Đến hẹn lại lên, thời điểm cuối năm âm lịch, nhiều chủ ôtô tại TP HCM lại "rồng rắn" xếp hàng tại các cửa hàng chuyên tân trang xe ở một số tuyến đường như An Dương Vương, Nguyễn Văn Cừ, Trần Bình Trọng, Điện Biên Phủ, Lý Thái Tổ. Có người phải chờ từ sáng đến chiều mới tới lượt.
Khách tăng gấp 5-6 lần
Ông Đào Anh Ngọc (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết cuối năm nào ông cũng dành riêng một ngày để đưa xe đi "tút" lại. "Biết là làm vào cuối năm thì các cửa hàng rất đông khách, mất nhiều thời gian nhưng nếu đem xe tân trang sớm quá thì tới Tết là xe xuống sắc, không còn bóng đẹp. Tôi chấp nhận chờ đến cận Tết mới làm để có xe mới đi đây đi đó" - ông Ngọc nói và cho rằng đó cũng là tâm lý chung của nhiều chủ xe.
Ông Đinh Dũng Tuấn, chủ tiệm ôtô trên đường An Dương Vương, cho biết kể từ sau ngày 23 tháng chạp, lượng khách đến tân trang xe tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Vào cuối tuần hoặc cận Tết (khoảng 29, 30 tháng chạp), lượng khách có thể tăng mạnh 5-6 lần.
"Một tuần nay, nhân viên cửa hàng tôi đã phải tăng ca để kịp trả xe cho khách. Nếu dịch Covid-19 được khống chế tốt, nhu cầu tự lái xe đi chơi, đi du lịch Tết không bị ảnh hưởng thì lượng khách trong 2-3 ngày tới sẽ còn tăng mạnh hơn nữa" - ông Tuấn dự đoán.
|
Ôtô nối đuôi nhau chờ làm đẹp dịp Tết tại khu vực quận 5, TP HCM
|
Theo ghi nhận của phóng viên, giá dịch vụ làm đẹp xe thời điểm này đã bắt đầu tăng 10%-20% so với ngày thường. Ông Trần Văn Bình, chủ tiệm ôtô trên đường Trần Bình Trọng, cho hay giá dịch vụ tăng là vì thuê thợ thời vụ vào dịp này phải trả công gấp 1,5-2 lần bình thường. Dù vậy, vẫn có một số tiệm giữ giá dịch vụ như ngày thường bởi đa số người đến tân trang xe cuối năm là khách quen.
"Chủ xe có nhu cầu làm đẹp xe nên mang xe đến tiệm sớm bởi càng cận Tết mới làm thì chất lượng khó như mong muốn. Khối lượng công việc tăng lên gấp nhiều lần nên thợ làm không kỹ, chưa kể nghề của thợ tuyển theo thời vụ không được thành thạo" - ông Bình lưu ý.
Đủ loại dịch vụ
Những dịch vụ mà chủ xe yêu cầu tân trang trong dịp Tết chủ yếu là xử lý vết trầy xước trên bề mặt sơn, đánh bóng sơn, phủ nano, làm sạch ghế xe, bọc nỉ hoặc bọc da ghế, lắp thêm thiết bị âm thanh, camera hành trình... Giá dịch vụ xử lý vết trầy sơn phụ thuộc vào từng vị trí, ví dụ sơn lại vết trầy ở gương giá khoảng 250.000 đồng, sơn nắp capô 1,8 triệu đồng, sơn cột chữ A khoảng 700.000 đồng, nóc xe 1,8 triệu đồng, cánh cửa 950.000 đồng, hông xe 900.000 đồng, nắp bình xăng 250.000 đồng. Nếu khách có nhu cầu sơn nguyên xe, giá dao động trên dưới 20 triệu đồng.
Với dịch vụ làm mới xe như phủ bóng ceramic, giá khoảng 4,5-6,5 triệu đồng, hiệu chỉnh bề mặt sơn từ 1,7-2,5 triệu đồng, tẩy ố kính từ 600.000 đến 1 triệu đồng, sơn phủ gầm 3,5-5,2 triệu đồng, vệ sinh nội thất từ 900.000 đến 1,5 triệu đồng, tẩy bụi sơn 800.000 đồng, dọn gầm xe 1 triệu đồng.
"Đối với đánh bóng sơn, để có chất lượng tốt nhất thì phải thực hiện cả 3 bước theo tiêu chuẩn quy định, còn nếu khách muốn tiết kiệm tiền thì có thể thực hiện 1-2 bước. Giá bước 1 từ 1-1,5 triệu đồng, bước 2 từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng, bước 3 từ 700.000 đến 1 triệu đồng. Chúng tôi để khách được thoải mái lựa chọn" - chủ một cơ sở tân trang xe cho hay.
Dịch vụ dán phim cách nhiệt cũng được nhiều chủ xe yêu cầu trong dịp cuối năm để phục vụ nhu cầu đi chơi xa. Giá cả dịch vụ này chênh lệch khá nhiều giữa các cửa hàng. Theo giải thích của chủ các cửa hàng tân trang xe, mặt hàng phim cách nhiệt xuất xứ từ Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Nhật... có giá cao hơn khá nhiều so với sản phẩm từ Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc).
"Nếu có nhu cầu dán phim cách nhiệt, chủ xe nên đến tiệm uy tín để được cung cấp mức giá hợp lý, rõ ràng về xuất xứ, chất lượng và có chế độ bảo hành; tránh tình trạng mua nhầm phim kém chất lượng với giá cao ngất ngưởng" - ông Bùi Trung Hậu, chủ tiệm ôtô ở TP Thủ Đức, khuyến cáo.
Khách hàng cũng có thể lựa chọn các gói tân trang cho xe với mức giá mềm hơn so với lựa chọn làm đẹp từng bộ phận. Theo đó, gói cơ bản (5-7 dịch vụ) có mức phí từ vài triệu đồng, gói tiêu chuẩn (hơn 10 dịch vụ) giá khoảng 10 triệu đồng và gói nâng cao có giá hơn 20 triệu đồng. Mức giá có thể tăng thêm nếu khách chọn hóa chất, nguyên liệu ngoại nhập và công nghệ xử lý chất lượng cao.
Nhiều cách tự làm đẹp xe
Ngoài các công đoạn phải làm tại cửa hàng, trên thị trường có khá nhiều loại dung dịch làm sạch, làm mới ôtô để chủ xe có thể dễ dàng tự tay thực hiện tại nhà. Chẳng hạn, với chai dung dịch dạng xịt để làm sạch trần xe, có thể dùng khăn lau hoặc hoặc bàn chải mịn để lau, phủi trần xe sau khi xịt và dùng khăn khô lau lại, trần xe sẽ sạch như mới. Tương tự, ghế nỉ, ghế da, cánh cửa... của ôtô cũng có các dung dịch làm sạch riêng.
Ngoài ra, chủ xe có thể dùng máy hút bụi để dọn dẹp vệ sinh trong ôtô mà không phải nhờ đến dịch vụ bên ngoài. Với các vết trầy nhẹ, có thể sử dụng dung dịch chuyên biệt được nhiều cửa hàng bày bán để xử lý...
Theo Long Giang / Người lao động