Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, chỉ riêng các khu nghỉ dưỡng dọc đại lộ Nguyễn Tất Thành tại Khu Du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đã có 40 dự án với tổng vốn đăng ký 28.790 tỉ đồng, đã giải ngân được 8.530 tỉ đồng.
Giá trị bậc nhất
Trước đây, muốn vào phố biển TP Nha Trang chỉ có tuyến đường 23-10 và 2-4 (Quốc lộ 1C). Để phát triển mạnh về du lịch biển, tỉnh Khánh Hòa đã đẩy mạnh các tuyến đường ven biển như: đại lộ Nguyễn Tất Thành dài 35 km nối Cam Lâm - Cam Ranh ở hướng Nam, đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng dài 25 km mở TP ra hướng Bắc. Những con đường này trở thành cửa ngõ vào TP cực đẹp với những cung đường uốn lượn theo thế núi. Một bên đường là biển xanh, phóng tầm nhìn ra vịnh Nha Trang, một bên là núi đá đủ hình thù và những thác nước nhỏ.
|
Tuyến đường ven biển Ninh Thuận dài hơn 106 km. Ảnh: LÊ TRƯỜNG |
Năm 1997, tỉnh Khánh Hòa đầu tư hơn 330 tỉ đồng xây cầu Trần Phú và mở rộng đường Trần Phú nối dài (nay là đường Phạm Văn Đồng) đến tận khu vực bãi Tiên. Tiếp đó, những năm 2000, đường Phạm Văn Đồng được kéo dài ra tận xã Vĩnh Lương, nối thông Quốc lộ 1. Dọc tuyến đường này bây giờ là hàng trăm khách sạn nổi tiếng trong nước và thế giới gắn với danh thắng Hòn Chồng, đầm Nha Phu.
|
Đường Trần Phú - tuyến đường huyết mạch giao thông thủy - không - bộ Ảnh: KỲ NAM |
Còn đại lộ Nguyễn Tất Thành được xem là cầu nối của 2 vịnh biển du lịch là Nha Trang và Cam Ranh. Qua những quãng đường uốn lượn quanh sườn núi nhô sát ra biển là Khu Du lịch Bãi Dài (huyện Cam Lâm và TP Cam Ranh) - nơi tập trung khoảng 50 dự án bất động sản nghỉ dưỡng tỉnh Khánh Hòa. Đa số dự án có diện tích lên tới vài chục hecta và vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng.
Theo ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (giai đoạn 1999-2004), thời kỳ này, lãnh đạo tỉnh ai cũng muốn phát triển các trục đường ven biển để tạo đòn bẩy, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, đồng thời thực hiện hiệu quả chiến lược về quốc phòng. Muốn phát triển trước tiên phải đầu tư hạ tầng. Sau 13 tháng xây dựng, vào tháng 5-2004, con đường ven biển nối Nha Trang và sân bay Cam Ranh được hoàn thành, rút ngắn hơn 20 km so với tuyến Quốc lộ 1A. Tuyến đường được mang tên Nguyễn Tất Thành, để kỷ niệm sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến vịnh Cam Ranh ngày 18-10-1946.
Hớp hồn du khách
Dân "phượt" chuyên nghiệp từng ngược xuôi trong Nam ngoài Bắc đã không ngại ngần bảo rằng Ninh Thuận không chỉ nổi tiếng về trái nho tươi, còn có con đường ven biển đẹp nhất Việt Nam.
Tuyến đường ven biển Ninh Thuận dài hơn 106 km, đi qua địa bàn 4 huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc và TP Phan Rang - Tháp Chàm. Điểm đầu tuyến giao với Quốc lộ 1 tại xã Công Hải, huyện Thuận Bắc tiếp giáp với tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tuyến giao với Quốc lộ 1 tại xã Cà Ná, huyện Thuận Nam gần ranh giới tỉnh Bình Thuận. Tổng mức đầu tư tuyến giao thông này trên 4.550 tỉ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Giữa tháng 4-2015, khi tuyến giao thông Cà Ná - Mũi Dinh - Vĩnh Hy chính thức thông xe, hàng trăm du khách có dịp thưởng ngoạn những phong cảnh sơn thủy hữu tình, một bên là biển xanh - một bên là những dãy núi đá cao chót vót, cả những khúc cua tuyệt đẹp. Từ vị trí cao hơn 500 m so với mặt nước biển, du khách phóng mắt ra xa là những bãi cát vàng hun hút như chưa từng có bước chân người.
Ông Võ Đức Triều, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Thuận, cho biết khi thi công tuyến giao thông này, lãnh đạo tỉnh đã chủ trương giữ lại số cây xanh, đá núi có hình thù đẹp để tạo nét độc đáo cho cung đường. Bà Đào Thị Hảo - chủ quán nước ở thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh - kể trước đây, tỉnh lộ qua thôn chỉ toàn cát và cát, đi lại rất vất vả. "Hơn 2 năm qua, bà con sống rất thoải mái. Giao thông thuận tiện, du khách đến tham quan, du lịch dã ngoại ngày càng nhiều nên tụi tui buôn bán cũng đắt hơn, mừng lắm!" - bà Hảo bộc bạch.
Sau khi tuyến đường ven biển hoàn thành, số lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Ninh Thuận tăng rõ rệt. Nếu như từ năm 2014 trở về trước, ngành du lịch Ninh Thuận chỉ đón khoảng 1 triệu du khách/năm, thì trong 2 năm 2015-2016, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh này đã vượt con số 3,5 triệu người. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, số lượng du khách nội địa và quốc tế đã lên đến hơn 1,8 triệu người.
Theo ông Châu Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, đa phần du khách đến Ninh Thuận để khám phá những vùng đất hoang sơ gần biển. Tuyến đường ven biển đã tạo thuận lợi để du khách đến nơi họ muốn. Đây cũng chính là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp du lịch trong, ngoài tỉnh đầu tư, xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái dọc dài cung đường này. Từ giữa năm 2015 đến nay, nhiều khu du lịch sinh thái, mạo hiểm, nghỉ dưỡng được xây dựng dọc tuyến đường ven biển như: Tanyoli, Sơn Hải, Nam Núi Chúa, Spa Nho… Vài năm tới, sẽ có thêm 3-4 khu du lịch được hình thành ở một số vùng biển đẹp như Hòn Đỏ, Mũi Dinh, Bình Tiên.
Theo Kỳ Nam-Lê Trường/Người Lao Động