Là một tỉnh miền núi có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp với một số loài cây ăn quả ôn đới, cận nhiệt đới, hồng không hạt là giống cây ăn quả dễ trồng, không kén đất, có chất lượng đặc thù riêng biệt và đã trở thành loại cây đặc sản của tỉnh Bắc Kạn. Cây hồng không hạt gắn với vùng đất Bắc Kạn đã có lịch sử phát triển trên 100 năm.
Tại bản Lác thuộc xã Quảng Bạch, xã Xuân Lạc, xã Tân Lập huyện Chợ Đồn hay tại các xã Quảng Khê, Đồng Phúc thuộc huyện Ba Bể và xã Nà Phặc thuộc huyện Ngân Sơn vẫn còn những cây hồng gần 100 năm tuổi cho năng suất và chất lượng quả tốt.
Theo nhiều người dân nơi đây, với những cây hồng mặc dù đã già cỗi nhưng vẫn không hết tác dụng, có thể tận dụng chặt lấy rễ của nó đem trồng. Một cây hồng lớn, già có thể lấy được nhiều đoạn rễ để giâm thành cây con đem trồng, chỉ cần chặt mỗi đoạn dài khoảng 20cm đem cắm xuống đất, rễ sẽ mọc mầm thành cây con, bởi thế mà nhiều hộ gia đình ở trong thôn không cần phải tìm mua cây hồng giống ở nơi khác.
Hồng không hạt Bắc Kạn thuộc họ thị Ebenaceae, loài hồng trơn, có tên khoa học là Diospyros kaki L. Theo tiếng địa phương của dân tộc Tày, tên địa danh “Bắc Kạn” là cách nói chệch của chữ “Pác Cạm” có nghĩa là cửa ngõ hoặc “Pác Cáp” có nghĩa là nơi hợp lưu của các dòng chảy.
Cách gọi Hồng “không hạt” là nói tới điểm đặc biệt của loại quả này là không có hạt do nhân của hạt bị thoái hóa, trong như thạch, vì vậy, không như các giống hồng khác, khi ăn, hồng không hạt Bắc Kạn có độ giòn.
Cũng theo tiếng của dân tộc Tày, Hồng không hạt còn được gọi là Mác hồng, còn chúng ta hay gọi là hồng ngâm do trước khi ăn, phải ngâm hồng qua nước để khử chát.
Đặc điểm của loại quả này là quả không có hạt, vỏ quả màu vàng đỏ khi chín; tai quả to, quả không cứng và không chát, vị ngọt dịu đến ngọt đậm sau khi ngâm, quả nhiều cát đường và rất giòn.
Hồng không hạt chín vào thời điểm khoảng cuối tháng 7, 8 âm lịch, khi chín, màu quả chuyển từ xanh sang đỏ vàng sáng. Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây khi hái hồng đúng độ chín, đem về ngâm xuống nước sạch, ngâm ngay sẽ cho chất lượng quả tốt và ngon nhất.
Hái hồng nên vào buổi sáng hoặc buổi chiều mát. Quả hái về, xếp nhẹ nhàng vào các sọt có thể vận chuyển đi xa và bảo quản được lâu.
Quả hồng chín màu vàng sáng rất đẹp, nhưng hái từ trên cây xuống vẫn không thể ăn được vì nó còn rất chát. Phải ngâm hồng trong nước sạch, ngập khoảng 15-20cm, ngâm từ ba đến bốn ngày đêm, quả hồng sẽ hết nhựa chát và chuyển thành vị ngọt, khi đó vớt ra để ráo nước là có thể ăn.
Vào mùa thu, đặc biệt vào ngày Tết trung thu truyền thống, quả hồng không hạt Bắc Kạn thường được dùng làm quà biếu cho bạn bè và người thân, được bày trên mâm ngũ quả trong mỗi gia đình người Việt. Nét văn hóa đặc thù này đã làm cho giá trị và danh tiếng của hồng được lưu truyền qua hàng trăm năm cho đến ngày nay.
Hồng không hạt Bắc Kạn phân bố xung quanh khu vực hồ Ba Bể, tại những nơi có độ cao dưới 800m so với mặt nước biển. Hiện diện tích trồng hồng không hạt toàn tỉnh có gần 1000ha, năng suất đạt 1000 tấn/năm, cho thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm.
Hồng không hạt Bắc Kạn bao gồm hai loại là hồng không hạt “tháng 8-9” và hồng không hạt “tháng 9 -10”. Hồng không hạt "tháng 8-9” thường được trồng ở bờ ruộng, bờ ao hoặc trong vườn nhà - nơi có nguồn nước thuận lợi, chủ động tưới tiêu nên quả thuôn; vỏ quả màu vàng đỏ; thịt quả màu vàng sáng; quả không có hạt; tai quả to, có 4-5 tai; quả không cứng và không chát, vị ngọt dịu đến ngọt đậm sau khi ngâm; quả nhiều cát đường và rất giòn; trọng lượng từ 15-18 quả/kg. T
rái lại, hồng không hạt "tháng 9-10" được trồng chủ yếu ở vườn đồi - nơi có địa hình dốc, nguồn nước cung cấp ít hơn nên quả ngắn, hơi tròn; vỏ quả màu vàng sẫm; thịt quả màu vàng sáng; quả không có hạt; tai quả to, có 4 tai; quả cứng và không chát, vị ngọt dịu sau khi ngâm; quả ít cát đường; trọng lượng từ 25-30 quả/kg.
Hồng không hạt đã được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý năm 2010 tại Quyết định số 1721/QĐ-SHTT ngày 08/9/2010 về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00021 cho sản phẩm hồng không hạt Bắc Kạn. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý "Bắc Kạn" cho sản phẩm hồng không hạt. Năm 2013, quả hồng không hạt của Bắc Kạn được công nhận là sản phẩm nằm trong top 100 nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam do Trung ương Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cùng tạp chí sở hữu trí tuệ và sáng tạo bình chọn.
Với giá bán dao động từ 25.000 – 35.000 đồng/kg, nhiều hộ dân của tỉnh đã cải thiện được cuộc sống, phát triển kinh tế ngày càng vững vàng hơn. Sản phẩm hồng không hạt những năm gần đây không chỉ tiêu thụ bó hẹp trong địa phận tỉnh Bắc Kạn mà theo chân lái buôn đi về mọi ngả đường đất nước. Đặc biệt trong những mâm cỗ Trung thu hồng không hạt đã trở thành một loại đặc sản không thể thiếu. Cây hồng không hạt được tin tưởng rằng sẽ phát triển xứng tầm thương hiệu, sánh vai cùng các thương hiệu nổi tiếng trong nước như Vải Thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), Nhãn Lồng Hưng Yên… trong một tương lai không xa.
Theo Dân Việt