Bắt đầu từ cuối tháng 8, thương lái tìm mua các nhà trồng sâm Ngọc Linh để thu mua hạt về bán lại cho những người có nhu cầu, hoặc họ đem về ươm giống để bán cây con vào năm sau. Vì thế, giá hạt sâm Ngọc Linh tăng cao nhưng không có để mua.
Anh Hải (Quảng Nam) cũng trồng được ít cây sâm Ngọc Linh nên có một số lượng hạt nhất định để rao bán. “Mỗi hạt tôi bán từ 110.000 – 150.000 đồng nhưng cũng không có để bán. Tôi phải đi thu gom các nhà trồng sâm xung quanh khu vực để trả các đơn khách đặt”, anh cho biết thêm.
|
Hạt sâm Ngọc Linh được thu mua với giá rất cao, hơn 100.000 đồng/hạt. |
Nếu có khách đặt số lượng lớn, anh từ chối nhận đơn vì không thể gom trong một vài ngày được số lượng lớn hạt sâm Ngọc Linh.
Một người bán hạt sâm Ngọc linh khác cho biết khách hàng đều là những người hiểu biết về loại sâm quý này mới đặt mua. Thông thường, ngườ dân các tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đặt mua nhiều. “Vì giống sâm này trồng được phụ thuộc rất nhiều vào khí hậu, những khách hàng miền Bắc hoặc miền Trung đặt mua, tôi cũng khuyên không nên trồng. Vừa tốn tiền lại trồng cũng khó lên”, người bán này cho hay.
Ông Trần Đức An, Giám đốc Công ty về sâm Ngọc Linh ở Kon Tum cho biết, từ tháng 9 người trồng sâm Ngọc Linh đã bắt đầu thu hoạch hạt chín để bán hoặc làm giống. Công ty ông thu gom hạt về ươm giống mở rộng diện tích. Tuy nhiên, tại Kon Tum vườn sâm có tuổi đời trên 4 năm chưa nhiều, chỉ có khoảng 3-4 vườn cho hạt thu hoạch được. Do đó, ông phải thu gom thêm từ Quảng Nam.
|
Ông An thu mua được gần 10.000 hạt sâm Ngọc Linh từ đầu mùa tới nay. |
Mỗi hạt sâm Ngọc Linh chín, ông An thu mua với mức giá dao động từ 90.000 - 110.000 đồng/hạt đơn, khoảng hơn 200.000 đồng/hạt đôi. Vì giá hạt giống cao nên các nhà vườn đều đếm hạt tính tiền chứ không ai chấp nhận bán theo kg. Từ đầu mùa tới giờ, ông thu mua được gần 10.000 hạt về nhân giống.
Theo ông, giá hạt sâm Ngọc Linh cao nhưng sau một năm ươm trồng, chúng thành cây con được bán với giá 350.000 đồng/cây. Người trồng lúc này sẽ hưởng lợi nhuận rất cao nên việc nhiều người tìm mua hạt về làm giống là như vậy.
Những hạt sâm chín mới được mức giá này, đó là hạt có chấm đen và màu đỏ cam, còn những hạt xanh thì không thu mua vì không thể nhân giống. Ông cho biết cây sâm Ngọc Linh khoảng 3 năm tuổi mới cho ra hạt. Các cây khỏe và tốt sẽ ra khoảng 30 -50 hạt/cây, có những cây cho đến 60 hạt.
Theo đó, mùa thu hoạch hạt sâm diễn ra từ tháng 7 đến tháng 10 Dương lịch, ông chủ yếu mua tại các vườn lớn để có số lượng nhiều. Tại thời điểm này, các vườn trồng sâm cũng không bán hạt nữa, vì vào thời điểm gần cuối mùa, số lượng hạt sâm không còn nhiều, dân cũng đem đi ươm để bán cây giống vào sang năm sẽ thu lợi nhuận cao hơn.
Ông An cho biết thêm hiện, giá sâm củ có giá 180 triệu đồng/kg với hàng 1 kg được 10 củ, còn loại nhỏ hơn 1 kg được 20 củ sẽ có giá 110 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, đang mùa thu hoạch hạt nên không có củ sâm để bán ra thị trường. Cùng với đó, các phiên chợ sâm và lễ hội sâm ngọc linh đều quét sạch sâm to nên muốn mua sâm cũng khó khăn trong thời điểm này.
Trên thị trường, không ít người sử dụng các loại hạt gần giống hạt sâm Ngọc Linh để bán cho người tiêu dùng kiếm lời. Có trường hợp, khi đăng lên bán họ lấy hình hạt sâm ngọc linh thật nhưng khi giao cho khách lại là thứ hạt của cây khác. Vì vậy, người bán sâm ngọc linh khuyên người mua cần tìm nơi uy tín, tốt hơn hết là đến tận vườn thu mua để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.
Sâm Ngọc Linh (tên khoa học là Panax vietnamensis) thuộc họ cây Cuồng Cuồng (Araliaceae), còn được gọi với những tên khác như Sâm k5 (khu 5), sâm Việt Nam, sâm trúc... Năm 1973, loại sâm này được phát hiện ở ngọn núi Ngọc Linh thuộc huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum. Loại sâm này có giá trị bổ dưỡng cao, giúp tăng cường sức khỏe.
Theo Anh Thư /Dân Việt