mô.
Một số doanh nghiệp có quy mô, đăng ký ngành nghề kinh doanh đang sản xuất vàng mã phần lớn đều có kết quả kinh doanh tốt, thậm chí niêm yết trên sàn với doanh thu hàng trăm triệu mỗi ngày.
Nổi bật trong số này phải kể tới công ty Cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái (CAP), Công ty cổ phần Hàng Kênh, Công ty cổ phần Tập đoàn Hapaco…Trong đó, doanh thu khủng nhất có thể kể đến Công ty Cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái.
Chỉ phục vụ cho việc đốt vàng mã theo phong tục của người dân, Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái (mã chứng khoán CAP) đã hốt bạc lớn. Riêng số lượng giấy đốt ra tro cho cõi âm của công ty này đã đạt hơn 5.000 tấn.
Cụ thể, Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái vừa công bố báo cáo tài chính cả năm 2018 cho thấy mức tăng trưởng đều của công ty này, vốn có ngành hoạt động chính phục vụ cõi âm.
Theo đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Yên Bái lần lượt đạt 388 và 34 tỉ đồng. Như vậy cứ mỗi ngày công ty này kiếm được cả hơn 1 tỉ đồng. Mức tăng trưởng này rất tốt nếu so sánh năm 2017 có doanh thu là 272 tỉ đồng và lãi ròng là 15 tỉ đồng.
Ngoài các công ty quy mô nói trên, vàng mã còn được sản xuất nhiều tại một nơi được coi là “đại công trường” sản xuất đồ phục vụ người âm, đó là xã Đông Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.
Trước đây, Đông Hồ là “thủ phủ” của một dòng tranh dân gian độc đáo, song về sau tranh Đông Hồ cứ thế bị mai một dần nhường chỗ cho các cơ sở sản xuất vàng mã, hiện vật cúng tế người âm như ngựa, xe, quần áo... cung cấp cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Dịp này, các xưởng rộn ràng chuẩn bị vàng mã phục vụ Rằm tháng Giêng - một trong 2 thời điểm tiêu thụ nhiều vàng mã nhất trong năm.
Có thể nhận thấy, Việt Nam là một quốc gia có nhiều đền, chùa, miếu, phủ với mật độ lễ hội dày đặc trong năm, nếu mỗi gia đình mỗi dịp lễ này “đốt” đi vài chục đến vài trăm nghìn thì số tiền thực bị ném vào lửa hàng năm tuy không thống kê được nhưng chắc chắn là một con số khổng lồ.
Theo Lily/Giadinh.net